Xã hội

Ai tiên phong lấp hồ Đại Lải?

22/07/2020, 07:00

Công ty TNHH Nhật Hằng đã “tiên phong” lấp đất lấn hồ từ năm 2002, kéo theo đó là cuộc “đổ bộ” của hàng loạt “ông lớn” xâu xé hồ Đại Lải.

img
Toàn bộ dự án của Công ty Nhật Hằng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Người dân xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn nhớ, trước khi Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam bạt cả quả đồi, lấp xuống hồ Đại Lải (Báo Giao thông đã có loạt bài điều tra), Công ty TNHH Nhật Hằng đã “tiên phong” lấp đất lấn hồ từ năm 2002.

Dân phản đối, dự án vẫn mở rộng

Theo tài liệu cơ quan chức năng cung cấp, ngày 5/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 2850 phê duyệt địa điểm, phạm vi nghiên cứu lập dự án khả thi xây dựng Khu nghỉ ngơi vui chơi, giải trí Trại Thị thuộc Khu du lịch Đại Lải của Công ty TNHH Nhật Hằng. Trong vòng 2 năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành các thủ tục để tới tháng 5/2004, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định phê duyệt chi tiết dự án. Theo quyết định này thì Nhật Hằng được cấp 30,1ha thu hồi từ đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất bán ngập của hồ Đại Lải.

Từ những ngày đầu triển khai dự án, người dân xã Ngọc Thanh đã phản ứng dữ dội vì dự án lấy đi một diện tích lớn đất ven hồ. “Người dân chúng tôi khi đó phát hiện tình trạng doanh nghiệp này ngang nhiên phá núi, lấp hồ. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều lên cấp xã, cấp huyện nhưng cũng chẳng ăn thua”, anh Nguyễn Văn Vinh người dân xã Ngọc Thanh chia sẻ.

Ông Lưu Tiến Chung, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh thừa nhận: “Ngay khi Công ty TNHH Nhật Hằng và một số doanh nghiệp khác triển khai hoạt động xây dựng tại hồ Đại Lải (khoảng từ năm 2002- 2005), cử tri xã nhiều lần gửi đơn kiến nghị về việc lấp hồ, phá vỡ cảnh quan, công năng của hồ Đại Lải. Do các doanh nghiệp triển khai tại hồ Đại Lải đều được cấp có thẩm quyền của UBND tỉnh cấp phép nên chúng tôi chỉ biết tập hợp ý kiến, báo cáo cấp trên”.

Thời điểm đó, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã Ngọc Thanh đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong xã đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu thu hồi bớt diện tích đã giao cho chủ đầu tư bởi việc thực hiện dự án này phải lấp diện tích hồ quá lớn, ảnh hưởng đến công năng phục vụ sản xuất của hồ Đại Lải. Thế nhưng, bất chấp người dân phản ứng dữ dội, Công ty TNHH Nhật Hằng vẫn liên tục xin mở rộng dự án với sự cho phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tới nay, dự án này đã xin điều chỉnh quy hoạch tới 3 lần, mở rộng, thay đổi rất nhiều so với ban đầu.

Mỗi lần điều chỉnh thêm một lần mở rộng

Theo quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, vị trí, ranh giới của dự án được thể hiện trên bản đồ địa chính theo tỷ lệ 1/1000. Chủ đầu tư tiến hành thực hiện dự án bằng việc xây dựng hàng loạt các công trình, đặc biệt là biệt thự nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các tài liệu cũng thể hiện, doanh nghiệp Nhật Hằng đổi tên thành Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, bổ sung thêm một nhà đầu tư nữa là Công ty CP Paradise Đại Lải.

Chỉ trong 2 năm, năm 2015 và 2017, ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tiếp ký các quyết định về việc điều chỉnh nội dung giao và cho thuê đất theo quy hoạch công trình xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải. Những quyết định này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ giúp chủ đầu tư điều chỉnh nội dung về sử dụng đất mà còn giúp chủ đầu tư tăng diện tích dự án lên nhiều ha.

Điển hình, như Quyết định phê duyệt điều chỉnh Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải (lần 3) mà ông Vũ Chí Giang ký ngày 24/10/2017 thể hiện, tổng diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Nhật Hằng và Paradise Đại Lải tại Quyết định 1508/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 là 37,1662ha. Nhưng tại quyết định mới, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải rộng thêm 7ha.

Tìm hiểu thực tế, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải này có các vị trí: Phía Bắc tiếp giáp khu vực sân golf, phía Nam giáp khu nghỉ dưỡng cán bộ lão thành, phía Đông giáp đường và phía Tây giáp mặt nước hồ Đại Lải. Ba hướng Bắc, Nam, Đông chắc chắn không thể mở rộng thêm, vậy diện tích 7ha “mở rộng” này lấy từ đâu ra nếu không phải là từ hướng Tây (lấn chiếm lòng hồ Đại Lải)? Không những vậy, tại quyết định này UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn cho phép doanh nghiệp Nhật Hằng thay đổi, điều chỉnh một loạt hạng mục nhằm nâng diện tích xây dựng nhà ở, kinh doanh thương mại.

Theo kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi, tại Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort, Công ty Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ, tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng 21,70m, diện tích hồ bị ngăn là 4,2ha.

Ngoài ra, khu diện tích rộng hàng chục ha khác cũng được chủ đầu tư thực hiện san nền xây biệt thự. Toàn bộ công trình xây dựng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Hủy hoại viên ngọc giữa hồ Đại Lải

Ngồi ven hồ Đại Lải hướng ánh mắt ra những khối bê tông mọc lên sừng sững giữa đảo Ngọc, anh Bùi Văn Quyết (xã Ngọc Thanh) trầm ngâm: “Đảo Ngọc ngày xưa hoang sơ, thơ mộng, chúng tôi vẫn thường bơi thuyền ra đó chơi. Giờ đây muốn ra đó phải bỏ ra khoản tiền vài trăm nghìn”.

Từ một hòn đảo hoang sơ giữa hồ Đại Lải, bất cứ ai cũng có thể tới, từ năm 2004 với các quyết định giao đất, phê duyệt quy hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho Công ty TNHH Đạt Tiến triển khai dự án trên toàn bộ hòn đảo diện tích 3,708ha này.

Công ty Đạt Tiến cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt ưu ái, từ khi triển khai dự án tới nay tỉnh này đã 3 lần điều chỉnh quy hoạch đối với dự án Khu dịch vụ du lịch Đảo Ngọc. Từ những hạng mục như quy hoạch ban đầu, tới quyết định điều chỉnh quy hoạch lần 3 (Quyết định số 2767, ngày 6/11/2018), dự án này đã thay đổi rất nhiều với các hạng mục xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự, khu tập golf… Sau đó, doanh nghiệp này tự ý đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm lòng hồ Đại Lải. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, doanh nghiệp này tự ý lấn chiếm lòng hồ 1,549 ha làm đường dạo bằng bê tông, trồng cây…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.