Thế giới giao thông

Ấn Độ đầu tư "khủng" để tái thiết đường sắt

07/03/2015, 20:14

Với mức đầu tư "khủng", Ấn Độ sẽ xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt mới.

101
Hệ thống đường sắt cũ kỹ, lạc hậu được coi là nguyên nhân kéo tụt sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ

Đầu tư cho đường sắt để thoát nghèo

Suresh Prabhu, Bộ trưởng Đường sắt quốc gia cho biết, đường sắt rất quan trọng với phát triển kinh tế của Ấn Độ, Chính phủ sẽ đầu tư hơn 8,5 nghìn tỷ rupee (khoảng 136 tỷ USD) vào đường sắt trong vòng 5 năm tới. Ông Prabhu cũng hứa hẹn sẽ làm cho đường sắt Ấn Độ trở nên an toàn hơn, có thêm nhiều tuyến đường mới, rút ngắn thời gian đi lại trên 9 tuyến đường sắt chính.

Phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ mới đây, ông Prabhu nói: “Các công trình, thiết bị đường sắt không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp trong vòng vài chục năm qua rồi. Chính vì không được đầu tư một cách thỏa đáng nên khả năng hoạt động của hệ thống này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế, khiến tình trạng nghèo khó không được cải thiện. Điều này khiến chúng ta bị mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn quá lâu.

Vì không đầu tư cho đường sắt nên chúng ta nghèo, càng nghèo chúng ta lại càng không đầu tư vào đó vì không có ngân sách. Chúng ta phải khôi phục lại sức mạnh của đường sắt, coi đó như xương sống của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải quốc gia”.

Hiện đại hóa hệ thống đường sắt được coi là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện được những cam kết do Chính phủ đảng cánh hữu của Thủ tướng Narendra Modi đã hứa với người dân quốc gia này như vực dậy kinh tế sau một thời gian dài trì trệ dưới sự điều hành của Chính phủ tiền nhiệm.  Ông Modi nói: “Hệ thống đường sắt quốc gia Ấn Độ không chỉ là phương tiện để nối các khu vực lại với nhau mà còn là công cụ hiệu quả, đầy sức mạnh tạo điều kiện cho nền kinh tế Ấn Độ tăng tốc”.

Cải thiện an toàn với nữ hành khách

Đường sắt Ấn Độ là một trong những hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới, chuyên chở 13 triệu hành khách/ngày và là phương tiện chính vận chuyển hành khách trên các tuyến đường dài. Giá vé ở quốc gia này cũng rất rẻ; Chính vì vậy cú sốc tăng giá vé năm ngoái đã khiến nhiều người không hài lòng. Trên thực tế, hành khách đi tàu hỏa hiện nay vẫn được Chính phủ trợ giá, lấy từ nguồn doanh thu vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn đang phải đấu tranh vất vả nhằm giành lại thị phần vận tải hàng hóa từ các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển và máy bay. Chính quyền của Thủ tướng Modi cũng mở cửa cho các công ty nước ngoài đầu tư vào đường sắt quốc gia nhưng vẫn chưa tìm ra cách nào tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đường sắt Ấn Độ cũng là cơ quan tuyển dụng đông nhân viên nhất. Hiện tại, có 1,5 triệu nhân viên đang làm việc trong ngành này. Bộ trưởng Prabhu cũng tuyên bố sẽ có nhiều đợt tập huấn cho những người này để cải thiện dịch vụ trên tàu. Ngoài ra, họ cũng sẽ bị bắt buộc phải tham gia những khóa học yoga để có thể có được phong thái hòa nhã, điềm đạm.  Ông Prabhu cũng đồng thời giới thiệu thử nghiệm hệ thống CCTV (có thể phát hiện những hành động khả nghi) ghi lại mọi diễn biến trong các toa tàu nhằm cải thiện điều kiện an toàn đối với hành khách nữ.

Ngoài ra, ông tuyên bố, vệ sinh sạch sẽ là ưu tiên hàng đầu, nhiều nhà vệ sinh mới sẽ được lắp đặt và xây dựng song song với việc sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh cũ. Trên thực tế, thị phần của các công ty đường sắt Ấn Độ đang giảm sút vì vậy các nhà đầu tư đều cảm thấy thất vọng, họ cũng không hài lòng về những cải cách chậm chạp đang được thực hiện. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.