Thị trường

Bất thường doanh nghiệp trúng hàng loạt gói thầu bán ô tô cho ngành điện

28/10/2020, 06:39

Trong 2 năm trở lại đây, Công ty CP AHCOM Long Biên liên tục trúng thầu các gói thầu mua sắm ô tô của nhiều công ty điện lực.

img
Công ty CP AHCOM Long Biên (Nissan Long Biên) trúng hàng loạt các gói thầu mua sắm ô tô bán tải của các Chi nhánh Điện lực khu vực phía Bắc

Nhà thầu này cũng là nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu các gói thầu và giá trúng thầu trùng khớp với giá gói thầu đưa ra.

Trúng 72 gói thầu, phần lớn bằng giá chào thầu

Gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh về việc Công ty AHCOM Long Biên, một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội trúng 72 gói thầu, cung cấp 144 xe ô tô mang thương hiệu Nissan cho gần 100 doanh nghiệp với tổng giá trị 142,4 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp mời thầu thuộc ngành điện lực.

Đơn vị mua xe nhiều nhất trong danh sách là Tổng công ty Điện lực Hà Nội với 15 xe. AHCOM Long Biên trúng thầu liên tục trong 3 năm: 2017 số lượng 10 xe; Năm 2018 số lượng 2 xe và mới nhất là đầu năm 2020 số lượng 3 xe.

Theo tìm hiểu, nhiều gói thầu có mức giá trúng thầu bằng giá chào thầu. Cụ thể tại QĐ 1929, nhà thầu Công ty CP AHCOM Long Biên trúng thầu gói thầu trang bị xe ô tô bán tải năm 2017, giá gói thầu và giá trúng bằng nhau là 865.000.000 đồng.

Tại QĐ 427, Công ty CP AHCOM Long Biên trúng thầu gói thầu mua sắm xe ô tô bán tải năm 2017, giá chào và giá trúng bằng nhau và bằng mức giá nói trên.

Cũng theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hoạt động đấu thầu mua bán xe ô tô của nhiều doanh nghiệp điện lực không những không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách mà còn có những dấu hiệu vi phạm khi đưa ra những yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu.

Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu một số doanh nghiệp điện lực còn đưa thẳng nhãn hiệu Nissan Navara vào yêu cầu kỹ thuật. Đáng chú ý đơn vị còn “đặt hàng” xe phải nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Tương tự, tại nhiều gói thầu toàn bộ phần yêu cầu kỹ thuật trùng khớp tiêu chuẩn kỹ thuật của loại xe bán tải Nissan Navara, từ mã hiệu, động cơ, dung tích, công suất cực đại, hệ thống truyền động… đến kích thước, trọng lượng, dung tích, mức độ an toàn…

Có thể thấy, với quy định “cứng” trên, các nhãn hiệu xe bán tải khác sẽ không có “cửa” để có thể tham gia đấu thầu.

“Trúng thầu hàng loạt là bất thường”

Ông Hoàng Lê, chuyên gia về xe hơi cho rằng, nếu đưa ra yêu cầu “cứng” như trên thì chỉ có xe Nissan Navara mới có thể đáp ứng được điều kiện gói thầu, trong khi nhiều hãng xe khác có thể cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Một chuyên gia khác làm rõ thêm, xe Nissan Navara LX chưa bao giờ có giá bán đến 865 triệu đồng/chiếc. Giá bán thực tế trên thị trường chỉ 825 triệu/chiếc. Cũng theo vị chuyên gia này, ở thời điểm giữa năm 2018, với mức giá 865 triệu, khách hàng có rất nhiều lựa chọn với nhiều loại xe có công năng sử dụng, cấu hình tương ứng.

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Luật Đấu thầu cấm nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa theo hình thức chào hàng cạnh tranh không thuộc sự điều chỉnh của quy định nêu trên.

Tuy nhiên, Thông tư số 11/2015 của Bộ Kế hoạch đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, khi đưa ra yêu cầu đối với hàng hóa cần quy định đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo, công nghệ mang tính chất trung tính, không đưa ra các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn mang tính cá biệt hóa mà không phải là đặc tính cơ bản của sản phẩm để chỉ một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Trường hợp không thể mô tả được hàng hóa cần mua theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì mới được phép nêu nhãn hiệu một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”.

Cũng theo luật sư, Nghị định 63/2014 quy định, trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. “Với một sản phẩm phổ biến trên thị trường, có nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh, việc có một doanh nghiệp trúng thầu hàng loạt như vậy là bất thường”, luật sư Lực nói.

Để làm rõ thêm thông tin, PV Báo Giao thông đã liên hệ với Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội và AHCOM Long Biên.

Sau gần 2 tháng liên hệ, mới chỉ có duy nhất Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội có văn bản phúc đáp với nội dung chung chung: “Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội luôn tuân thủ theo quy định. Công ty CP AHCOM Long Biên chỉ là một trong những nhà thầu trong số nhiều nhà thầu tham dự và trúng thầu...”.

PV cũng đề nghị cung cấp các hồ sơ liên quan đến đấu thầu, tuy nhiên không nhận được sự hợp tác.

Đối với AHCOM Long Biên, PV cũng đã cố gắng liên hệ, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

img

Bất thường việc mua sắm thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa Thái Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.