Pháp đình

Bài học từ vụ tài xế nhận 300.000 đồng, đi tù 10 năm

02/01/2022, 06:42

Chỉ vì nhận vài trăm nghìn đồng vận chuyển hàng hóa là động vật quý hiếm, không ít tài xế đã phải trả giá bằng án tù từ vài năm đến cả chục năm.

Các luật sư cho rằng, tài xế, phụ xe cần phải trang bị kiến thức nhất định và tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng hóa để tránh vi phạm pháp luật.

img

Đối tượng Trần Quang Tuấn lúc bị bắt giữ cùng thùng xốp đựng 13 cá thể rùa quý hiếm

Nhận 300.000 đồng, đi tù 10 năm

Tới phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự về tội danh “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” do TAND huyện Hải Hà (Quảng Ninh) xét xử, bị cáo Trần Quang Tuấn (SN 1981, trú tại thôn 9, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) tỏ rõ thái độ thất thần, đầy lo lắng.

Theo luật sư Quách Thành Lực, hiện nay hoạt động buôn bán trái phép những bộ phận trên cơ thể của động vật hoang dã, quý hiếm (tay gấu, ngà voi...) diễn ra phức tạp, chúng thường gói kỹ hàng, nhìn bên ngoài không thể phát hiện là vật gì.
Nếu không thực hiện đúng các quy định về vận chuyển hàng hóa thì những doanh nghiệp vận tải, người giao hàng rất dễ bị lợi dụng để vận chuyển hàng quốc cấm này.
Chính vì thế, theo luật sư, các doanh nghiệp vận tải, người lái xe, phụ xe cần phải thực hiện nghiêm các quy định về vận chuyển hàng hóa như phải có hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Trong hợp đồng phải ghi rõ hàng hóa là gì; phải có cam kết là hàng hóa không thuộc loại cấm vận chuyển, tiêu thụ, phải rõ nguồn gốc xuất xứ, và phải có thông tin người gửi và người nhận.


Vốn làm nghề xe ôm, hơn 2 tháng trước, Tuấn đã được một người đàn ông (không xác định được lai lịch, địa chỉ) thuê nhận một thùng xốp bên trong chứa 13 cá thể rùa đầu to từ xe khách, sau đó chờ khi được người đàn ông đó báo thì mang thùng xốp đó đến giao cho khách. Tiền công của cuốc xe chở hàng hóa này là 300.000 đồng.

Tuy nhiên, khi Tuấn đang bê thùng xốp đặt lên xe mô tô BKS 14P1 - 9032 của mình tại QL18A đoạn qua thôn Hải Yên, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà thì Tổ công tác Công an huyện Hải Hà phối hợp với Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ.

Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, Tuấn đã 2 lần nhận vận chuyển thuê cá thể rùa đầu to cho 1 người đàn ông không rõ tên tuổi, sau đó mang đi giao cho khách để nhận tiền công.

Sau phần xét hỏi, nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Tuấn 10 năm tù. Mức án nặng này, hẳn Tuấn không ngờ tới, chỉ vì nhận vài trăm nghìn tiền công vận chuyển mà phải trả giá đắt đến thế.

Trong khi đó, Công an TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cũng vừa khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” liên quan đến việc nhận 100.000 đồng vận chuyển 37 cá thể rùa quý hiếm trên ô tô tải BKS 29C - 773.86.

Vụ việc được phát hiện vào 4h30 sáng 10/9, tại Km 171 trên QL18A đoạn qua địa bàn xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả. Thời điểm đó, xe ô tô tải BKS 29C - 773.86 do Bùi Thế Roãn (trú huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) điều khiển, còn phụ xe là Nguyễn Đức Trường (trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã khai nhận chở thuê số rùa trên cho một người không quen biết từ Hà Nội đi TP Móng Cái (Quảng Ninh) với tiền cước chỉ 100.000 đồng.

Trước đó, TAND tỉnh Gia Lai cũng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thức (SN 1987, trú tại phường Yên Đổ, TP Pleiku) 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Làm nghề chạy xe ôm, Thức đã nhận vận chuyển động vật cho đối tượng tên Út (chưa rõ lai lịch, địa chỉ) từ khu vực cầu Hội Phú, đường Nguyễn Lương Bằng, TP Pleiku đến ngã ba đường Lê Duẩn - Lạc Long Quân với giá 150.000 đồng.

Sau khi tiếp nhận và kiểm tra 3 bao tải đựng thú rừng từ xe khách loại Ford Transit không rõ biển số để vận chuyển cho người khác thì Thức bị Đội Quản lý Thị trường số 12 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh) phát hiện, bắt giữ.

Qua kiểm tra, số động vật mà Thức nhận vận chuyển có 4 cá thể tê tê thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; 3 cá thể rùa đất lớn thuộc nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại...

Làm gì để tránh vòng lao lý?

img

Đối tượng Trần Quang Tuấn tại phiên xét xử

Theo đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, phiên tòa xét xử Trần Quang Tuấn vận chuyển 13 cá thể rùa đầu to được đưa ra xét xử công khai nhằm tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời tăng cường tính cảnh báo, răn đe đối với những người đang và có ý định xâm phạm đến động vật quý hiếm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết, thời gian qua, không ít những trường hợp cố ý vận chuyển, buôn bán động vật quý, hiếm bị phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên cũng không ít có trường hợp vô tình vận chuyển mà không hay biết gì. Khi lực lượng chức năng bắt quả tang, yêu cầu mở gói hàng ra thì mới biết đó là động vật quý hiếm.

“Vận chuyển cá thể, bộ phận cơ thể của động vật quý, hiếm là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này được quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm với khung hình phạt tù từ 10 - 15 năm, xử phạt đến 15 tỷ đồng đối với tổ chức và 2 tỷ đồng với cá nhân. Vì vậy, nhiều người chỉ vì hám lợi vài trăm nghìn đồng mà đánh đổi nhiều năm ngục tù là những bài học rất đau xót”, luật sư Hậu nói.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị thì cho rằng, để tránh tiếp tay cho hành vi, buôn bán, vận chuyển động vật quý, hiếm trái phép, những người làm công việc vận chuyển hàng hóa (lái xe, phụ xe), các doanh nghiệp vận tải, ngoài những kiến thức về vận chuyển thì cần phải trau dồi những kiến thức khác để phân biệt đâu là động vật thông thường được phép chở, đâu là động vật hoang dã, quý, hiếm.

“Tài xế, phụ xe cần có kiến thức nhất định về động vật hoang dã, để có thể phân biệt được đâu là động vật thông thường, đâu là động vật quý hiếm. Hay ít nhất là khi thấy nghi ngờ là động vật quý, hiếm, động vật hoang dã thì có thể từ chối vận chuyển. Từ đó không chỉ ngăn chặn hành vi buôn bán, săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm trái phép mà còn bảo vệ bản thân trước pháp luật”, luật sư Lực khuyến cáo.

Vận chuyển 7 con hổ đi bán, lao xe vào công an

img

7 con hổ con khỏe mạnh được bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ An nuôi dưỡng

Ngày 1/8/2021, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép 7 con hổ.

Khoảng 4h sáng cùng ngày, Tổ công tác làm nhiệm vụ ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu phát hiện xe ô tô nghi vận chuyển động vật hoang dã nên ra tín hiệu dừng xe. Tuy nhiên, tài xế cố tình phóng xe bỏ chạy.

Trong quá trình truy đuổi, tài xế đã lùi xe lao vào Tổ công tác, nhưng cuối cùng hai người trên xe là Trần Trung Hiếu (37 tuổi) và Nguyễn Văn Lai (54 tuổi), cùng ngụ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã bị bắt giữ. Tang vật trên xe ô tô có 7 con hổ con được đựng trong 4 sọt nhựa, không có giấy tờ nguồn gốc hợp pháp.

Bước đầu, hai người này khai vận chuyển 7 con hổ trên từ Hương Sơn, Hà Tĩnh về Nghệ An tiêu thụ. 7 con hổ còn khỏe mạnh và đã được bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) để nuôi dưỡng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.