Thi viết về GTVT

Bạt núi, vượt biển làm cao tốc nhanh kỷ lục

11/05/2022, 10:00

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái xác lập nhiều kỷ lục mới của Quảng Ninh, trong đó GPMB, triển khai các gói thầu với thời gian ngắn chưa từng có…

Đột phá thể chế

Những ngày này, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, “mảnh ghép” hoàn thiện tuyến cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút thi công những hạng mục cuối để kịp đưa vào khai thác trong quý II/2022.

img

Cầu Vân Tiên - kỳ tích mới của Quảng Ninh trên con đường xây công trình giao thông vượt biển

Ngắm nhìn dự án đang dần hoàn thiện, ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Quản lý dự án) tỉnh Quảng Ninh nhớ lại, để có được tuyến cao tốc dài gần 80,2km, quy mô 4 làn xe ô tô, vận tốc tối đa 120km/h này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhiều năm trăn trở và mạnh dạn xin Chính phủ cho chủ trương đột phá về thể chế.

“Nếu không có cơ chế đột phá, gỡ được “điểm nghẽn” chính sách thì không thể thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án chưa có tiền lệ ở Việt Nam này”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh nhớ lại, nhiều năm trước, ô tô đi từ TP Hạ Long - Hà Nội mất gần 230 phút, đến Hải Phòng khoảng 90 phút, các trung tâm kinh tế, chính trị trong tỉnh cũng chưa kết nối thuận lợi…

Do những hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là giao thông, nên thời điểm đó, kinh tế - xã hội của Quảng Ninh phát triển chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Tuy nhiên, muốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, địa phương lại “vấp” phải bài toán nguồn vốn đầu tư. Bởi cân đối thu - chi ngân sách mỗi năm Quảng Ninh chỉ dành tối đa được khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng phát triển giao thông. Như vậy, để có được hệ thống giao thông đồng bộ, Quảng Ninh phải mất tới 30 năm nữa.

“Nút thắt” được gỡ khi năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái theo các hình thức BOT, PPP… Quảng Ninh được vận dụng cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư đường cao tốc”, ông Khánh nhớ lại.

Từ đó, Quảng Ninh khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành đề xuất và triển khai ngay dự án cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Quảng Ninh bằng các hình thức BOT, PPP.

Theo đó, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km thì nhà đầu tư triển khai dự án cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT dài 5,4km, ngân sách Quảng Ninh đầu tư tuyến dài 19,8km; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,6km, nhà đầu tư làm tuyến dài 53km, ngân sách tỉnh đầu tư đoạn 6,9km.

Còn dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ban đầu được đầu tư theo hình thức BOT. Nhưng trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã đề xuất với Quảng Ninh để địa phương trình Thủ tướng chấp thuận phương án điều chỉnh tách tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành 2 dự án với 2 mô hình đầu tư khác biệt.

Trong đó, đoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng được triển khai theo hình thức BOT, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phụ trợ khoảng 490 tỷ đồng. Đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km có tổng vốn là 3.658 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách.

Cao tốc của những kỷ lục

img

Một đoạn cao tốc Hải Phòng - Hạ Long

Đứng trên cầu Vân Tiên thuộc tuyến cao tốc Vân Đồn đang hoàn thiện hạng mục cuối cùng, ông Vũ Văn Khánh khẳng định: “Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã xác lập nhiều kỷ lục mới của tỉnh Quảng Ninh, đó là tốc độ GPMB, triển khai các gói thầu xây dựng với thời gian ngắn nhất”.

Ban đầu, tuyến cao tốc có thiết kế vận tốc là 100km/h, nhưng đến giữa năm 2020 đã điều chỉnh đầu tư nâng vận tốc lên 120km/h. Điều này phát sinh thêm diện tích cần GPMB từ 479,77ha lên thành 666,89ha và phải đền bù cho 1.186 hộ. Không ai tin việc hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công chỉ trong vòng hơn nửa tháng.

“Từ ngày 15/7/2020, tỉnh Quảng Ninh đã phát động Chiến dịch cao điểm “30 ngày đêm hoàn thành GPMB dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái”. Khi mọi băn khoăn, thắc mắc của người dân được giải quyết thấu đáo, kịp thời, việc bàn giao mặt bằng được triển khai nhanh chóng”, ông Khánh nhớ lại.

Ông Trần Văn Thành, ở thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) kể, tháng 7/2020, gia đình ông đã hoàn thành 95% hạng mục ngôi nhà kiên cố với tổng kinh phí xây dựng khoảng 800 triệu đồng. Đúng lúc này, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái triển khai, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông nằm ở vị trí thiết kế của cầu vượt.

“Khi biết thông tin này, vợ chồng tôi hụt hẫng, buồn chán, ngôi nhà cả đời mơ ước chưa ở ngày nào phải đập bỏ. Thế nhưng, khi các cấp chính quyền địa phương vận động, tôi chủ động bàn giao 3.000m2 đất cùng căn nhà mới xây cho dự án”, ông Thành chia sẻ.

Một kỳ tích nữa của dự án này là thi công vượt tiến độ. Ông Hoàng Văn Thọ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế (HECO) - đơn vị tư vấn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kể, tuyến đường này tuy ngắn, nhưng lại có nhiều cầu, cống, vượt qua nhiều vùng đầm lầy ven biển rộng lớn với độ sâu của bùn trung bình từ 5-8m; nhiều khu vực địa hình phức tạp, thủy triều dâng cao…

Do yêu cầu kỹ thuật, nếu bố trí đắp nền, lu, lèn và chờ tắt lún thì phải mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Do vậy, giải pháp kỹ thuật được đưa ra là nạo, vét bùn ở vùng đầm lầy rồi đổ đất thay thế là giải pháp tối ưu nhất được đưa vào quá trình thi công dự án này.

Mặt khác, Dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên lại được triển khai bằng hình thực hợp đồng không điều chỉnh giá. Đây thực sự là “nút thắt” rất lớn đối với các nhà thầu.

Quá trình triển khai dự án, giá vật liệu liên tục “nhảy múa”, nhất là thép đã tăng từ 11,8 nghìn đồng lên tới đỉnh điểm 18,5 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, với phương thức hợp đồng như vậy sẽ làm lợi cho ngân sách khoảng 400 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa cũng nảy sinh trong quá trình thi công đoạn cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên. Đó là khu vực này có hàng trăm ha rừng ngập mặn, theo thiết kế ban thì đoạn qua khu vực này là đắp đường và có một số cống ngang.

Tuy nhiên, nếu làm bằng phương thức đó, nguy cơ làm chết hàng trăm ha rừng ngập mặn ven biển. Sau nhiều ngày khảo sát, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã tham mưu cho tỉnh thay đổi thiết kế, đầu tư thêm 5 cây cầu dài 750m.

“Tuy phát sinh thêm kinh phí hơn 300 tỷ đồng để làm 5 cây cầu này, nhưng bù lại có thể cứu được hàng trăm ha rừng ngập mặn, xử lý triệt để được nền đất yếu, rút ngắn được thời gian thi công tối thiểu là 9 tháng do không phải chờ lún”, vị đại diện HECO lý giải.

Từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn 3 giờ

Sau hơn 2 năm thi công, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều kiện địa chất, địa hình nhiều khó khăn, thời tiết mưa kéo dài, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao… nhưng đến nay, Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang triển khai các hạng mục cuối cùng để phấn đấu về đích trong quý II/2022.

“Sau khi hoàn thành, sẽ hình thành hệ thống đường cao tốc đồng bộ từ Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ thay cho 6 giờ như trước đây. Tuyến cao tốc cũng kết nối các khu kinh tế trọng điểm của địa phương là Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái, kết nối giao thông từ các tỉnh lân cận, đặc biệt là kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc. Đây là động lực mới để Quảng Ninh phát triển triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc”, ông Vũ Văn Khánh khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.