Thế giới giao thông

AirAsia hối lộ để được bay ngoài giờ?

09/01/2015, 09:21

Vụ tai nạn máy bay thảm khốc của AirAsia hôm 28/12/2014 làm162 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng tiếp tục hé lộ những bí mật "động trời", buộc nhà chức trách Indonesia phải lật lại...

Lực lượng tìm kiếm đa quốc gia đang tích cực tìm kiếm hộp đen, trước khi tín hiệu định vị ngừng hoạt động
Lực lượng tìm kiếm đa quốc gia đang tích cực tìm kiếm hộp đen, trước khi tín hiệu định vị ngừng hoạt động

Đình chỉ 7 quan chức

Ngày 7/1, Bộ Giao thông Indonesia đình chỉ 7 quan chức vì nghi ngờ nhận hối lộ để cho phép Hãng hàng không AirAsia khai thác chuyến bay ngoài giờ quy định. Bảy người bị đình chỉ bao gồm: Hai quan chức thuộc Bộ Giao thông, hai quan chức từ Ban vận hành sân bay quốc tế PT Angkasa Pura I của Surabaya và ba người khác đến từ Công ty Dịch vụ điều hành bay Indonesia (AirNav), trong đó có cả Tổng giám đốc AirNav. 

Cụ thể, Hãng hàng không AirAsia đã khai thác trái phép chuyến bay QZ8501 lộ trình từ Surabaya-Singapore vào ngày 28/12 (Chủ nhật) trong khi theo quy định của Cục Hàng không dân dụng Indonesia đối với AirAsia, hãng này chỉ được phép khai thác tuyến Surabaya-Singapore vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Bộ Giao thông Indonesia cho biết, họ sẽ làm việc với Ủy ban Chống tham nhũng (KPK) để làm rõ sự việc. 

Về phần mình, AirAsia Indonesia phủ nhận cáo buộc đưa hối lộ để được phép khai thác trái quy định. Giám đốc về tiêu chuẩn và an toàn của AirAsia Indonesia, ông Wisnu Darjono khẳng định: “Không có tiền bạc trong vấn đề này. Nếu có, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm khắc”. Ông Darjono nói thêm: “Các nhân viên của AirAsia và bộ phận kiểm soát không lưu sân bay Juanda hoàn toàn trong sạch. Hãy nhìn khuôn mặt ngẩn ra của họ (khi nghe những cáo buộc hối lộ) xem. Không thể có chuyện họ nhận tiền tham nhũng”.

Tương tự, ông Trikora Hardjo - Giám đốc quản lý của Angkasa Pura cũng chối bỏ mọi cáo buộc cho rằng cơ quan này có hành vi sai trái. “Tôi sẽ chứng minh rằng Sân bay Juanda không hề nhận hối lộ dù chỉ 1%”. “Bản thân tôi cũng sẽ rất đau lòng nếu con cái hỏi:“ Bố ơi, bố đã nhận (hối lộ) bao nhiêu?”. 

Cùng ngày, AirAsia xác nhận, Bộ Giao thông Indonesia cấm tạm thời ba chuyến bay hàng tuần tuyến Bandung - Singapore để xem xét lại những giấy phép bay của AirAsia. Trước đó, ngày 6/1, Giám đốc điều hành của AirAsia, ông Tony Fernandes đã “thừa nhận AirAsia chưa có giấy phép được khai thác chuyến bay vào ngày Chủ nhật và chấp nhận quyết định tạm ngừng tuyến bay Surabaya-Singapore".

Kém an toàn nhất thế giới

Bên cạnh vấn đề tham nhũng, vụ tai nạn máy bay thảm khốc của AirAsia một lần nữa khiến người ta phải lật lại những vấn đề an toàn trong ngành Hàng không của Indonesia. 

Hầu hết các Hãng hàng không của Indonesia đều bị cấm bay vào không phận châu Âu và Mỹ kể từ năm 2007 vì tình trạng bảo trì yếu kém và tai nạn liên tiếp. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, Indonesia vẫn nằm trong tốp những nước có chỉ số an toàn hàng không yếu nhất thế giới. Nhưng, nghịch lý thay, ngành hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại đứng đầu trong những khu vực có ngành du lịch hàng không phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm dự kiến khoảng 7% trong vòng 20 năm tới. Riêng tại Indonesia, mỗi năm, có hơn 50 triệu người chọn đường hàng không để đi du lịch tới đây. Hàng không Indonesia nở rộ trong những năm 2000 khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và bắt đầu tăng tốc phát triển trở lại. Tuy nhiên, do cạnh tranh khốc liệt nên lợi nhuận trong ngành Hàng không của Indonesia sụt giảm và trong một vài trường hợp, ngân sách bảo dưỡng máy bay bị cắt giảm.

Sau khi bị cấm bay vào không phận châu Âu và Mỹ năm 2007, hàng không Indonesia đã có cải thiện an toàn. Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Tatang Kurniadi cho biết, tỷ lệ tai nạn hàng không của Indonesia đã giảm xuống 0,82% trên một triệu chuyến bay trong năm 2014 - mức giảm đáng kể so với tỷ lệ 2,94% trên một triệu chuyến bay trong năm 2007.

Trang Trần - Q.M

Không chắc hộp đen nằm trong đuôi máy bay

Hôm qua, giới chức Indonesia tuyên bố, lực lượng cứu hộ có thể đưa phần đuôi máy bay QZ8501 vào bờ trong ngày, để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc hôm 28/12 khiến toàn bộ 162 người thiệt mạng.

Ông Bambang Soelistyo - Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm và cứu hộ cho biết, các thợ lặn chụp được một số bức ảnh các mảnh vỡ lớn thuộc phần đuôi máy bay, trên đó có logo của Hãng hàng không AirAsia. Đây là một phát hiện quan trọng bởi hộp đen thường nằm ở phần đuôi máy bay. Dữ liệu từ hộp đen sẽ cung cấp bằng chứng xác minh nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc. Các nhà điều tra sẽ tìm ra câu trả lời về việc tại sao chuyến bay QZ8501 biến khỏi màn hình rađa và rơi xuống biển hôm 28/12. Máy bay mất liên lạc sau khi phi công xin phép được tăng độ cao. Ông Soelistyo cho biết, ưu tiên hiện nay của các đội cứu hộ là tìm thấy hộp đen và thi thể hành khách. Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc chắn hộp đen nằm trong các mảnh vỡ phần đuôi máy bay mà họ tìm thấy hay không. 

Hôm qua, ngày tìm kiếm thứ 12 nhưng gió lớn và sóng to cản trở các nỗ lực tìm kiếm. Hiện đã tìm thấy 41 thi thể hành khách. Nhà chức trách lo ngại sau hai tuần, các thi thể dưới đáy biển sẽ phân hủy nghiêm trọng. Khi đó việc nhận dạng sẽ khó khăn hơn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.