Trong nước

Bao giờ Đại hội Thể thao toàn quốc hết cảnh “châu chấu đá xe”?

27/11/2018, 08:52

Đại hội Thể thao toàn quốc là sân chơi đỉnh cao của thể thao quốc nội với chu kỳ 4 năm 1 lần.

18

Kình ngư Ánh Viên phải vắt sức tranh huy chương tại Đại hội Thể thao 2018

Tuy nhiên, Đại hội lại mang nặng yếu tố phong trào và nghịch lý là quy tụ những VĐV xuất sắc nhất của Thể thao Việt Nam.

Đẳng cấp quốc tế phải đấu “ao làng”

Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 (Đại hội) chính thức khai mạc hôm 25/11 với hơn 7 nghìn VĐV thi đấu ở 36 môn. Một vấn đề được rất nhiều nhà chuyên môn quan tâm, đó là các VĐV đỉnh cao đều tham dự sân chơi vốn nặng tính phong trào này nhằm “gom” huy chương cho đơn vị chủ quản. Điển hình như trường hợp nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên của Đoàn Quân đội được đăng ký thi đấu… 17 nội dung. Ngày 24/11, Viên mới từ Mỹ trở về để chuẩn bị cho Đại hội và sẽ có quãng thời gian thi đấu cực kỳ bận rộn, tính từ 1-6/12.

Dù chuẩn bị gấp gáp, thi đấu mật độ dày, khả năng Ánh Viên giành trên 10 HCV là nằm trong tầm nay. Còn nhớ, năm 2014, cô gái quê Cần Thơ từng lập kỷ lục đoạt tới 18 HCV, trở thành VĐV giành nhiều HCV nhất trong lịch sử các kỳ Đại hội. Thành tích này gây sốc với giới chuyên môn nhưng trên thực tế nhiều nội dung Viên chưa hề bung hết sức. Sự thống trị gần như tuyệt đối của Ánh Viên ở sân chơi Đại hội cũng không quá lạ. Ánh Viên nằm trong số những VĐV trọng điểm, được đầu tư tiền tỉ mỗi năm tập huấn nước ngoài trong khi thi đấu với cô đều là các đối thủ dưới tầm, thậm chí chỉ ở hạng phong trào.

Nhìn từ Đại hội 2014, Ánh Viên không phải là VĐV duy nhất thống trị các nội dung mình tham dự. Đô cử Thạch Kim Tuấn, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nữ VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, kiếm thủ Vũ Thành An, nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi… cũng không có đối thủ. Đáng nói hơn, những con át chủ bài của thể thao Việt Nam vẫn tiếp tục thi đấu ở Đại hội 2018.

Về thực trạng này, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thừa nhận bất cập nhưng chưa thể giải quyết. “Điều lệ Đại hội không cấm các VĐV ở đội tuyển dự Đại hội, cũng không hạn chế số lượng nội dung thi đấu của mỗi VĐV. Thế nên, khi các đoàn đăng ký thì chúng tôi phải chấp thuận. Tuy nhiên, trong tương lai, ngành Thể thao sẽ có những tính toán lại để khắc phục dần ở những kỳ Đại hội tiếp theo”.

Trong khi đó, nhà báo Đặng Việt Cường (VTC3) chia sẻ: “Các địa phương, các đoàn tham dự Đại hội đều mong muốn thành tích. Thành tích đi liền với tiền thưởng cùng các quyền lợi khác nên họ phải mang đến những VĐV tốt nhất. VĐV khi lên tuyển được Nhà nước đầu tư nhưng địa phương mới là nơi phát hiện, nuôi dưỡng các VĐV nên họ cũng có quyền sử dụng nếu điều lệ cho phép”.

Cần quyết liệt thay đổi

Ngoài bóng đá, tất cả các tuyển thủ thuộc 35 bộ môn đều dự Đại hội 2018, số lượng ước tính lên tới khoảng 1.000 VĐV. Thành tích không khó dự đoán nhưng các tuyển thủ sẽ không thu hoạch được nhiều về chuyên môn bởi các đối thủ ở tầm thấp hơn hẳn. Đó là chưa kể tới việc mất sức vì sân chơi phong trào này, dẫn tới đánh rơi phong độ ở đấu trường quốc tế.

Trước những tồn tại ở sân chơi Đại hội Thể thao, phải chăng, đã đến lúc ngành Thể thao nên định hướng lại mục đích của Đại hội, biến Đại hội trở thành sân chơi phong trào đơn thuần, nhằm thúc đẩy phong trào TDTT. Còn với các VĐV đỉnh cao, số này chỉ tập trung cho các đấu trường quốc tế. Theo nhà báo Đặng Việt Cường, mô hình tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc trước đây phù hợp, rất hữu ích bởi khi đó mặt bằng chung của thể thao nước nhà còn lạc hậu, VĐV ít cơ hội thi đấu cọ xát nên Đại hội giống như cái phễu để tìm ra những VĐV xuất sắc. Còn trong giai đoạn hiện nay, mà nói chính xác hơn là từ sau SEA Games 23, mô hình tổ chức Đại hội không còn ý nghĩa về mặt chuyên môn. “Các VĐV từ trẻ tới tên tuổi khi có tiềm năng phát triển đều được ra nước ngoài thi đấu, cọ xát liên tục thì đâu cần thi đấu ở Đại hội để nâng cao thành tích. Thêm nữa, Đại hội gần như bê nguyên các nội dung thi đấu ở giải quốc gia nhưng chất lượng không bằng vì tập hợp quá nhiều VĐV thành tích thấp. Thế nên, theo tôi một là bỏ, hai là phân cấp rõ ràng và điều này đòi hỏi ngành Thể thao phải thực sự quyết liệt”, nhà báo Đặng Việt Cường cho hay.

Theo cựu tuyển thủ Pencak Silat Nguyễn Văn Hùng, rất khó để cấm các VĐV đỉnh cao dự Đại hội và phương án tốt nhất là nên hạn chế nội dung, các bộ huy chương cho VĐV đỉnh cao ở những môn cân đong đo đếm như điền kinh, bơi lội.

Cái khó ở chỗ, tư duy “gom” huy chương không chỉ tồn tại ở các địa phương mà còn tồn tại ngay ở cấp quản lý là ngành Thể thao. Ngoài việc thả nổi để các VĐV trọng điểm thi đấu ở Đại hội, ngành Thể thao còn tận dụng hết cỡ nguồn lực tại các kỳ SEA Games, từ đó dẫn tới sa sút ở một số VĐV phải cày ải quá nhiều.

Tại Đại hội 2014, Ánh Viên giành tới 18 HCV. Tới SEA Games 2015, Viên giành 8 HCV nhưng tới Olympic 2016, kình ngư này trắng tay. Tương tự, tại SEA Games 2017, cô gái Tây Đô tiếp tục đoạt 8 HCV và thi đấu tệ hại ở ASIAD 2018. Rõ ràng, việc phải thi đấu liên tục, ở quá nhiều đấu trường khiến “nữ hoàng bơi lội” Việt Nam đánh mất phong độ. Nhìn sang Singapore, kình ngư Scholling có cùng xuất phát điểm như Ánh Viên nhưng lại có 1 HCV Olympic, 1 HCV ASIAD trong 3 năm qua. Sự khác biệt chính là việc Scholling không phải dàn sức quá nhiều ở mọi đấu trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.