Bất động sản

Bất động sản phát hành 182,6 nghìn tỷ trái phiếu, chuyên gia lo "vỡ trận"

07/03/2021, 06:15

Năm 2020, các doanh nghiệp BĐS phát hành 182,6 nghìn tỷ trái phiếu, trong đó gần 1/3 không có tài sản đảm bảo, nhiều chuyên gia lo "vỡ trận".

img

Bất động sản phát hành 60 nghìn tỷ trái phiếu, chuyên gia lo "vỡ trận" (ảnh minh hoạ).

Gần 1/3 không có tài sản đảm bảo

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) năm 2020. Theo báo cáo này, trong năm 2020, các DN bất động sản (BĐS) phát hành tổng cộng 182,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường – tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.

Tuy nhiên, những dữ liệu về trái phiếu DN BĐS cho thấy lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành trong năm 2020 ở lĩnh vực này khá lớn, tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại về rủi ro. Cụ thể, có 35,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS phát hành mới không có tài sản đảm bảo, chiếm 19,6% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành.

Trong đó, các tổ chức phát hành nhiều nhất là Công ty CP BĐS HANO-VID; Công ty CP BĐS Mỹ; Công ty CP TM-QC-XD Địa ốc Việt Hân…

"Con số thực tế có thể lớn hơn do có khoảng 57 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS thiếu thông tin về tài sản đảm bảo trong bản công bố thông tin", SSI Research, nhận định.

Chưa kể, trong năm 2020, toàn thị trường có gần 37 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu thì riêng nhóm BĐS có 27,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 73,2%).

Như vậy, tổng lượng trái phiếu BĐS không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng.

Nguy cơ vỡ bong bóng

Trước đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường trái phiếu BĐS đang đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng sau khoảng thời gian dài tăng trưởng nóng và xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Nếu thị trường trái phiếu BĐS không có động thái kiểm soát tốt có thể sẽ dẫn tới vỡ bong bóng. Kịch bản này sẽ lặp lại bức tranh cách đây gần 10 năm khi bong bóng trái phiếu BĐS vỡ sau một giai đoạn ngắn tăng trưởng nóng.

Phân tích về nguy cơ này, ông Hiếu chỉ ra nguyên nhân thứ nhất là thị trường trái phiếu BĐS tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn, chu kỳ phát hành trái phiếu với tốc độ vừa nhanh vừa dày. Thứ hai, DN phát hành trái phiếu BĐS với lãi suất cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm.

Nguy cơ bong bóng trái phiếu có thể xảy ra vì xuất hiện dấu hiệu bất thường như DN phải đảo nợ, không thể thanh khoản cho trái chủ. Điển hình như một công ty BĐS tại TP.HCM vừa phát hành trái phiếu đúng thời điểm trái phiếu cũ đến kỳ trả nợ. Đây là hình thức đảo nợ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, thị trường BĐS đang bất định, DN làm ăn khó. Nguy cơ vỡ bong bóng sẽ dễ xảy ra bất cứ lúc nào khi tốc độ phát hành trái phiếu thời gian vừa qua quá nhanh trong khi thị trường khó khăn, dự án mới khan hiếm, lợi nhuận của DN địa ốc giảm. “Cần soi kỹ tài chính, năng lực của DN mà mình đầu tư. Xem dự án DN đó đã và đang triển khai, thông tin phải minh bạch”, ông Hiếu lưu ý

Khi DN không thể trả lãi suất như cam kết cho khách hàng thì nhà đầu tư chịu thiệt nhiều nhất. Vì thế, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng trái phiếu không phải là sân chơi của nhà đầu tư cá nhân. Nguyên nhân là do trái phiếu DN thường huy động trong thời gian dài 2-5 năm nên khó có thể rút vốn khi cần.

Cũng theo ông Hiển, Nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế giám sát trong thị trường này. “Nhà nước chỉ cần quy định các ngân hàng thương mại không được thế chấp tài sản bằng trái phiếu để kiểm soát việc các ngân hàng thương mại tham gia thị trường này theo đường vòng”, ông Hiển nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.