Xã hội

Bác Hồ dạy viết báo

20/06/2016, 14:49

Bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17/8/1953.

1

Hình ảnh Bác Hồ mãi mãi khắc sâu trong trái tim của nhân dân Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy.

Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích.

Vì ai mà mình viết?

Mục đích viết làm gì?
Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?
Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh.

Viết để làm gì?

Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng.

Thế thì viết cái gì?

Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng.

Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra.

Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền...

Cách viết thế nào?

Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; Nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều. Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, thí dụ: “Độc lập”, “Tự do”, “Hạnh phúc” là những chữ Trung Quốc, nhưng ta không có chữ gì dịch thì cố nhiên phải dùng. Nếu quá tả không mượn, không dùng, hoặc là nói: Việt Nam “đứng một” thì không ai hiểu được.

Chớ ham dùng chữ - các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lung tung; nhiều khi không đúng.

Vài thí dụ: 3 tháng thì không nói 3 tháng, lại nói “tam cá nguyệt”. Đánh vào sâu thì nói “tung thâm”, xem xét thì nói “quan sát”…

Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi.

Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng. Có nhà thơ nào nói:

“Tóc cười, tay hát” thì thật là “hoang vu”! Có nhà văn nói: “Cặp mắt ông cụ già dĩnh ngộ” thì thật là “ngộ nghĩnh”!

Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.

Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?

Vài thí dụ: Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào… chớ viết lung tung.

Nói du kích đánh thắng, đánh thắng ngày nào? Thắng cách thế nào? Giết được bao nhiêu địch, bắt bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu súng?... Phải nói rõ ràng, đồng thời chớ lộ bí mật.

Viết rồi phải thế nào?

Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi, đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi, đọc lại, sửa đi, sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại.

Cách viết truyền đơn cũng thế, viết báo cũng thế, viết báo cáo, viết gì cũng thế.

Viết truyện có nhiều ngóc ngạnh thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê. Nhằm lấy điểm chính mà viết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.