Xã hội

“Bến vua” cát cứ bờ sông ở TP.HCM: Lãnh đạo Cảng vụ đường thuỷ nói gì?

04/06/2022, 06:30

Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM khẳng định "đơn vị không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt đối các bến không phép".

Báo Giao thông vừa đăng bài “TP.HCM: Hàng chục “bến vua” cát cứ bờ sông, ai chống lưng?”, phản ánh việc tồn tại hàng chục bến thuỷ không phép dọc nhiều tuyến sông trên địa bàn TP.HCM, trong đó tập trung nhiều nhất ở 3 địa phương là TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Tại các bến thuỷ không phép này, tàu thuyền chở vật liệu hoạt động tấp nập, các bãi tập kết vật liệu chất cao như núi.

Quá trình tác nghiệp, PV thậm chí còn ghi nhận tình trạng bến thuỷ không phép công khai hoạt động ngay chốt trực của đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức.

Để làm rõ thông tin, Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM.

img

Đại diện 2, Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM chốt trực ngay đối diện một bến không phép trên đường Gò Nổi, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Cách chốt trực 100m là một bến cát không phép, cách 200m lại là một bến có phép nhưng vi phạm tràn lan.

Vì sao có tình trạng bến không phép hoạt động ngay gần chốt trực của đại diện 2, Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM?

-Đại diện 2 phụ trách địa bàn bao gồm các cảng, bến thủy nội địa hoạt động trên các tuyến sông, kênh, rạch tại TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ) do Sở GTVT quản lý.

Ngoài ra, còn làm nhiệm vụ tại các cảng, bến thủy nội địa hoạt động trên tuyến hàng hải do Cảng vụ hàng hải TP.HCM quản lý, như đoạn từ ngã 3 Đèn Đỏ đến ngã 3 rạch Ông Nhiêu. Vị trí này thuận lợi cho quá trình triển khai công tác giám sát và quản lý địa bàn được phân công.

Nhưng vì sao Cảng vụ không xử lý bến không phép?

Đối với bến không phép, Cảng vụ không có thẩm quyền xử phạt. Cảng vụ chỉ có thẩm quyền trong các bến đã được cơ quan chức năng cấp phép, mà cụ thể là Sở GTVT cấp phép.

Chẳng hạn tại bến Bạch Đằng, phát hiện có những vi phạm không đảm bảo an toàn… thì Cảng vụ mới có thẩm quyền xử phạt.

img

Núi cát khổng lồ tại Hóc Môn hiển thị trên cả Google Map trong bối cảnh TP.HCM không cấp phép khai thác cát trên địa bàn và cũng không có mỏ cát nào được đấu giá trong thời gian qua.

Vậy khi phát hiện bến không phép hoạt động, chẳng lẽ Cảng vụ không làm gì?

Nếu phát hiện bến không phép hoạt động, Cảng vụ sẽ tổng hợp cùng với Trung tâm đường thủy, Thanh tra sở GTVT để báo cáo lãnh đạo Sở GTVT.

Khi có yêu cầu của các lực lượng chức năng xử lý bến không phép, đề nghị Cảng vụ tham gia thì mới được quyền tham gia.

Vậy Cảng vụ có thông tin để CSGT đường thuỷ đến xử lý bến không phép này không?

Chúng tôi thường xuyên phối hợp thông tin với lực lượng CSGT đường thủy khi phát hiện phương tiện vào bến không phép hoặc bốc dỡ hàng hóa lên bến không phép.

Cụ thể, chúng tôi thường xuyên phối hợp thông tin đến Trạm 6, Phòng Cảnh sát đường thủy.

Nhưng thời điểm phát hiện sự việc và thời điểm Cảnh sát đường thuỷ đến để xử lý có độ trễ, do bên họ cũng có nhiều nhiệm vụ chứ không thể chỉ bố trí lực lượng canh bến không phép.

img

Bến cát tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn được cấp phép cho phương tiện thủy có tải trọng từ 1,8 tấn trở xuống cập bến nhưng thực tế thường xuyên nhận các sà lan cát, đá vài chục đến vài trăm tấn.

Dư luận cho rằng hiện nay rất khó để phát hiện bến nào có phép, bến nào không phép. Lý do là danh sách các bến đã được gia hạn hoặc các bến hết hạn chỉ có các cán bộ Cảng vụ và Trung tâm đường sông của Sở GTVT nắm được?

Danh sách các bến thủy nội địa đã được cấp phép, đã gia hạn hoặc đã hết hạn luôn được chúng tôi cập nhật và phối hợp đối kiểm với lực lượng Cảnh sát đường thủy.

Tuy nhiên, do đặc thù về hành trình đường sông, khi muốn xử lý bến không phép thì phải nhận diện được chính xác. Mà hiện nay, đang tồn tại tình trạng bến không phép nằm gần bến có phép.

Dưới đường sông, các đơn vị phụ trách xử lý quyết liệt nhưng cần sự vào cuộc của cả địa phương.

Khi địa phương nhận được thông báo về bến không phép và đề nghị hỗ trợ cũng cần quyết liệt xử lý, yêu cầu chủ bến không phép giải tỏa, trả lại hiện trạng cũ ngay. Đồng bộ như vậy mới xử lý triệt để bến không phép được.

Tuyệt đối không có chuyện du di cho sai phạm hay bảo kê gì ở đây cả, Cảng vụ, Thanh tra và Cảnh sát đường thủy không đơn vị nào làm chuyện đó.

Trước đó Báo Giao thông có bài viết: Hàng chục "Bến vua" cát cứ bờ sông, ai chống lưng? Phản ánh tình trạng hàng chục bến thuỷ, bến vật liệu xây dựng không phép ngang nhiên hoạt động ở TP.HCM trong nhiều năm qua. Trả lời Báo Giao thông, Thượng tá Đặng Hữu Tiến, Phó phòng Cảnh sát đường thuỷ, Công an TP.HCM nói rằng các bến này hoạt động lén lút, ban đêm tàu cập bến đổ cát lên vài tiếng rồi đi. Cảnh sát đường thuỷ không có lực lượng để chốt trực 24/24h tại các bến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.