Thế giới giao thông

Áp lực khoán phạt vi phạm giao thông của cảnh sát Mỹ

06/02/2022, 09:00

Áp lực khi CSGT bị áp chỉ tiêu phạt vi phạm giao thông tại nhiều bang của Mỹ, khiến CSGT “đau đầu”.

“Văn hóa” chỉ tiêu

Cuối năm 2021, New York Times - tờ báo uy tín của Mỹ đã thực hiện loạt bài điều tra về hoạt động dừng xe xử phạt của CSGT trên toàn nước Mỹ.

Từ đây, các phóng viên đã chỉ ra một trong những vấn đề nổi cộm trong lực lượng CSGT, đó là áp lực về chỉ tiêu xử phạt… tính theo giờ. Thậm chí, tiền thu phạt vi phạm là nguồn thu chính của ngân sách địa phương. Tổng thu giảm đồng nghĩa ngân sách địa phương hao hụt, tiền chi cho phúc lợi, đào tạo nhân lực… cũng ảnh hưởng.

img

Nhiều cảnh sát giao thông tại Mỹ cảm thấy áp lực vì chỉ tiêu phát hiện vi phạm, dừng xe ghi phiếu phạt

Theo khảo sát của New York Times, ít nhất tại 20 bang của Mỹ, việc đánh giá kết quả làm việc của cảnh sát được thực hiện qua… số vụ dừng phương tiện để kiểm tra mỗi giờ.

Sở dĩ họ phải làm vậy một phần là do bị áp chỉ tiêu để được hưởng trợ cấp từ gói ngân sách trị giá 600 triệu USD/năm do Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đưa ra với nhiều hoạt động, trong đó bao gồm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật với một số hành vi vi phạm giao thông.

Theo New York Times, tổng cộng có khoảng 730 khu vực tại Mỹ phụ thuộc vào tiền phạt giao thông để chi trả cho các dịch vụ công, đó thường là thị trấn nhỏ có dân số dưới 30.000 người, tập trung ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Chẳng hạn thị trấn Henderson thuộc vùng Las Vegas với dân số 2.000 người, thu được 1,7 triệu USD tiền phạt năm 2019, tương đương 89% tổng thu nhập của thị trấn. Thậm chí, cảnh sát tại TP Henderson còn được nhận thưởng khi “đạt thành tích” xử phạt.

Trong số các địa phương nhận được trợ cấp từ gói kể trên, khảo sát của New York Times cho thấy, thị trấn Exmore (Virginia) đã nhận được 900 USD vì tăng cường xử phạt tội không đeo dây an toàn; hay hạt Fairfax được cấp 1 triệu USD để xử phạt vi phạm uống rượu lái xe.

Giới chức từ địa phương, bang và liên bang đều khẳng định, họ căn cứ vào rất nhiều tiêu chí để xét trợ cấp và không yêu cầu hay khuyến khích cảnh sát hưởng trợ cấp xử phạt theo chỉ tiêu.

Nhưng thực tế, khi ghi nhận email do một cảnh sát trưởng của thị trấn Windsor là Rodney Riddle gửi toàn đội, phóng viên New York Times nhận thấy ông Riddle đã hối thúc cảnh sát phạt đúng chỉ tiêu theo giờ để đủ điều kiện nhận trợ cấp.

“Xin hãy nhớ! Mỗi người phải xử lý tối thiểu 2 vi phạm giao thông/giờ, không khoan nhượng” - nội dung email của ông Riddle viết.

Trong một báo cáo năm 2013, Tổng thanh tra bang Virginia cũng cảnh báo hoạt động trợ cấp trên có thể khiến cảnh sát cố thực thi pháp luật quá đà nhằm tạo thêm nguồn thu.

Khi đánh giá các đơn xin trợ cấp, New York Times phát hiện một trong những chỉ tiêu để đo lường hiệu suất thực thi pháp luật của cảnh sát chính là số lần dừng xe kiểm tra.

Tại Arkansas, tiểu bang này đặt mục tiêu dừng kiểm tra 3 xe/giờ trong thời gian được hưởng quỹ trợ cấp.

Trong báo cáo thường niên năm 2014, giới chức bang Indiana còn tự hào khoe lực lượng cảnh sát của họ đã phát hiện và yêu cầu dừng xe để xử phạt hành vi không cài dây an toàn với tần suất trung bình 3,26 lần/giờ.

Những “cỗ máy” kiếm tiền

Ngoài cố gắng đạt chỉ tiêu để hưởng trợ cấp, nhiều địa phương tại Mỹ còn coi việc xử phạt là nguồn tăng doanh thu cho địa phương.

Phân tích dữ liệu tại tòa án Bắc Carolina đã cho thấy sự trùng hợp, đó là mỗi khi địa phương gặp khó khăn tài chính thì số vụ phạt vi phạm giao thông lại tăng. Thậm chí, nhiều nơi còn tận thu với những vi phạm không liên quan lắm tới an toàn giao thông.

Điển hình là vấn đề xử phạt phương tiện có đèn đuôi xe bị vỡ. Trong năm tài khóa 2019, thị trấn Valley Brook (bang Oklahoma) đã thu hơn 100.000 USD từ tiền phạt lỗi thiết bị như vỡ đèn đuôi xe. Trung bình, mỗi ngày đều có một vụ xử phạt liên quan tới vi phạm này.

Thực chất, trước năm 1976, 1/3 số bang tại Mỹ và Thủ đô Washington D.C. yêu cầu phải kiểm định ô tô thường niên, đảm bảo xe không có thiết bị hỏng/vỡ. Theo thời gian, một số bang đã bỏ vì cho rằng không đem lại nhiều lợi ích về an toàn. Tuy nhiên, nhiều bang và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục thu tiền từ việc bắt các vi phạm này.

Một hình thức tận thu khác mà New York Times chỉ ra trong phóng sự của mình là giảm nhẹ tội cho người vi phạm để có thể thu tiền phạt ngay.

Điển hình là sự việc của ông Nicholas Bowser, 38 tuổi. Ngày 2/7, khi di chuyển trên đường lúc nửa đêm, ông Bowser bị CSGT thị trấn Valley Brook yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng đã cố tình chống đối, phóng xe vọt đi buộc lực lượng chức năng phải đuổi theo gần 2km.

Khi kiểm tra phương tiện, cảnh sát phát hiện một khẩu súng lục, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép.

Với từng đó vi phạm, Bowser có thể bị tước giấy phép lái xe một thời gian hoặc phải lắp thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trên xe. Nhưng ngay ngày hôm sau, vụ việc của Bowser không những không bị chuyển lên tòa án quận để thụ lý mà Bowser còn được trả phương tiện và chỉ phải nộp phạt, lệ phí tổng cộng 2.185 USD cho thị trấn.

Trong phiếu phạt, cảnh sát chỉ ghi Bowser lái xe cẩu thả, uống rượu gây rối trật tự công cộng, nhẹ hơn rất nhiều so với tội lái xe khi nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Giải thích về tình trạng này, ông Bruce Edge, luật sư bào chữa tại bang Oklahoma chuyên về các vụ uống rượu lái xe cho biết: “Luật pháp có lỗ hổng nên lực lượng chức năng tận dụng để giảm mức phạt. Họ thu được tiền còn lái xe thì đỡ bất tiện”.

Cảnh sát trưởng địa phương thừa nhận, họ thường chỉ ghi tội lái xe uống rượu bia (D.U.I) thành uống rượu gây rối trật tự công cộng. Lý do không phải vì thu ngân sách mà bởi trước đó có nhiều vụ D.U.I họ trình lên nhưng không được công tố viên xử đến nơi đến chốn.

Cuối phóng sự, New York Times chỉ ra, dù lực lượng chức năng tăng cường xử phạt các vi phạm giao thông với mục đích răn đe, nâng cao nhận thức nhưng bằng chứng thực tế cho thấy số vụ tai nạn giao thông gây thương vong không thuyên giảm. Tính đến năm 2019, nước Mỹ ghi nhận 33.244 vụ tai nạn ô tô gây chết người, vẫn cao hơn so với con số 30.296 vụ ghi nhận ở 10 năm trước.

Vào năm 2015, 6 nhân viên cảnh sát của Phòng Cảnh sát Whittier, thuộc Los Angeles đã nộp đơn kiện lên chính quyền thành phố với cáo buộc họ bị “trù dập” vì đã phản đối việc áp dụng “định mức” vé phạt giao thông cũng như các vụ bắt giữ tội phạm.

Các nhân viên cảnh sát đã gửi đơn kiện lên tòa án Los Angeles nói rằng, từ năm 2008 - 2015, Phòng Cảnh sát Whittier đã áp định mức ghi vé phạt giao thông và định mức các vụ bắt giữ tội phạm đối với các nhân viên cảnh sát, như một cách để “đánh giá năng lực”.

Trong một biên bản mà báo Los Angeles Times có được, một Trung úy cảnh sát đã nhận xét năng lực của cấp dưới như sau: “Anh chỉ viết được 7 vé phạt giao thông trong khi mức trung bình là 16,75”.

Trước đó, hồi tháng 12/2013, TP Los Angeles đã phải bồi thường 6 triệu USD trong vụ kiện của 11 nhân viên cảnh sát tuần tra giao thông. Những cảnh sát này cáo buộc rằng, họ bị đánh giá năng lực thấp và bị phạt một cách vô lý khi không đủ “định mức” vé phạt.

Hoàng Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.