Chính trị

ASEAN kêu gọi Trung Quốc thể hiện quyết tâm trong vấn đề Biển Đông

14/06/2016, 20:37

Vấn đề Biển Đông đang nóng hổi được bàn bạc tại Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN

Toàn cảnh Hội nghị đặc biệt Bộ trưởn

Toàn cảnh Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc

Ngày 14/6, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc đã diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc. Hội nghị đặc biệt này được tổ chức theo đề xuất của ASEAN khi các Ngoại trưởng thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (tháng 2/2016). Ngoài ra, hội nghị còn diễn ra trong bối cảnh Toà trọng tài của Liên Hợp Quốc (PCA) chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, hội nghị tập trung thảo luận 2 nội dung chính là quan hệ ASEAN – Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Đề nghị Trung Quốc quyết tâm đảm bảo an ninh Biển Đông

Trong đó, vấn đề Biển Đông đang nóng hổi được Ngoại trưởng hai bên ưu tiên bàn bạc. Tại đây, các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.

Trước tình hình phức tạp đó, các Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa.

Các bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai  bên hoan nghênh kết quả của Cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 về thực hiện DOC vừa qua tại Hạ Long, Quảng Ninh; tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy hợp tác chung trên thực tế, quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông, nhất là tăng cường trao đổi để có những tiến triển thực chất trong việc thực hiện DOC và xây dựng COC. Các Bộ trưởng cũng nhất trí sớm hoàn tất dự thảo Tuyên bố về cam kết thực hiện Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển để trình Cấp cao Kỷ niệm thông qua cũng như vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao về xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông.

Biển Đông quan trọng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc

Phát biểu tại Hội nghị, ngoài các vấn đề về hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng như hòa bình, an ninh khu vực; đã chứng kiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các nước từng đạt những kết quả tích cực trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông và những hệ lụy nghiêm trọng của chúng; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ các cam kết bằng những hành động cụ thể, nhất là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, nhất là không quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC; đề nghị ngừng các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy để có những tiến triển trong đàm phán song phương về phân định trên biển.

Trước đó, tại Hội thảo Hội thảo Quốc tế với chủ đề “An ninh và Phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” được tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh trong hai ngày (9-10/6), Giáo sư Erik Franck, Thành viên Toà trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp Châu Âu và quốc tế, Đại học Tự do Bỉ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc dẫn dắt và giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Theo ông, ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình của Liên minh Châu Âu (EU), trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của UNCLOS. Theo hướng phát triển này, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.