Xã hội

Bão số 9: Miền Trung bắt đầu mưa lớn, sẵn sàng di dân vùng nguy hiểm

18/12/2021, 19:21

Nhiều địa phương miền Trung đã sẵn sàng phương án di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước cơn bão số 9 đang diễn biến phức tạp.

Theo Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão lúc 19h hôm nay ở cách Bình Định khoảng 510km, cách Khánh Hòa khoảng 480km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất: cấp 14-15 (150-185km/h), giật cấp 17. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25km/h.

Ghi nhận của PV tại Bình Định, chiều 18/12, trên địa bàn đã có mưa lớn, gió bắt đầu mạnh dần lên. Nhiều người dân ở các vùng ven biển như Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Phù Cát, Phù Mỹ đã chằng chống nhà cửa kiên cố.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc neo tàu thuyền ở các cảng cá và khu neo đậu, yêu cầu người dân không ở lại các lồng bè. Đến chiều 18/12, đã kêu gọi, hướng dẫn gần 2.400 phương tiện với gần 18.000 lao động trên vùng nguy hiểm vào bờ tránh trú bão.

img

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương phải rà soát tất cả phương án, di dời dân nếu bão lũ xảy ra. Những nhà nào yếu, bão vào có thể gây tốc mái, địa phương áp dụng phương án di dời tại chỗ gắn với công tác phòng chống dịch, chia nhỏ ra chứ không tập trung. Đối với các hồ chứa, đơn vị quản lý sẽ căn cứ vào lượng mưa để điều tiết xả lũ, làm sao vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa cắt lũ cho vùng hạ du.

Tỉnh Phú Yên cũng đã lên phương án sơ tán các hộ dân tại các địa phương ven biển đến nơi an toàn. Dự kiến, tỉnh này sẽ di dời, sơ tán đến các điểm tập trung khoảng 850 hộ với 2.300 khẩu tại những khu dân cư ven biển thuộc thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An.

Ngoài ra, tỉnh Phú Yên sẵn sàng sơ tán khoảng 6.500 người nuôi cá trên các lồng bè ở những địa phương này trước khi bão gây ảnh hưởng. Trong ngày 18/12, chính quyền huyện Tuy An đã huy động lực lượng xuống giúp người dân chằng chống nhà cửa.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, để ứng phó với bão Rai, UBND tỉnh Phú Yên kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiểm tra hướng dẫn các khu neo đậu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá các tỉnh vào tránh trú an toàn. Các địa phương lên kịch bản triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

Ghi nhận của PV tại các làng chài thuộc thị xã Sông Cầu, đến chiều 18/12, ngư dân vẫn đang hối hả đưa thuyền bè lên đất liền tránh trú bão. Tại thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hàng chục ngư dân cùng hỗ trợ nhau đưa hơn 300 chiếc thuyền thúng ở khu vực bãi biển lên bờ. Cứ 5 đến 7 gia đình một nhóm rồi hỗ trợ đưa thuyền thúng, ngư cụ lên bờ tránh bão số 9.

img

Tàu cá của ngư dân Bình Định đưa vào neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn

Trong khi đó, ngày hôm nay (18/12), lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cử nhiều đoàn xuống các địa phương kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó mưa bão. Kiểm tra tình hình ứng phó tại các công trình xung yếu ở thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hoà, Cảng cá Sa Huỳnh… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kiểm tra, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh bão.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc kêu gọi tất cả các tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm của bão di chuyển tránh trú hoặc vào nơi neo đậu an toàn.

Đồng thời, trước 17h ngày 18/12, các địa phương phải hoàn tất hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà ở, tổ chức di dời, sơ tán người dân trong khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi gió mạnh của bão đến nơi an toàn. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời, sơ tán hơn 7.800 người tại 22 xã ven biển và huyện Lý Sơn để tránh trú bão.

Tại miền Tây, một số địa phương cũng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Cụ thể, tại Bạc Liêu, theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu, tính đến 17h ngày 18/12, tổng số phương tiện đang hoạt động trên biển là 472 phương tiện, với 3.258 thuyền viên.

Số phương tiện đã vào bờ là 508 phương tiện. Số phương tiện ngoài tỉnh vào địa bàn trú tránh 62 phương tiện, với 346 thuyền viên.

img

Phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn tại cửa biển thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Qua các kênh thông tin, hiện đơn vị liên lạc được với 100% chủ phương tiện, phương tiện đang hoạt động trên biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo đồn Biên phòng Gành Hào, Hải đội 2 bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các Đồn Biên phòng mở tín hiệu đèn báo bão 24/24; mở đài canh thông báo, kêu gọi các chủ phương tiện đưa phương tiện về nơi trú, tránh bão an toàn.

Về các phương tiện thi công điện gió trên biển: Có 15 phương tiện nước ngoài, 17 phương tiện trong nước, với 140 người (có 28 người nước ngoài). Đơn vị đã thông báo, yêu cầu di dời vào vị trí an toàn. Khu vực đê, kè xung yếu trên địa bàn có 3 đoạn đê biển xung yếu (2 ở xã Vĩnh Trạch Đông, 1 ở xã Hiệp Thành).

Số chòi canh nuôi trồng thủy sản ven biển có 5 chòi canh/10 người của Hợp tác xã Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). Lực lượng chức năng đã thông báo đến cơ quan chủ quản, người dân biết, có biện pháp di dời khi bão đến.

Tại Cà Mau, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, đến chiều 17/12 đã có trên 3.400 tàu với hơn 16.300 thuyền viên đang neo đậu an toàn tại 4 khu neo đậu tránh trú bão.

Hiện còn 1.115 tàu với hơn 5.800 thuyền viên đang hoạt động trên biển, và số tàu thuyền này đã được thông báo về hướng đi của bão để tìm nơi tránh trú.

Tổng số nhà cần chằng chống trên địa bàn các huyện ven biển là hơn 47.000 căn. Lãnh đạo các địa phương đã triển khai nhanh công tác hướng dẫn, vận động người dân chủ động hoàn thành việc chằng chống trước 36 giờ khi có tình huống bão ảnh hưởng.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 5 vị trí đê xung yếu với chiều dài 1.500 m. Tại các vị trí này, ngành chức năng đã bố trí sẵn sàng 500 rọ đá, 1.000 m3 đá hộc và nhiều phương tiện vật tư khác. Bên cạnh đó đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24, sẵn sàng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị chức năng hộ đê khi có tình huống xảy ra.

Hiện có trên 1.270 lồng bè trên biển và khoảng 480 người canh giữ đáy hàng khơi. Do đó, ngành chức năng các địa phương đã thông tin hướng dẫn đến các chủ lồng bè có biện pháp gia cố, di chuyển đảm bảo an toàn chống bão, thực hiện hoàn thành trước 24 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng.

Căn cứ vào diễn biến của bão, tỉnh Cà Mau đã đưa ra kịch bản bão có khả năng ảnh hưởng đến 3 huyện ven biển gồm: Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân. Theo đó, số dân cần di dời là hơn 146.000 người.

Để ứng phó với kịch bản trên, tỉnh đã chuẩn bị 600 điểm sơ tán, với sức chứa gần 260.000 người, đồng thời chuẩn bị 1.500 phương tiện (thủy và bộ) và 29.000 lực lượng để thực hiện di dời dân khi cần thiết.

Một số hình ảnh người dân miền Trung khẩn trương đưa tài sản đi tránh bão:

img

Người dân thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên hối hả đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão

img

Một nhóm 5-7 gia đình hỗ trợ nhau đưa thuyền lên bờ

img

Tại làng chài này, tuyến kè biển đang xây dang dở khiến nhiều ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị sạt lở

img

Phụ nữ cũng hối hả tham gia vào việc đưa tài sản lên bờ tránh bão

img

Rất nhiều phụ nữ tham gia cùng chồng đưa thuyền thúng đi tránh bão

img

Đến chiều tối 18/12, cơ bản tàu thuyền đang hoạt động tại Bình Định đã vào nơi neo đậu an toàn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.