Thị trường

Bất thường thị trường xăng dầu do đâu?

09/09/2022, 06:00

Những ngày qua, thị trường xăng dầu có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa ở cả 3 miền

Trong khi đó, Bộ Công thương luôn khẳng định đủ nguồn cung. Báo Giao thông trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xung quanh sự bất thường này.

img

Ông Bùi Ngọc Bảo

Cơ cấu giá lỗi thời

Theo ông, vì sao lại có sự bất thường khi các cây xăng treo biển hết hàng, trong khi cơ quan quản lý luôn khẳng định nguồn cung không thiếu?

Chúng tôi đồng tình với Bộ Công thương, vì thực tế không có yếu tố khách quan nào tác động đến nguồn cung trên thế giới và trong nước dẫn đến hạn chế nguồn cung. Hiện 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đều đang hoạt động tối đa công suất. Còn những đầu mối lớn cũng đều khẳng định tuân thủ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có thể có một số tác động sau 5 lần giảm giá, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Tức là, chi phí tính trong cơ cấu giá không đủ trang trải khiến doanh nghiệp bị lỗ. Điều này kéo theo tình trạng cắt giảm chiết khấu thời gian qua.

Chiết khấu đang từ mức 1.200 - 1.300 đồng lúc giá xăng dầu ổn định, giảm về con dưới 100 đồng, thậm chí là 0 đồng.

Trong khi, sau kỳ điều hành ngày 22/8, khi giá thế giới có xu hướng tăng cao, doanh nghiệp tính toán có thể vượt quá biên độ gây ra lỗ thì tâm lý găm hàng, giữ hàng là không thể tránh khỏi. Bởi cơ cấu giá đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, nhưng chúng ta vẫn chưa thay đổi kịp với biến động mới.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về điều này?

Trong công thức giá cơ sở có phụ phí nhập khẩu xăng dầu. Trước đây, phụ phí rất ít, khoảng 1 - 1,5 USD/thùng, nhưng hiện nay đã lên đến 9 USD/thùng.

Đây là điểm vênh khiến chi phí định mức thực tế của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 900 đồng, lệnh khoảng 400 đồng so với mức quy định cần thiết là 1.300 đồng/lít đối với mặt hàng xăng (từ năm 2014). Doanh nghiệp hiện đang phải chịu thiệt thòi này, vì thế không đủ chi phí chiết khấu cho đơn vị ngoài.

Điều đó khiến doanh nghiệp đã lỗ vì tính thiếu phụ phí, lại cộng với diễn biến giá lên xuống bất thường, từ đó các doanh nghiệp “chần chừ” để theo dõi giá thế giới. Họ có thể chỉ nhập khẩu đủ số lượng theo quy định để giảm tình trạng “càng bán càng lỗ” chứ không có dôi dư.

Mua bán trôi nổi, hợp đồng không chặt chẽ

img

Một cây xăng ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng treo biển hết xăng ngày 3/9. Ảnh: Hồ Hùng

Theo ông, còn có yếu tố nào tác động đến “điệp khúc” thiếu hàng của các cây xăng?

Một yếu tố quan trọng cần siết chặt hiện nay là việc các doanh nghiệp có thể mua bán không tuân thủ theo hợp đồng. Chẳng hạn, họ có thể mua bán theo hợp đồng một số lượng nhất định, còn lại mua ngoài, mua trôi nổi.

Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện và một trong những điều kiện quan trọng là yêu cầu phải có hợp đồng kinh tế. Hợp đồng này là thỏa thuận các bên về hoa hồng, hạn ngạch, rủi ro…

Nếu đã có hợp đồng kinh tế thì không đầu mối hay thương nhân phân phối nào không giao hàng theo quy định. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng dựa vào đó để biết được “đứt” ở khâu nào.

Như vậy, diễn biến thị trường đang thể hiện việc thiếu chặt chẽ trong hợp đồng kinh tế giữa các bên. Và nó cũng thể hiện hiện tượng mua bán hàng trôi nổi trên thị trường, bên cạnh việc mua từ các nguồn chính thức.

Do đó, quan điểm của chúng tôi là phải tổ chức kiểm tra xem lỗi ở đâu. Cần xem xét từ gốc vấn đề.

Vậy, mấu chốt của vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

Bộ trưởng Bộ Công thương từng nhấn mạnh: “Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ”.

Bộ Công thương đã cử đoàn đi kiểm tra, vấn đề Bộ này cần làm rõ là tính ràng buộc của hợp đồng. Thực tế, hàng trôi nổi xâm nhập vào hệ thống xăng dầu là có.

Vừa rồi các cơ quan chức năng cũng đã xử lý đường dây xăng dầu giả, xăng dầu lậu lớn, lên đến hàng trăm triệu lít.

Những nguồn hàng đó đi vào thị trường không cần có hợp đồng, nên khi đứt gãy nguồn cung, họ muốn lấy thêm hàng từ nguồn chính thống rất khó khăn.

Xuất phát từ thực tế đó, tôi cho rằng cần phải quy định chặt chẽ việc mua bán theo hợp đồng và tăng chế tài đối với việc thực hiện hợp đồng.

Hiện nay kể cả những nguồn cung cấp lớn cũng không tuân thủ điều này, nên xảy ra việc giao hàng theo kiểu “đỏng đảnh”…

Ngoài ra, gốc vấn đề còn nằm ở chỗ Nghị định về kinh doanh xăng dầu, bộc lộ nhiều bất cập.

Quỹ bình ổn xăng dầu không còn phù hợp?

img

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép và hậu kiểm cũng cần chặt chẽ Ảnh minh họa: Tạ Hải

Phải chăng ông muốn nhắc tới Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83), quy định về hệ thống đại lý mà các doanh nghiệp đang than phiền?

Thời điểm sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị, đề xuất những bất cập cần sửa đổi.

Tuy nhiên, Nghị định 95 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83 vẫn chưa khắc phục. Và nó đã bộc lộ trong diễn biến thị trường xăng dầu thời gian qua.

Hiệp hội kiến nghị bỏ bớt các loại hình kinh doanh, cụ thể là loại hình đại lý, vì thực tế hiện nay hình thức này chủ yếu là mua đứt bán đoạn, trong khi, đại lý theo cách hiểu của hệ thống là nơi gửi hàng.

Nếu thời điểm ổn định sẽ không có vấn đề gì nhưng khi có biến động, hệ thống sẽ trở nên lộn xộn, cụ thể là việc thiếu nguồn hàng lưu kho. Đó là vấn đề thấy rõ những ngày qua ở một số nơi.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu không còn phù hợp với diễn biến kinh tế thị trường hiện nay, quan điểm của ông thế nào?

Thị trường biến động hàng ngày, biến động mạnh thì Quỹ không còn thể hiện được vai trò bình ổn giá.

Trước đây, nếu có biến động tăng giá thành ngưỡng 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.

Nếu tăng trong khoảng 7 - 12% thương nhân đầu mối được quyền tăng 60% của mức giá cơ sở, 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Còn tăng trên 12%, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quy định này rất rõ ràng mức điều chỉnh theo các mức tăng ra sao cho hợp lý, và cũng được cụ thể hóa ở Nghị định 83 với các mốc biến động như: Dưới 3%, từ 3-7% và trên 7%. Tuy nhiên, lại bị bỏ ra ở Nghị định 95.

Đây là điểm chưa thuyết phục của cơ chế điều hành hiện nay. Hiệp hội cũng đã có những kiến nghị cụ thể với cơ quan quản lý về vấn đề này.

Minh bạch thông tin, siết lại việc cấp phép

Chỉ trong tháng 7 và tháng 8 đã có tới 12 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép do không đủ điều kiện kinh doanh (sau đó 5 doanh nghiệp được tạm dừng việc tước giấy phép). Theo ông, diễn biến này đang thể hiện điều gì?

Hiệp hội rất đồng tình với việc kiểm tra, kiểm soát làm sao để ổn định thị trường, những đơn vị vi phạm cần phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý. Tuy nhiên, cách thức tổ chức, biện pháp trong từng thời điểm có lẽ cần phải có tính toàn và đánh giá chi tiết.

Đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc tước giấy phép của doanh nghiệp đầu mối. Bản thân Hiệp hội và doanh nghiệp đều không biết phản ứng ra sao trước thông tin này.

Nếu chỉ là hình thức rút không cho đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu thì tác động không lớn lắm với thị trường. Nhưng nếu thu hồi giấy phép của đầu mối thì nó kéo theo cả hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng trong hệ thống có thể tạm dừng hoạt động, không được tổ chức kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong mạng lưới. Rõ ràng đây là biện pháp hết sức nguy hiểm.

Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu cơ quan quản lý “rút” cái gì? Mọi thông tin đều không công khai, hay chi tiết việc xử phạt.

Theo ông, có nên xem xét lại khâu cấp phép và hậu kiểm sau khi tước giấy phép, cương quyết thu hồi giấy phép nếu không đủ điều kiện sau khi tước?

Đó là điều cần phải làm để góp phần bình ổn thị trường. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép và hậu kiểm cũng cần chặt chẽ.

Theo tôi, sau khi hết thời hạn tước giấy phép, với việc cấp phép lại, cơ quan quản lý cần siết chặt hơn, để các doanh nghiệp có bài học thích đáng.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là tháng 7 và tháng 8 vừa qua, giá xăng dầu tăng đột biến, có ý kiến nghi ngờ rằng, biết đâu doanh nghiệp được rút giấy phép để “nghỉ chơi” 1 - 2 tháng vì càng nhập, càng lỗ… ông nghĩ sao về điều này?

Đúng! Bởi họ không phải tham gia vào thị trường, tức là không phải bán lỗ. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm với hệ thống của họ. Đến nay, việc tước giấy phép của 7 doanh nghiệp đầu mối thời điểm tháng 7 chưa có báo cáo nào về tác động hay ảnh hưởng đến hệ thống.

Vì vậy, tôi luôn nhấn mạnh sự minh bạch thông tin từ phía cả cơ quan điều hành và doanh nghiệp. Đây là điều bắt buộc, trong một lĩnh vực kinh doanh ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia…

Vậy, giải pháp nào để ổn định thị trường và giải quyết vấn đề bất ổn như hiện nay, thưa ông?

Tôi cho rằng, cơ chế, chế tài tương đối đầy đủ, vấn đề là tổ chức thực thi, điều hành sao cho tốt.

Trong đó, ngoài yếu tố thực hiện theo pháp luật, thì cần làm sao để doanh nghiệp đủ chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp họ cũng phải tính toán đến lợi nhuận, nếu lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường.

Bởi vậy, tôi kiến nghị cần sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức. Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, vì vậy nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá mà không tính toán theo biến động ngày.

Cảm ơn ông!

Tạm thời chưa tước giấy phép 5 doanh nghiệp đầu mối

Ngày 31/8, Thanh tra Bộ Công Thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 doanh nghiệp đầu mối, các công ty trực thuộc... với tổng số tiền phạt hơn 13,3 tỷ đồng.

Ngoài phạt tiền, còn áp dụng xử phạt bổ sung là tước quyền giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp trong một tháng gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương. Hiện 5 doanh nghiệp này chiếm trên 10% thị phần xăng dầu cả nước.

Lỗi của các doanh nghiệp này chủ yếu là do không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau nhiều cân nhắc, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của 100 triệu dân, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã thống nhất trước mắt xử phạt hành chính bằng phạt tiền với các doanh nghiệp này.

Còn hình thức phạt bổ sung là tạm thời tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp sẽ được áp dụng trong thời điểm phù hợp.

Trước đó, sau thông tin tước giấy phép kinh doanh tạm thời của 5 doanh nghiệp, Saigon Petro cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.