Thời sự

'Bệnh lạ' tái xuất nguyên nhân là ... gạo có độc tố

02/05/2014, 10:09

Qua xét nghiệm phát hiện các mẫu gạo, lúa của dân ở vùng 'bệnh lạ' Quảng Ngãi có hàm lượng độc tố aflatoxin cao gấp 25 lần tiêu chuẩn cho phép.

Gạo mốc, có độc tố

Liên quan đến căn bệnh “lạ" vừa tái phát ở Quảng Ngãi, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi vừa thông báo kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh-Y tế công cộng TP.HCM về các mẫu gạo được lấy ở vùng tái phát hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại hai xã Ba Điền và Ba Nam (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi)."

Mẫu gạo được cho đã bị nhiếm độc tố Aflatoxin
Mẫu gạo được cho đã bị nhiếm độc tố Aflatoxin

Theo đó, phát hiện có độc tố aflatoxin trong các mẫu gạo, lúa của dân ở những nơi xuất hiện bệnh này, hàm lượng cao gấp 25 lần so với mức quy chuẩn.

Đáng lo ngại là trong số 10 mẫu gạo, lúa được kiểm nghiệm đều nhiễm nấm mốc và độc tố nấm mốc aflatoxin G1, B1, G2 và B2.

Theo các chuyên gia hóa học, độc tố aflatoxin là một trong những tác nhân gây tổn hại đến gan, nội tạng nếu sử dụng quá mức cho phép có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nước xuất khẩu gạo hàng đầu, dân phải ăn gạo mốc để dính "bệnh lạ"

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) giám sát tại xã Ba Nam, huyện Ba Tơ cho biết hầu hết người dân trong xã có thói quen sử dụng gạo ủ; 7/9 hộ được kiểm tra có lúa bị ẩm, mủn, vón cục, đóng thành mảng có mốc trắng; gạo được xay từ lúa ủ, sẫm màu, mủn, có nhiều hạt đen, hạt mốc.

Một bệnh nhân nghi mắc bệnh lạ
Một bệnh nhân nghi mắc bệnh lạ

Điều đáng nói là, căn bệnh lạ thế giới chưa đâu gặp phải do ăn gạo mốc, lại xuất hiện ở một quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới, và gạo cũng thuộc loại rẻ nhất thế giới.

Thực tế cho thấy gạo nhiều, giá rẻ là vậy nhưng những hình ảnh người dân vùng sâu, vùng xa liên tục thiếu đói phải xin trợ cấp, phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm lại chẳng xa lại gì. Vậy nên có nơi dân phải ăn gạo mốc cũng là chuyện dễ hiểu.

Anh Phạm Văn Trói, 37 tuổi, ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, bệnh nhân vừa tái phát bệnh lạ được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Ăn gạo trắng hoài không sao, nhưng ăn lại gạo cũ thì bị bệnh lại. Sau khi gặt lúa, thì tôi phơi rồi mới bỏ vào bao cất. Nhưng chắc để lâu quá nên gạo bị ẩm rồi mốc luôn”.

Theo ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, vài tháng trở lại đây do ngưng cấp gạo trắng nên nhiều hộ dân vùng bệnh lạ quay trở lại ăn gạo cũ không được phơi và bảo quản cẩn thận nên phần lớn bị mốc.

Được biết, hiện ngành y tế Quảng Ngãi đang phối hợp với địa phương thu hồi lượng gạo mốc và xin hỗ trợ gạo trắng cho người dân sử dụng.

Hội chứng viêm da, dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận từ ngày 19/4/2011 tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Tính đến cuối tháng 4/2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 232 trường hợp tại hai huyện  Ba Tơ và Sơn Hà. Tử vong 14 trường hợp có hồ sơ bệnh án.

Mai Anh (Tổng hợp)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.