Hồ sơ tài liệu

Ảnh hưởng và bài học sau đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

18/07/2016, 06:03

Sau cuộc đảo chính hôm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ rút ra được khá nhiều bài học, theo tờ National Review.

quan-phuc-va-vu-khi-cua-nhung-binh-linh-tham-gia-d

Quân phục và vũ khí của những binh lính tham gia đảo chính bị vứt lại trên cầu Bosphorus

Cuộc đảo chính của một nhóm quân đội diễn ra ngày 15/7 vừa qua là lần thứ tư Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra đảo chính kể từ năm 1960. Sau cuộc đảo chính này, Thổ Nhĩ Kỳ rút ra được khá nhiều bài học, theo tờ National Review.

Trước hết, xã hội dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được sức mạnh khiến nhóm quân đội với vũ khí hạng nặng cũng phải đầu hàng. Để ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hàng nghìn người ồ ạt xuống đường biểu tình, sẵn sàng nằm trước mũi xe tăng, xe bọc thép để ngăn cản, chặn đường đi của nhóm nổi dậy.

Bài học thứ hai cho ông Erdogan là về tự do báo chí. Chính sức mạnh báo chí mà người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ tìm mọi cách kiềm chế bấy lâu nay đã trở thành công cụ để ông kêu gọi người ủng hộ xuống đường, góp phần dẹp yên đảo chính.

Binh biến thất bại, tại quảng trường nổi tiếng Kizilay ở trung tâm Ankara, ông Osman, 59 tuổi tham gia tuần hành bày tỏ: "Không ai có thể “đạo diễn” đảo chính tại đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tay những kẻ phản bội”. Cô Inci, 27 tuổi khẳng định: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quay lại những ngày tháng đảo chính một lần nào nữa."

Ông Michael Stephens, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Quân sự và an ninh Hoàng gia Anh cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là trụ cột của cả cấu trúc an ninh Trung Đông và châu Âu; Chia sẻ lớn lao gánh nặng từ hàng triệu người tị nạn Syria; Cung cấp căn cứ quân sự phục vụ máy bay chiến đấu của liên minh chống khủng bố IS tại Syria và Iraq cũng như sở hữu những thiết bị tình báo quan trọng theo dõi hoạt động tình báo IS khắp khu vực”.

Theo ông Stephens, ngay lúc này, cuộc đảo chính không làm chệch hướng bất cứ hoạt động nào ở trên nhưng đây là hồi chuông cảnh báo với quan chức phương Tây rằng, “một thành viên của NATO đã tiến gần sát tới thảm hoạ chính trị”.

Ngoài ra, ông Soner Çağaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Chính sách cận Đông tại Washington nhận định: “Sự việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS tại Syria”.

Theo ông này, cuộc đảo chính gây chia rẽ quân đội sâu sắc (phe trung thành và phe đảo chính). Do đó, phía Mỹ e ngại, một số thành phần ủng hộ đảo chính trong quân đội ở ngay cận kề quân nhân Mỹ đồn trú tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng nghĩa, trong thời gian ngắn, quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước có thể sẽ tạm thời đóng băng trong đó có hoạt động tại căn cứ Incirlik.

Trước đó, binh biến xảy ra đêm 15/7, một nhóm quân nhân bất ngờ đưa xe tăng, trực thăng quân sự tới Istanbul và Ankara, chiếm sân bay quốc tế Ataturk và các đài truyền hình tại Thổ Nhĩ Kỳ (bao gồm TRT và CNN-Turk), chặn hai cây cầu bắc qua sông Bosphorus.

Phe nổi loạn đánh bom sân bay, tấn công toà nhà Quốc hội tại Ankara; Xả súng vào Dinh Tổng thống và các trụ sở tình báo quốc gia đặt tại Thủ đô nước này. Lúc này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang nghỉ dưỡng ở bờ biển phía Tây Nam đã có phản ứng đầu tiên là sử dụng ứng dụng FaceTime để trả lời phỏng vấn báo chí và kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình. Ông Erdogan điều hành mọi việc từ xa đến sáng 16/7, ông Erdogan đáp máy bay xuống sân bay Atatuk và tuyên bố đảo chính đã kết thúc và cam kết sau đây sẽ “thanh lọc quân đội”.

Theo CNN, các cuộc tấn công khiến ít nhất 200 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Ngoài ra, 2.839 nghi phạm ủng hộ đảo chính, 2.754 thẩm phán cũng bị bắt giữ, theo Skynews. Trong số những người bị bắt có ít nhất 5 quan chức quân đội cấp tướng, đáng chú ý là những cái tên như: Tướng Erdal Ozturk - Tư lệnh Quân đoàn 3; Chuẩn tướng Bekir Ercan Van - Tư lệnh chỉ huy căn cứ số 10 tại căn cứ không quân Incirlik…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.