Bất động sản

Bất động sản công nghiệp cần gì để “đón đại bàng”?

25/05/2023, 08:30

Nhiều tỉnh đã đưa vào quy hoạch, phê duyệt các dự án KCN nhằm “dọn tổ đón đại bàng”. Song việc không đồng bộ về hạ tầng khiến hiệu quả hạn chế.

Hạ tầng chỗ thừa, nơi thiếu

img

Quỹ đất dành cho cây xanh tại Khu công nghiệp An Phát Complex (Hải Dương) bị bỏ hoang

Tỉnh Hải Dương có diện tích hơn 1.600m2, nằm ở cửa ngõ phía Đông TP Hà Nội. Với nhiều lợi thế tự nhiên, giao thông thuận lợi, địa phương này định hướng tới năm 2030 trở thành một trong những tỉnh công nghiệp.

Ðến nay, Hải Dương đã quy hoạch, xây dựng 21 khu công nghiệp, 3 khu công nghiệp mở rộng. Trong đó 11 khu đã được vận hành khai thác, tỷ lệ lấp đầy đến 84%.

Hải Dương cũng xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển công nghệ cao, bền vững gắn với phát triển môi trường.

Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Giao thông, chính sách, hoạt động phát triển công nghiệp gắn với phát triển hạ tầng nhà ở, hạ tầng dịch vụ, cây xanh… trên địa bàn chưa được song hành.

Đơn cử tại Khu công nghiệp An Phát Complex (TP Hải Dương) do Công ty CP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex) làm chủ đầu tư.

Với diện tích 64ha, An Phát Complexquy hoạch khoảng 31ha xây dựng xí nghiệp công nghiệp, 3ha đất trung tâm điều hành dịch vụ, 4ha đất cây xanh...

Đến nay, đất xây dựng xí nghiệp công nghiệp đã đưa vào sử dụng với hàng chục nhà xưởng nhưng đất cây xanh, dịch vụ vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Kế đến là hoạt động phát triển nhà ở cho người lao động. Ước tính, toàn tỉnh có 65.000 lao động ngoại tỉnh nhưng chỉ có khoảng 3.200 chỗ ở cho lao động do Công ty TNHH Brother và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát phát triển.

Còn lại là đầu tư nhỏ lẻ, công nhân phải đi thuê tự do bên ngoài, chỉ khoảng 7 - 10m2/người.

Trái ngược với Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thu hút khoảng 300.000 lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp. Gần 40 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai xây dựng.

Nhưng trong số đó, gần chục dự án gần như bỏ hoang, đơn cử như 5 tòa nhà ở xã hội tại Khu nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong, Khu nhà ở Thuận Thành...

Giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đang chịu nhiều áp lực. Toàn tỉnh có 14 tuyến đường giao thông đối nội, tổng chiều dài gần 282km. Nhiều tuyến giao thông đối ngoại như Quốc lộ 1, 18, 38 và 17 trở thành những trục đường xương sống kết nối với các tuyến giao thông đến các vùng kinh tế phát triển mạnh, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như Thuận Thành 1 (250ha) đã được động thổ, Thuận Thành III (300ha) đã được giao đất... dự báo khi đưa vào sử dụng sẽ tăng công suất xe khổ lớn, container lưu thông.

Trong khi đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm như xây dựng cầu Kênh Vàng kết nối hai tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương; xây dựng Tỉnh lộ 295C, Tỉnh lộ 285B kết nối TP Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL3 mới, Tỉnh lộ 277B kết nối với cầu Bắc Hà 2 đang phải chờ xin ý kiến chuyển đổi đất lúa, giải phóng mặt bằng...

Trên tuyến QL38, đoạn từ Bắc Ninh đi Hải Dương, áp lực giao thông khá lớn khi có hàng nghìn lượt xe container lưu thông mỗi ngày. Tới đây, quốc lộ này còn phải tiếp tục đón nhận lượng xe lớn đổ ra từ các khu công nghiệp đang triển khai.

Bài toán lao động chất lượng cao

Không chỉ thiếu về hạ tầng tiện ích, nhà ở, giao thông, mà lao động tay nghề cao cũng là một bài toán đối với các địa phương.

Theo Tổng Cục thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2023 là 26,4% trong tổng số 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam dẫn kết quả khảo sát độc lập của đơn vị này cho biết, lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam chỉ đạt 11,6%.

Theo ông Sơn, nhân công giá rẻ vừa là điểm thu hút nhưng cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất.

Theo khảo sát, khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là thực tế khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại khi có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghiệp thì nhu cầu nhà ở xã hội không được đáp ứng cũng sẽ tác động rất lớn đến việc thu hút lực lượng lao động có trình độ cao.

Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ đến kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vừa đầu tư vừa nghe ngóng

Để phát triển đồng bộ hạ tầng với công nghiệp, nhiều địa phương đã rốt ráo gỡ vướng từng nút thắt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Bất động sản, Sở Xây dựng Hải Dương cho biết, thời gian qua, 11 khu công nghiệp đã được tỉnh đầu tư.

Trong đó có 5 khu bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân, 3 khu đã được giao đất, 2 khu đã xây dựng nhà ở.

Hải Dương cũng đã lập đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động giai đoạn 2023 - 2030. Trong năm 2023, tỉnh dự kiến triển khai 2 dự án nhà ở tại Cẩm Giàng 4,2ha, gần khu công nghiệp Đại An 4,6ha. Trên cơ sở hoàn thiện 2 dự án, tỉnh sẽ đánh giá, điều chỉnh để tiếp tục đầu tư theo tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cũng vừa có chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các công trình, dự án quan trọng.

Trong đó ưu tiên các tuyếnVành đai 4 Vùng Thủ đô, cầu Kênh Vàng, các tuyến tỉnh lộ kết nối các khu công nghiệp với QL3 mới… Mục tiêu cuối cùng là đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Còn tại Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh này cho biết, tỉnh xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá.

Từ đó, tỉnh sẽ ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội để sẵn sàng đón làn sóng lao động nhập cư.

Lãnh đạo tỉnh này cũng đề xuất, cần sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động.

“Thực tế, các doanh nghiệp vẫn đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên chưa có chứng chỉ được công nhận. Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương”, vị đại diện chia sẻ.

Công ty Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo về triển vọng phát triển ngành bất động sản khu công nghiệp, trong đó chỉ ra những thách thức hiện hữu trong giai đoạn 2023 - 2024.

Kể từ quý I/2022, cả miền Nam và miền Bắc đều không có thêm bất kỳ đề xuất mới thành lập khu công nghiệp nào. Ngoài ra, có rất ít khu công nghiệp mới được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển cấp quốc gia.

VNDirect nhận định điều này xuất phát từ thực trạng việc quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn dàn trải, chủ yếu do địa phương quyết định. Quy trình phê duyệt của nhiều dự án diễn ra chậm, gây ra tình trạng giải phóng mặt bằng chậm hơn dự kiến và chồng chéo về quy hoạch hoặc hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.