Thời sự Quốc tế

Australia huỷ thỏa thuận Vành đai và Con đường, nông dân "nín thở" lo sợ

23/04/2021, 06:33

Quyết định hủy bỏ thoả thuận Vành đai và Con đường của chính phủ Australia đã chọc tức Trung Quốc, khiến người nông dân địa phương lo sợ.

img

Ngoại trưởng Australia Marise Payne đang đánh giá thêm các thoả thuận khác giữa Australia với Trung Quốc và có thể ra thêm quyết định tương tự

Chọc giận Trung Quốc

Với lý do “không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia và gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại", Ngoại trưởng Australia Marise Payne bất ngờ thông báo huỷ cả bản ghi nhớ và khung thoả thuận giữa bang Victoria và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong ngày 21/4.

Ngoại trưởng Australia cảnh báo: "Tôi sẽ tiếp tục xem xét các thỏa thuận giữa Australia nước ngoài. Tôi hy vọng phần lớn các thỏa thuận sẽ không bị ảnh hưởng".

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Australia, hiện nay có hơn 1.000 thoả thuận được ký kết giữa các bang/vùng lãnh thổ, trường đại học công lập của Australia với chính phủ nước ngoài.

Bà Payne nhấn mạnh, thực trạng này rất đáng báo động và cảnh báo trong tương lai sẽ có nhiều thoả thuận khác giữa Bắc Kinh với chính quyền các bang Tây Australia, Nam Australia và Tasmania trong các lĩnh vực từ đầu tư, nghiên cứu khoa học, tiếp cận Nam Cực sẽ bị "sờ gáy".

Quyết định của Ngoại trưởng Australia được đưa ra dựa trên đạo luật mà Australia thông qua vào tháng 12/2020, cho phép người đứng đầu Bộ Ngoại giao chấm dứt thoả thuận mới hoặc đã được ký trước đó giữa các chính phủ nước ngoài với 8 bang và vùng lãnh thổ của Australia, các tổ chức địa phương, trường đại học.

Cũng trong đạo luật này, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison được quyền ngăn chặn hoặc kiềm chế nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, văn hoá, khoa học, y tế …

img

Thủ tướng Australia Daniel Andrews và Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye trao văn bản thoả thuận trong Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2019

Các thoả thuận Vành đai và Con đường giữa Victoria, bang có dân số lớn thứ 2 Australia, với Trung Quốc được ký vào tháng 10/2018 và năm 2019, cho phép Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng mới của nước này.

Quyết định mới nhất của Ngoại trưởng Payne như "đổ thêm dầu vào lửa" trong mối quan hệ Trung Quốc-Australia thời gian gần đây sau khi Canberra nghi ngờ nguồn gốc virus Covid-19 có liên quan tới Trung Quốc.

Sau thông báo của Ngoại trưởng Australia, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra lập tức phản ứng, chỉ trích đây là “động thái khiêu khích và vô lý mà phía Australia đã thực hiện để chống lại Trung Quốc” và cho thấy "Canberra không có thành ý cải thiện quan hệ hai nước, khiến quan hệ song phương thêm tổn hại và tự làm tổn thương chính mình”.

Người nông dân Australia nín thở, lo trừng phạt

Thực tế, người dân Australia, đặc biệt là nông dân địa phương, vốn chật vật vì các lệnh trừng phạt của Trung Quốc thời gian qua, đang vô cùng lo ngại.

Họ sợ rằng, động thái mới nhất sẽ kéo theo những "rào cản" dày hơn, cao hơn từ phía Trung Quốc với hàng hoá xuất khẩu từ Australia.

Ông Alister Purbrick, nhà máy rượu Tahbilk, miền Trung bang Victoria, cho rằng, chắc chắn quyết định mới sẽ đẩy tình hình thêm tồi tệ.

Hiện nay, doanh nghiệp rượu của gia đình ông Purbrick đang chịu tổn thất nặng nề, giảm ¼ hoạt động kinh doanh do Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu rượu lên 200%. Họ đang phải tìm một thị trường khác trên thế giới để “giải cứu” số hàng đã đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc.

img

Nông dân Australia lo sợ thịt bò sẽ là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo bị Trung Quốc trừng phạt

Từ phía các chuyên gia, Giám đốc Viện Quan hệ Trung Quốc-Australia thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư James Laurenceson cho rằng, thoả thuận Sáng kiến Vành Đai và Con đường (BRI) không có nhiều ý nghĩa nhưng một khi nó sụp đổ sẽ làm gia tăng căng thẳng vốn âm ỉ giữa hai nước nhiều tháng qua.

Ông Laurenceson lý giải: “Thoả thuận vừa bị huỷ là một thoả thuận không ràng buộc pháp lý, không bắt buộc chính quyền bang Victoria phải cam kết bất cứ điều gì... Do đó, nếu lo ngại ảnh hưởng tới đất nước, chính quyền Canberra có thể để thoả thuận mất hiệu lực theo thời gian, không chấp nhận thoả thuận mới. Nhưng thay vào đó, họ lại chọn cách thổi bùng mọi thứ và gửi thông điệp tới Bắc Kinh".

Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ đặt rào cản thương mại lên một số mục tiêu dễ của Australia nhưng nếu Bắc Kinh áp thêm lệnh trừng phạt khác trong ngành nông nghiệp Australia như ngành xuất khẩu thịt bò, chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn. “Không có gì phải nghi ngờ, rủi ro là chắc chắn”, ông Laurenceson nhấn mạnh.

Hơn nữa, Trung Quốc còn đang là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Australia. Do đó, theo Giáo sư Laurenceson, trong tình thế các quỹ đầu tư đang cạn kiệt như hiện nay, quyết định của chính phủ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các dòng đầu tư mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.