Đường bộ

Bài 3: Cần đột phá đầu tư hạ tầng cho tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu

21/12/2021, 06:30

Cần một sự đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế vùng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu phát triển xứng tầm.

Sự phát triển kinh tế, xã hội vùng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu gắn liền với sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Nếu mạch máu giao thông liên vùng này tắc nghẽn, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.

LTS: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để tạo nền móng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, trên thực tế, đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển.

Tới đây, thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông, từ đó tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Báo Giao thông xin giới thiệu tới độc giả loạt bài cho thấy sự cần thiết đầu tư lớn cho hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 22/12, Báo Giao thông sẽ tổ chức tọa đàm về chủ đề này tại 35 Hàn Thuyên, TP.HCM với sự tham gia của đại diện các địa phương, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế. Kính mời độc giả quan tâm theo dõi.

Cảng vươn tầm nhưng đường bộ là điểm nghẽn

Hiện nay, tổng sản lượng khai thác của cụm cảng biển TP.HCM đạt hơn 7 triệu TEUs và hơn 120 triệu tấn, đứng thứ 25/100 cảng biển lớn nhất thế giới, mức tăng trưởng đạt trung bình 8%/năm. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại TP.HCM nói riêng và khu vực nói chung chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hoá.

Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng quy hoạch khiến cho dịch vụ logistisc chưa thể phát triển đúng tiềm năng.

Việc thiếu các tuyến đường kết nối liên vùng là điểm nghẽn khiến hệ thống cảng biển cụm số 5 không phát huy được tối đa lợi thế về vị trí địa lý và năng lực khai thác.

Tỷ trọng khai thác hàng hoá ở các cảng bất cân xứng, tập trung chủ yếu ở cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu (82%), các bến cảng còn lại chiếm tỷ trọng thấp, không đạt công suất thiết kế.

img

Những con tàu trọng tải lớn nhất thế giới thường xuyên cập các cảng Cái Mép – Thị Vải những năm gần đây. (Trong ảnh, tàu 214 nghìn tấn vào Cái Mép – Thị Vải hồi tháng 10/2021)

Những năm gần đây, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải bắt đầu phát huy vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, khu vực Cái Mép - Thị Vải đã thiết lập được 40 tuyến dịch vụ tàu container cập cảng mỗi tuần, trong đó có 31 tuyến quốc tế (9 tuyến nội Á; 2 tuyến châu Âu; 2 tuyến Mỹ - Canada; 18 tuyến Bờ Đông - Bờ Tây của nước Mỹ) và 9 tuyến nội địa.

Cảng đón được những tàu container trọng tải lớn như: tàu Margrethe Maersk có trọng tải 214.121 tấn DWT; tàu Cosco Shipping Aquarius trọng tải 197.049 tấn DWT….

Dự kiến năm 2021, có 1.330 lượt tàu container trọng tải lớn có trọng tải từ trên 80.000 DWT đến 214.000 DWT ra vào các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Lượng hàng container xuất khẩu - nhập khẩu qua cảng ướt đạt 4,77 triệu TEU, tăng khoảng 9% so với năm 2020.

Tuy vậy, tuyến đường kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đến hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải hiện duy nhất dựa vào các tuyến độc đạo như QL51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Tháo dần các nút thắt

Tin vui là đầu tháng 12/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về phê duyệt phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức), điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng, sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách TP.HCM.

Theo kế hoạch, dự án có thời gian thực hiện từ năm 2021 và hoàn thành năm 2024. Công trình sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông đường vào cảng Cát Lái và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hoàn thành nút giao này có thể nói giải quyết một điểm ùn tắc đáng kể tại cửa ngõ.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đơn vị này được Bộ GTVT giao thực hiện báo cáo nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ra 8 làn xe. Trong đó, sẽ tập trung mở rộng trước đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao với cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu dài 24km. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2 là gần 10.000 tỷ đồng.

Một dự án khác cũng rất quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với Đồng Nai là tuyến Vành đai 3 cũng đang được xúc tiến để có thể khởi công vào đầu năm tới 8,75km đoạn 1A. Điểm đầu dự án giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận TP Thủ Đức (quận 9 cũ).

img

Đoạn 1A của tuyến Vành đai 3 kết nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch sẽ được khởi công đầu năm 2022

Mở đường kết nối liên vùng

Một điểm đột phá đối với hạ tầng khu vực Đông Nam Bộ là theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại đây sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84 km.

Theo đó, dự án có khổ đường sắt 1.435 mm, đi song song quốc lộ 51 qua khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải và cảng Bến Đình - Sao Mai. Vốn đầu tư dự án khoảng 56.800 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay 30 năm.

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ GTVT phương án kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần... Riêng dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Như vậy, có thể nói những tuyến đường mang tính kết nối liên vùng tam giác kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu đã được lên kế hoạch xây dựng từ nay đến 2025.

Các dự án giao thông trọng điểm sẽ có tính kết nối liên vùng, là động lực phát triển kinh tế và đặc biệt là để đồng bộ giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải. Khi sân bay Long Thành được đưa vào vận hành giai đoạn 1, các tuyến đường sắt, cao tốc đồng loạt đi vào khai thác sẽ giúp du lịch vùng qua các điểm đến như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết vô cùng thuận lợi.

Tuy vậy, theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, khi đã xác định được tầm quan trọng của các dự án, xác định được nguồn vốn đầu tư thì cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Theo kế hoạch, phải đến năm 2024 những dự án trên mới hoàn thành đưa vào sử dụng.

“Một dự án giao thông liên vùng được đưa vào khai thác sớm ngày nào sẽ có tác động dây chuyền đến phát triển kinh tế sớm ngày đó. Vì vậy cần có những bước đột phá trong thực hiện các thủ tục, để đẩy nhanh các dự án” vị này nói.

Bài 1: Quốc lộ 51 - Kẹt xe, kẹt cả sinh kế

Bài 2: Hạ tầng cản trở phát triển kinh tế liên vùng

Bài 4: Cấp thiết xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Còn tiếp...

img

Kết nối hạ tầng hoàn thiện, cùng với đường bờ biển dài, Hồ Tràm đang là điểm lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.