Văn hóa - Giải Trí

“Alô, alô... Bà con thân mến!", ký ức ngọt quánh gánh hát về miền Tây

20/01/2022, 06:00

Sau ngày 30/4/1975, mỗi lần có gánh hát cải lương nào ghé qua xóm tôi là coi như cả xóm xôn xao rộn ràng mấy ngày liền...Nhất là Tết!

Gánh hát về làng…

Hình ảnh đầu tiên xuất hiện chính là chiếc ghe bự chảng chở mấy chục người cùng với phục trang đạo cụ treo cờ xanh đỏ phất phới chạy trên sông Cái. Mấy người ngồi trên mui ghe nhìn về 2 bên bờ sông, thỉnh thoảng huơ huơ tay chào chúng tôi.

Tụi con nít xóm tôi thấy chiếc ghe chở gánh hát thì ba chân bốn cẳng chạy theo, mừng như Tết. Thằng Thanh ngọng xóm dưới vừa chạy vừa hớt hơ hớt hải la: “Ánh át, ánh át ụi ây ơi...” (gánh hát, gánh hát tụi bây ơi...).

img

Những đoàn cải lương giờ đã không còn về quê, vì giới trẻ không mặn mà xem hát.

Rồi chiếc ghe đó thế nào cũng ghé lại chỗ cầu đình. Mọi người mang vác đồ đạc lên dựng rạp trên sân banh của xã, phía sau đình thần. Rạp dựng xong là họ mở mấy băng nhạc lớn hết cỡ cho cả xóm ai cũng nghe được, kể cả những người đi cắt lúa tuốt trong đồng.

Chưa hết, xế xế chiều có 2 anh thanh niên chở nhau trên chiếc xe cúp cũ, đem theo cái loa y chang như cái bông bí khổng lồ, chạy vòng vòng xóm tôi thông báo: “A lô, a lô... Bà con thân mến! Tối đêm nay, vâng, tối đêm nay, tại sân vận động xã, đoàn cải lương chúng tôi sẽ diễn tuồng cải lương “Máu nhuộm sân chùa”. “Máu nhuộm sân chùa” là tuồng cải lương kiếm hiệp gay cấn với nhiều cảnh đấu kiếm và bay lộn hấp dẫn.

Đặc biệt, có sự góp mặt của nam ca sĩ tài danh Châu Minh Tuấn, nữ nghệ sĩ nổi tiếng Bạch Phượng Hằng cùng nhiều nghệ sĩ lừng danh khác. Tối đêm nay, vâng, tối đêm nay mời bà con hãy nhớ đến xem và cổ vũ cho nhiều người cùng đến xem. Đoàn cải lương chúng tôi trân trọng kính mời và kính mời!...”.

img

Hình ảnh ông vua, ông tướng,.. trên sân khấu từng mê hoặc lũ trẻ thời xưa.

Chiếc xe chở loa thông báo chạy tới đâu là con nít chạy theo rần rần tới đó. Người lớn tuy không chạy ra đường giống sắp nhỏ chúng tôi, nhưng dường như lòng ai cũng khấp khởi hân hoan. Những người còn bận bịu công việc đồng áng thì cũng tranh thủ làm cho nhanh để chiều còn kịp đi coi gánh hát.

Tôi nhớ những lần như thế, má tôi thường kêu mấy anh chị em tôi làm gì thì làm cho đàng hoàng, nếu không là má không cho đi coi. Tôi nghĩ tới cảnh mọi người kéo nhau đi coi gánh hát hết mà mình bị bắt ở nhà thì buồn chắc chết, nên tôi ráng làm, làm gấp mấy lần ngày thường luôn.

Ăn cơm chiều xong, má kêu chị em tôi mặc đồ mới vô, má dẫn đi. Thật ra thì chúng tôi đã mặc đồ mới trước khi ăn cơm, vì quá nôn nao, vì sợ thay đồ trễ bị bỏ lại. Rồi má rủ dì ba với mợ Hai gần nhà, cũng dắt theo mấy anh chị nữa, đi bộ về phía sân banh. Đoạn đường từ nhà tôi tới sân banh hơn ba cây số, nhưng chúng tôi đi bộ chẳng biết mệt là gì.

Má với mấy dì mấy cô thì nói chuyện, bàn coi đợt này đào nào hát hay, kép nào diễn giỏi. Còn tụi nhỏ chúng tôi thì khoe đồ mới với nhau, rồi rượt đuổi nhau trên đường quê vui lắm. Chúng tôi đi tới đâu thì mấy nhà khác cũng kéo nhau đi theo cho vui, rồi chẳng bao lâu rồng rắn thành một hàng dài.

Trời tối cũng là lúc chúng tôi tới rạp. Má mua vé, dẫn chị em tôi vô ngồi sát sân khấu. Má nói ngồi đó coi dễ, nhìn mặt đào kép rõ lắm. Má lót dép ngồi giữ chỗ, còn chúng tôi thì kéo nhau ra góc sân chơi bắt rượt, chơi bắt ẵm, chơi keng.

img

Sông nước miền Tây

Tiếng cười trộn lẫn với tiếng nhạc rộn rã phát ra từ mấy cái loa bông bí. Chúng tôi giỡn mệt thì chạy về chỗ má, nhụi nhụi đầu vô cho má vuốt mồ hôi, rồi lại quay ra giỡn tiếp.

Đến khi tiếng nhạc im bặt là tôi biết tuồng cải lương sắp bắt đầu. Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy về ngồi ngay ngắn bên má, cùng ngước lên nhìn cái ông ăn mặc sặc sỡ như con chim két bước ra giới thiệu gì đó, rồi tuồng mở màn.

Trên sân khấu lúc này là những người ăn mặc kiểu kiếm hiệp, bên hông ai cũng đeo thanh gươm nhìn oai phong lắm. Họ nói với nhau những câu gì đó tôi không hiểu nổi, rồi cùng lăm le rút kiếm ra giao chiến. Đánh được vài cái, tự nhiên cả 2 nhóm dạt về 2 bên sân khấu, rồi có người ở trong chạy ra móc những sợi dây dài vô thắt lưng họ.

Dây kéo lên, mấy đào kép đó cũng bay lên khỏi mặt sàn sân khấu, đấu kiếm giữa không trung. Đánh vài cái thì hạ xuống, rồi lại bay lên... Tiếng nhạc, tiếng âm thanh ình chéo ình chéo làm chúng tôi phấn khích quá, có lúc ồ lên đầy thán phục, lúc lại há hốc miệng ra coi.

Màn đánh kiếm kết thúc rồi tới màn đào kép nói chuyện, rồi họ hát, rồi đánh, rồi nói, rồi hát. Tôi coi một hồi buồn ngủ quá nên dựa vô lòng má ngủ ngon lành.

Đến khi má kêu tôi thức dậy là vãn tuồng. Mọi người lục đục kéo nhau về. Má với mấy dì mấy cô kể lại những đoạn gay cấn lúc nãy. Dì Ba nói anh kép chánh lên vọng cổ ngọt như mía lùi. Mợ Hai khen cô đào chánh nhập vai quá, mấy đoạn diễn khóc thiệt làm mợ Hai cũng khóc theo. Má nói má cũng rớt nước mắt mấy khúc đó.

img

Thời đó, sau 1 ngày kiếm ăn mệt mỏi, tối mà xem cải lương là chẳng gì bằng

Rồi mọi người im lặng, cùng bước đi trong đêm. Dường như ai cũng còn đắm hồn mình cùng những hỷ nộ ái ố trong tuồng cải lương hồi nãy. Ai cũng thấy có chút bóng dáng mình trong 1 vai tuồng nào đó, hoặc thấy ước mơ của mình lấp lánh cùng ánh đèn tiếng nhạc.

Những xúc cảm bình dị ấy không biết sẽ còn theo người dân quê tôi bao lâu, trước khi bình minh thức dậy, khi họ phải trở về với ruộng đồng tần tảo? Ánh trăng vẫn kiên trì rọi sáng quãng đường quê, sáng cả cánh đồng trước mặt. Những sóng lúa dập dờn dưới bóng trăng, phảng phất một mùi thơm dìu dịu hòa cùng màn sương đêm.

Khi đèn sân khấu tắt

Sau này chị Tư tôi lấy chồng, ra riêng cất nhà cũng gần chỗ đình thần. Bởi vậy mỗi khi có gánh hát về diễn thì tôi ít đi coi chung với má, mà đi coi với mấy đứa bạn trong xóm, coi xong thì ghé nhà chị Tư ngủ, sáng về.

img

Một con đường quê ở miền Tây

Có lần nọ, buổi tối đoàn cải lương diễn tuồng “Tình sử Dương Quý Phi”. Tuồng này hay lắm, ai coi cũng trầm trồ. Đến nỗi tuồng vãn rồi mà nhiều người còn nán lại để nhìn đào kép thêm một lần nữa rồi mới chịu về.

Bữa đó coi xong tôi cũng ngủ nhà chị Tư, sáng sớm thức dậy tính về thì gặp 4-5 người lạ mặt nằm ngủ ngoài hàng ba. Tôi hỏi chị Tư: “Ai mà nằm đây ngủ kỳ vậy?”. Chị Tư nói: “Mấy ông kép hát chớ ai, ngủ trong rạp hát nóng nực với lại muỗi cắn quá nên mấy ổng ra đây ngủ ké”.

Lúc này tôi mới nhìn kỹ lại, thấy ông vua “Đường Minh Hoàng” hồi tối đang nằm sát vách, mặt còn mấy vết son phấn rửa chưa sạch, người thì cởi trần trùng trục lộ mấy nốt ruồi sát chòm lông trên ngực.

img

Miền Tây giờ đã thay đổi nhiều

Mấy ông tướng lĩnh và quân sĩ cũng nằm chen chúc bên cạnh, ai cũng mặc quần đùi, cởi trần. Dù trời sáng rồi nhưng mấy ông vẫn ngủ ngon lành, có ông còn ngáy nghe khò khò. Đúng là cởi bỏ áo mão cân đai thì vua chúa tướng lĩnh cũng như những người bình thường.

Ý nghĩ ấy chẳng hiểu sao lại khiến tôi cảm thấy vừa vui vừa buồn. Tôi bước ra định đi về thì nhìn qua cái quán bún riêu xéo xéo cổng đình, thấy chị đào chánh đóng vai Dương Quý Phi hồi tối. Chị quấn cái ống quắn màu đỏ ngay mái xước, mặc đồ bộ, ngồi co một chân lên ghế ăn bún.

Hình như bún nóng mà chị ăn nhanh quá nên tôi thấy chị nhăn mặt hít hà, rồi lầm bầm la dì bán bún làm gì mà để ớt cay dữ vậy. Dì bán bún phân trần lí nhí trong miệng, nhưng chị “Dương Quý Phi” có vẻ cũng không hài lòng, chị nói thêm điều gì đó mà tôi nghe không rõ, rồi chị cuối mặt xuống húp nước bún rột rột.

img

Xứ quê miền Tây yên bình

Dù có giàu tưởng tượng cách mấy tôi cũng không thể nghĩ được rằng người phụ nữ ấy mới đêm qua đã chinh phục bao trái tim khán giả bằng xiêm y lộng lẫy, bằng những giọt những mắt xót xa, bằng giọng ca thổn thức.

Bất giác tôi nhớ tới má tôi và mấy dì mấy cô trong đêm trăng năm nào. Không biết có bao nhiêu người thôn nữ quê tôi từng ao ước một lần được kiêu sa lộng lẫy như nàng Dương Quý Phi trên sân khấu cải lương?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.