Thế giới giao thông

Bật mí việc tái chế máy bay lớn nhất thế giới

04/02/2023, 08:33

Nếu như chế tạo một chiếc máy bay mất tới hàng chục tháng thì công đoạn phá dỡ, tái chế cũng là cả một quá trình tốn công sức không kém.

Với dòng máy bay cỡ lớn như Airbus A380, quá trình tái chế càng khó và mất thời gian.

Chưa đến tuổi, đã phải “về hưu”

img

Công ty Tarmac Aerosave khẳng định sẽ tái chế đến chiếc đinh ốc cuối cùng

Dòng máy bay Airbus A380 với 4 động cơ từng rất được hành khách yêu thích vì rộng rãi nhưng với nhiều hãng hàng không, đây lại là gánh nặng vì kích thước quá lớn, quá tốn chi phí vận hành.

Do đó, sau 2 thập kỷ kể từ khi ra mắt chiếc đầu tiên, dòng máy bay này đã bị các loại máy bay 2 động cơ, hiệu quả nhiên liệu hơn “soán ngôi”.

Hiện nay, tuy nhiều máy bay chưa hết thời hạn sử dụng nhưng đã bị không ít hãng cho “về hưu” để giảm bớt chi phí.

Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên đến khi dừng sản xuất vào cuối năm 2021, Airbus chỉ chế tạo 251 máy bay A380, ít hơn dự định ban đầu. Nhiều chiếc A380 không còn được sử dụng và được đưa đi tái chế.

Trên thế giới, chỉ có một số nhỏ công ty có khả năng tái chế dòng máy bay chở khách lớn nhất thế giới. Đơn vị có kinh nghiệm nhất là Tarmac Aerosave, được thành lập năm 2007 và đã tái chế hơn 300 chiếc tại 3 địa điểm ở Pháp và Tây Ban Nha.

Một phần của công ty này thuộc sở hữu của Airbus. Hiện Tarmac đang tái chế chiếc thứ 7, dự kiến hoàn thành vào tháng 3.

Để phá dỡ và tái chế 1 chiếc máy bay cỡ lớn như A380 không hề đơn giản nhưng vì có khung bằng nhôm nên phần này của A380 dễ tái sử dụng hơn các loại máy bay sử dụng vật liệu tổng hợp như A350 hoặc Boeing 787.

Phá dỡ công phu, tái chế đến chiếc đinh ốc cuối cùng

img

Có rất nhiều thứ để tái chế trên mỗi chiếc A380 – loại máy bay lớn nhất thế giới

Ông Lionel Roques - Giám đốc bán hàng của Tarmac Aerosave cho biết, việc tái chế bắt đầu với công đoạn kéo dài vòng đời của một số bộ phận, phụ tùng khác nhau của máy bay như cách chúng ta vẫn tái chế đồ dùng cũ ở nhà.

Do đó, bước đầu tiên cần làm chính là lọc những bộ phận có thể tiếp tục dùng để sử dụng trên máy bay khác.

Có thể kể đến như động cơ, hệ thống đáp và một số thiết bị điện tử hàng không phục vụ xử lý các nhiệm vụ như liên lạc, định vị. Những bộ phận này được kiểm tra, đảm bảo khả năng sử dụng để sau đó bán lại.

Một số phụ tùng của A380 có thể được sử dụng để thay thế cho các máy bay hiện tại hoặc dùng cho mục đích huấn luyện.

“Chúng tôi đưa một số bộ phận tới các trường hoặc cơ sở huấn luyện để các kỹ sư cơ khí hoặc sinh viên trong ngành hàng không thực tập trên bộ phận máy bay thật”, ông Roques cho biết.

Công đoạn này nhìn chung sẽ kéo dài khoảng vài tuần. Khi hoàn thành, họ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là xử lý vật liệu. Đây là công đoạn tách tất cả các vật liệu như đồng, titanium, nhôm, đảm bảo chuyển các vật liệu này qua các kênh tái chế phù hợp để tái sử dụng trong tương lai.

Vì có kích thước lớn nên 1 chiếc A380 thường có khoảng 120 tấn nhôm và công đoạn xử lý, phân loại này có thể kéo dài nhiều tháng, rất cầu kỳ.

Ông Roques giải thích: “Vì đó là chiếc máy bay lớn nên cơ sở xử lý cũng phải rộng, cần công cụ, phương pháp phù hợp. Các kỹ sư thực hiện phải thật cẩn thận để đảm bảo an toàn vì có khi phải làm việc ở vị trí rất cao nếu xử lý cơ khí trên tầng 2 máy bay”.

Hiện tại chưa có quy định cụ thể trong ngành này nhưng các công ty thường cố gắng tái chế đến 90% tính theo trọng lượng của máy bay. Phần phế liệu thừa không thể tái chế, phải thải ra bãi rác như vật liệu tổng hợp hoặc nguy hiểm là rất ít, chỉ khoảng 1-3%.

Với Tarmac, họ cam kết sẽ tái chế tới chiếc đinh ốc cuối cùng.

Không nêu cụ thể chi phí xử lý, tái chế máy bay, ông Roques chỉ cho biết chi phí khoảng 6 chữ số, chủ yếu phụ thuộc vào số lượng bộ phận cần loại bỏ và yêu cầu khách hàng.

Trao cho “rác máy bay” một cuộc đời mới

Ngoài tái chế, nhiều máy bay A380 còn được biến đổi để nâng cao giá trị, chẳng hạn một số phụ tùng của máy bay được sử dụng làm biểu tượng hoặc làm đồ trang trí. Cuối năm ngoái, Airbus đã đấu giá hàng trăm phụ tùng của chiếc A380 thuộc hãng hàng không Emirates cũ để gây quỹ từ thiện.

Qua đây, rất nhiều người yêu thích hàng không có cơ hội mua gần như tất cả các bộ phận của máy bay từ các món đồ nhỏ như dây an toàn, biển báo lối ra, đèn, ấm… cho đến những món đồ lớn như hàng ghế, cầu thang, xe đẩy đồ uống, động cơ…

Nhiều thiết bị, vật dụng khác được các nghệ sĩ biến hóa thành đồ trang trí đặc biệt.

Vật dụng trên máy bay được săn mua nhiều nhất là quầy cabin hạng thương gia. Một cabin cao khoảng 2,1m, vốn là biểu tượng cho sự sang trọng của Emirates trên máy bay Airbus 380 đã được bán với giá 50.000USD.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều hãng hàng không đưa siêu máy bay A380 vào hoạt động trở lại, những bộ phận, phụ tùng, vật dụng của những chiếc A380 cũ vẫn là món hàng “hot” để hỗ trợ thay thế cho dàn máy bay đang phục vụ. Hãng mới nhất vừa đưa A380 trở lại hoạt động là Qantas sau 2 năm để trong kho.

“Vòng đời của A380 vẫn chưa hết và để hoạt động, các hãng chắc chắn cần phụ tùng thay thế. Thực tế là việc chúng ta dỡ bỏ máy bay, đưa các bộ phận, phụ tùng trở lại thị trường sẽ giúp dòng máy bay kéo dài thời gian hoạt động”, ông Roques nói.

Chuyên gia này tin rằng, trong tương lai sẽ chỉ còn một vài chiếc A380 hoạt động cho một khu vực lớn, chẳng hạn British Airways phục vụ xuyên Đại Tây Dương, Emirates phục vụ Trung Đông, Qantas phục vụ Châu Đại Dương và Singapore là châu Á.

“Hơn nữa, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy loại máy bay cỡ lớn như vậy nữa. Đó là một chiếc máy bay độc nhất vô nhị nên tuổi thọ của nó sẽ được kéo dài hết mức có thể. Hiện tại, tôi chưa thấy thứ gì có thể thay thế loại phương tiện này”, ông Roques nói.

Ông Geoff Van Klaveren - nhà phân tích hàng không đang làm việc tại Công ty Tư vấn IBA cho biết: “A380 là một trong những loại máy bay “trẻ” nhất bị đưa vào tái chế. Thông thường, một máy bay thương mại sẽ hoạt động trong 25 năm trước khi bị thải loại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.