Giao thông

Bao giờ Việt Nam hết “cơn khát” phi công?

11/09/2019, 06:24

Căng thẳng nhu cầu phi công trong nước được kỳ vọng sẽ giải tỏa dần khi hàng loạt hãng hàng không tuyên bố mở trường đào tạo.

img
Tính đến tháng 6/2019, cả nước có 2.361 phi công, trong đó gần 1.300 phi công người Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn

Nhu cầu phi công tăng vọt

Công bố mới nhất của Nhà chế tạo máy bay Boeing cho thấy nhu cầu phi công thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ lên tới 244.000 người, tương đương 38% nhu cầu phi công trên toàn cầu trong 20 năm tới.

“Nhu cầu phi công tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn ở mức cao, chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục,” ông Keith Cooper, Phó chủ tịch phụ trách dịch vụ đào tạo và chuyên môn của Boeing nói và cho biết thêm: Trong 20 năm tới, các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ cần 44.000 máy bay mới, trong đó có hơn 17.000 máy bay - tương đương 39% sẽ được giao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tính toán của Cục Hàng không VN, hiện cả nước có 2.361 phi công, nếu như năm 2020, cả nước chỉ cần thêm 14 phi công thì sang năm 2021, nhu cầu phi công đã tăng vọt thêm 258 người. Số lượng phi công cần thêm tiếp tục tăng mạnh trong các năm tiếp theo, lần lượt là 520 người vào năm 2022, 809 người năm 2023, 963 phi công năm 2024 và 1.225 người vào năm 2025.

Hiện tại, số lượng phi công được phân bổ như sau: Vietnam Airlines 1.135 phi công, Vietjet 750 phi công, Jetstar 199 phi công và Bamboo Airways 130 phi công. Cục Hàng không VN đánh giá là “đáp ứng được quy mô đội tàu bay của các hãng”, song thực tế nhu cầu phi công vẫn rất căng thẳng và là tâm điểm chèo kéo của các hãng hàng không trong nước thời gian qua.

Chia sẻ tại chương trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành bày tỏ, để có được 160 phi công Boeing 787 bay 11 chiếc như ngày hôm nay, Vietnam Airlines phải bắt đầu công cuộc tuyển chọn, chuẩn bị lực lượng, chuyển loại và chuyển giao công nghệ từ năm 2008.

“Để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm. Thế nhưng, từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, Vietnam Airlines đang đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các DN mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để lôi kéo phi công của hãng.

Thừa nhận điều này, Cục Hàng không VN cho hay, “hiện có sự chuyển dịch cơ cấu nhân lực giữa các hãng hàng không, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công, nhân viên kỹ thuật tàu bay.

“Việc chuyển dịch có thể dẫn đến hoạt động khai thác của các hãng có thể bị ảnh hưởng cục bộ trong một giai đoạn nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của hãng (chậm, huỷ chuyến). Tuy nhiên, về yếu tố an toàn hàng không, Cục Hàng không VN vẫn thực hiện giám sát để đảm bảo nguồn lực hiện có của các hãng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn hàng không khi thực hiện các chuyến bay”, lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định.

Cơ sở trong nước chưa thể đào tạo độc lập

img
4 bước để trở thành phi công. Nguồn: Bay Việt

Trong khi nhu cầu phi công trong nước vẫn rất căng thẳng, việc đào tạo phi công lại đang gặp không ít khó khăn. “Hệ thống chính sách đào tạo nhân lực hàng không vẫn còn những bất cập và chưa tạo được động lực đủ mạnh để người sử dụng lao động, người lao động quan tâm”, Cục Hàng không VN thừa nhận.

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, hiện các cơ sở đào tạo phi công của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập mà vẫn phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài. “Hiện chỉ có duy nhất trường Bay Việt đang đào tạo phi công cơ bản. Tuy nhiên, Bay Việt cũng mới chỉ đào tạo lý thuyết, đào tạo trên buồng lái mô phỏng (simulator), còn đào tạo bay thực hành chưa thể tiến hành mà phải ra nước ngoài”, ông Thắng nói.

“Thực ra đào tạo phi công không phải đầu tư quá nhiều và tốn kém mà quan trọng nhất là nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác đào tạo. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất đai và quy hoạch sân bay”, ông Thắng nói và cho biết, hiện tại, Rạch Giá và Chu Lai là 2 địa điểm tốt nhất để mở trường bay. Đây là những cảng có đủ quỹ đất để phát triển, có điều kiện tĩnh không tốt phù hợp với hoạt động huấn luyện bay dân dụng và có hoạt động bay quân sự hạn chế.

“Trước đây, chúng ta đã từng quy hoạch trung tâm huấn luyện phi công cơ bản ở Cam Ranh, nhưng cơ sở hạ tầng hiện hữu của trung tâm này không đảm bảo. Ngoài ra, do mật độ bay tại CHK quốc tế Cam Ranh ngày càng dày đặc với nhiều đơn vị gồm hàng không dân dụng, huấn luyện quân sự, cảnh sát biển, không quân, hải quân nên không thể phục vụ huấn luyện”, ông Thắng nói thêm.

Sau 2022, đào tạo 500 - 700 phi công 100% “made in Việt Nam”

Tính đến tháng 6/2019, cả nước có 2.361 phi công, trong đó gần 1.300 phi công người Việt Nam. Vietnam Airlines có tỷ lệ phi công người Việt cao nhất, lên tới 75,8%. Con số này của Vietjet là 25,1%, Jetstar là 25,6% và Bamboo Airways là 32,3%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trừ Vietnam Airlines, tại các hãng còn lại, tỷ lệ phi công người Việt Nam thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài.


Thông tin đáng chú ý theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, ngoài Bay Việt đang triển khai các thủ tục để có thể mở trường bay tại sân bay Rạch Giá thì Công ty AESC cũng đang liên doanh với nước ngoài để mở trường bay tại Chu Lai. Đặc biệt, gần đây nhất là dự án đào tạo phi công của Bamboo Airways, Vingroup hay Học viện Hàng không.

Theo Tổng giám đốc CTCP Bay Việt Nguyễn Nam Liên, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch cụ thể để có thể đào tạo phi công cơ bản hoàn toàn ở trong nước. Theo đó, trong giai đoạn 1 (2019 - 2021), VFT sẽ hợp tác với các trường bay nước ngoài (đã được Cục Hàng không VN phê chuẩn) chuyển giao công nghệ, huấn luyện học viên đạt đến bằng lái phi công tư nhân PPL. Học viên hoàn thành giai đoạn huấn luyện PPL sẽ được gửi đi các trường bay đối tác của Bay Việt tại nước ngoài để hoàn thành hai giai đoạn huấn luyện tiếp theo là bay bằng thiết bị trên máy bay nhiều động cơ (Instrument Rating/Multi Engine - IR/ME) và bằng lái phi công thương mại (Commercial Private Pilot - CPL).

“Trong giai đoạn 2 (từ 2022-2023), VFT sẽ đầu tư toàn bộ hạng mục của trường bay, tiếp tục hợp tác với trường bay nước ngoài để chuyển giao công nghệ, huấn luyện học viên đạt đến bằng lái phi công thương mại với số lượng từ 80-100 học viên, đội máy bay huấn luyện khoảng 15 chiếc”, ông Liên thông tin.

Cho biết, hiện tại để có thể sở hữu được tấm bằng phi công thương mại, mỗi học viên phải chi khoảng 1,8-2 tỷ đồng, ông Liên cũng khẳng định, nếu được đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam, học viên sẽ tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí, tương đương khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Phía Bamboo Airways, Phó Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng cho biết, đến 2021 Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways có thể đào tạo phi công 100% ở Việt Nam. Khoảng 1 - 1,5 năm, những phi công đầu tiên sẽ “ra lò”. Cũng theo ông Thắng, dự kiến, chi phí đào tạo phi công tại các nước phát triển khoảng 50 - 100 nghìn USD tuỳ khoá học. Nếu đào tạo trong nước, chi phí này sẽ giảm được khoảng 50%.

Về số lượng phi công dự kiến đào tạo mỗi năm, ông Thắng cho hay, “số liệu này sẽ cần phải tính toán thêm, tuỳ thuộc vào hạ tầng của sân bay Phù Cát, liên quan đến máy bay huấn luyện và SIM. Tuy nhiên, Bamboo Airways kỳ vọng từ năm 2021 trở đi mỗi năm sẽ đào tạo 200 - 300 phi công”.

Mới đây nhất, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đã công bố tuyển sinh khóa đầu tiên với số lượng dự kiến 400 học viên phi công. Được biết, học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo cơ bản 12 tháng tại một trong các học viện đào tạo tại Mỹ hoặc Australia và huấn luyện chuyển loại 14 tháng tại Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air.

Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và CASA và có cơ hội học liên thông lên đại học chuyên ngành Quản trị hàng không. Tổng chi phí đào tạo dự kiến cho một học viên là 120.000 USD (gần 2,8 tỷ đồng). “Phi công của Vinpearl Air ban đầu là đào tạo ở nước ngoài, tuy nhiên sẽ dần được “nội địa hoá”, sớm chuyển về đào tạo trong nước khi có đủ điều kiện”, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay.

Không khó để nhận thấy, nếu các dự án trên được triển khai đúng kỳ vọng, sớm nhất đến năm 2022, đã bắt đầu có những phi công “made in Việt Nam” đầu tiên. Khi các cơ sở đào tạo đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm, sẽ có khoảng 500 - 700 phi công “ra lò”, bao gồm cả phi công đào tạo hoàn toàn trong nước và phi công gửi đi nước ngoài đào tạo.

Thực tế, nếu so với tính toán của Cục Hàng không VN, trước năm 2025, chúng ta khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu phi công cho các hãng hàng không nội địa. Tuy nhiên, con số học viên được đào tạo có thể sẽ tiếp tục tăng khi các cơ sở đào tạo khác (của Học viện Hàng không, liên doanh AESC…) đi vào hoạt động. Kỳ vọng sau năm 2025 có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và “cơn khát” phi công cũng sớm được giải tỏa.

Chất lượng phi công được đánh giá độc lập, khách quan

Trao đổi với Báo Giao thông về việc kiểm soát chất lượng đào tạo phi công, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, các học viên phi công đều phải đào tạo tại các cơ sở được Cục Hàng không VN đánh giá và công nhận. Đây cũng là các trường đã được các Cục Hàng không của các quốc gia phê chuẩn (hiện nay chủ yếu các trường tại Hoa Kỳ, New Zealand, Úc và châu Âu).

Cục Hàng không VN xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện trong quá trình học ở nước ngoài và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.

Bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào, đầu ra huấn luyện của phi công dựa trên hai điều kiện chính: Tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên ICAO và được Cục Hàng không VN đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam về tổ chức huấn luyện phi công;

Cục Hàng không có hệ thống quy trình đánh giá hoàn toàn độc lập và khách quan, đảm bảo tất cả các phi công được cấp bằng phải chịu đánh giá của Cục Hàng không VN.

Ngân Anh

Tiêu chuẩn để được xét tuyển đào tạo phi công

img
Học viên phi công phải đáp ứng điều kiện khắt khe về sức khỏe

- Tuổi đời từ 18 - 33 tuổi.

- Trình độ học vấn: Tốt nghiệp THPT (không xét điểm thi ĐH-CĐ).

- Ngoại ngữ: TOEIC 550 trở lên hoặc chứng chỉ tương đương.

Các yêu cầu sức khỏe:

- Chiều cao: Từ 1m65 (nam), từ 1m60 (nữ).

- Cân nặng: Từ 54kg (nam), từ 48kg (nữ).

- Chứng nhận sức khỏe từ Cục Hàng không VN.

Nguồn: Bay Việt

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.