Xã hội

Bí ẩn mộ Trạng Trình ở đâu?

02/02/2020, 15:55

Nhiều người vì những động cơ, mục đích khác nhau tung tin tìm thấy mộ cụ mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...

img
Bùi Thị Hiền, thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo tung tin tìm thấy mộ Trạng Trình để hành nghề mê tín

Hơn 400 năm qua, mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - người được mệnh danh “nhà tiên tri số một Việt Nam” ở đâu vẫn là một ẩn số. Cũng đã nhiều lần, nhiều người vì những động cơ, mục đích khác nhau tung tin tìm thấy mộ cụ, tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào tìm hiểu thì các thông tin này đều không chính xác.

Tự ý khai quật mộ, tự xưng danh Trạng Trình

Danh nhân văn hóa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là biểu tượng của truyền thống hiếu học. Do đó, việc xác định, tìm mộ Trạng Trình cần phải được tiến hành một cách khoa học chứ không chỉ dựa vào một vài thông tin thiếu xác thực. Thời gian qua, có nhiều người tung tin tìm thấy mộ Trạng Trình với những chứng cứ mông lung nhưng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Qua nhiều vụ việc, với chuyên môn ngành bảo tàng, tôi khẳng định đều là những vụ tung tin thất thiệt tìm thấy mộ Trạng Trình để lợi dụng hành nghề mê tín dị đoan”.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng


Những ngày cuối tháng 12/2019, tại Hải Phòng lại rộ lên tin đồn tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến dư luận xôn xao. Theo đó, từ 0h30 đến 9h ngày 26/12/2019, người nhà ông Đỗ Văn Thạc và ông Đỗ Quang Định (SN 1978, trú tại ngõ 239 đường Lê Lợi, TP Hải Phòng, là anh họ ông Thạc) tự ý thuê máy xúc, tiến hành khai quật phần đất đầu tuyến đường sản xuất trục chính nội đồng tại thôn 8, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo (khu vực được xác nhận là khu nghĩa địa cũ của thôn).

Sau khi dùng máy xúc đào khoảng 15m3 đất, nhóm người này đã phát hiện 2 vật thể dưới đất là quan tài gỗ. Sau đó, ông Đỗ Quang Định tự xưng là Trạng Trình và yêu cầu gặp cơ quan có thẩm quyền để nói chuyện.

Tại thời điểm này, một số người có hiện tượng bị “vong nhập” kêu gào thảm thiết, thậm chí còn lấy cốc thủy tinh tự đập vào trán mình, sau đó quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, làm cho người dân hiếu kỳ kéo đến xem.

Nhận được tin báo, Công an huyện Vĩnh Bảo phối hợp chính quyền địa phương xuống hiện trường thì các đối tượng bị “vong nhập” lập tức bỏ chạy; còn lại một số người bị thương do tự đập cốc thủy tinh vào trán được đưa đến bệnh viện điều trị và ông Đỗ Quang Định được đưa về trụ sở UBND xã làm việc.

Công an huyện Vĩnh Bảo và Công an xã Hòa Bình phối hợp chính quyền địa phương vận động bà con nhân dân rời khỏi hiện trường; đồng thời, yêu cầu đại diện nhóm người đào mộ thuê người san lấp, trả lại hiện trạng ban đầu và tổ chức một số nghi lễ theo phong tục tập quán của địa phương.

Đại diện Công an huyện Vĩnh Bảo cho biết, quá trình làm việc, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ rõ, đây rất có thể là hành vi phá hủy công trình đường sá của địa phương, hoặc hành vi tự ý khai quật không xin phép chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, không có căn cứ nào để nói đây là nơi đặt mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì vị trí này là bãi bồi ven biển hình thành hơn 100 năm nay, trong khi Trạng Trình mất cách đây hơn 434 năm. Do đó, Công an huyện yêu cầu người dân phải tỉnh táo, tránh nghe theo lời lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ lợi dụng mê tín dị đoan để phục vụ động cơ cá nhân.

Lợi dụng để buôn thần bán thánh

img
Một số người cho rằng đây là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng các cơ quan chức năng khẳng định đây là thông tin thất thiệt (Ảnh chụp năm 2017)

Vụ rộ thông tin tìm thấy mộ Trạng Trình vừa qua chỉ là một trong nhiều vụ người dân tự ý đào mồ mả rồi tung tin đó là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xảy ra trong thời gian qua. Trước đó, ngày 22/2/2017, bà Bùi Thị Hiền, thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo thông báo đã cùng với nhà ngoại cảm tìm thấy mộ Trạng Trình ở vườn nhà.

Ngay lập tức, khu vườn nhà bà Hiền tấp nập với sự xuất hiện của những nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí, công an và hàng trăm người dân đổ về, trông ngóng một sự kiện “trọng đại”. Trong số những nhà khoa học xuất hiện tại đây có PGS. TS. Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người. Sự kiện này khiến UBND huyện Vĩnh Bảo phải cử lực lượng công an, các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương tới bảo đảm ANTT.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về một ngôi mộ mà bà Hiền đã khai quật, thì trong ngôi mộ có một chiếc quan tài bằng gỗ, hình hộp chữ nhật, có chiều dài gần 1m, chiều rộng 4 cạnh khoảng 20cm. Bật nắp quan tài, qua xem xét, nghiên cứu tại chỗ, PGS. TS Nguyễn Lân Cường khẳng định bộ hài cốt trong quan tài này là “xương của một trẻ em”. Ngoài ra không có cổ vật, bảo vật gì trong chiếc quan tài nói trên.

Thế nhưng, bà Hiền vẫn đưa chiếc quách gỗ này lên Hà Nội để “nghiên cứu” sau đó chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hải Phòng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng khẳng định: “Tôi là người chứng kiến việc nghiên cứu tổ chức tại Bảo tàng Hải Phòng. Chẳng có chữ nào trên thanh tre đó cả. Đặc biệt là chi tiết có bộ xương nguyên sọ trong chiếc hộp gỗ mọi người gọi là “quách” rất vô lý. Cái hộp chỉ rộng 15 cm, làm sao đựng vừa chiếc sọ người chứ chưa nói là cả bộ xương?”.

Sau đó, chính quyền TP Hải Phòng khẳng định thông tin tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là hoàn toàn không có căn cứ. Tuy vậy, sau đó bà Hiền cùng một số “con nhang đệ tử” vẫn tiếp tục lén lút tuyên truyền rằng đó là mộ Trạng Trình để từ đó hành nghề mê tín.

Nhà tiên tri số một Việt Nam và bí ẩn nơi an táng

Thời gian qua trên địa bàn huyện có nhiều vụ người dân tung tin tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập trung đông người gây mất ANTT địa phương. Huyện đã báo cáo thành phố đồng thời triển khai nhiều biện pháp, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm mồ mả, gây mất ANTT.
Ông Phạm Quốc Ka, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo


Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Sử học TP Hải Phòng, Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Theo sử sách, Nguyễn Bỉnh Khiêm to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi. Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi danh khắp vùng về tài học rộng, biết nhiều nhưng kiên quyết không ra ứng thí. Tới năm 1535, dưới thời Vua Mạc Đăng Doanh, thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngoài 40 tuổi.

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Trong gần 20 năm (từ 53 đến 73 tuổi), Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ở hẳn kinh sư nhưng vẫn đảm nhiệm nhiều việc triều chính. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Ông học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước”.

Sử sách đều thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, coi ông là nhà tiên tri số một nước Việt. Ông từng đưa ra lời sấm bảo nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, sau khi thất thủ ở Thăng Long, sẽ tồn tại ba đời. Quả nhiên, điều này đúng. Ông còn khuyên Trịnh Kiểm “giữ chùa thờ Phật được ăn oản”, tìm người trong tông thất nhà Lê lập làm vua. Nhà Trịnh làm theo và từ đó nối đời cầm quyền, nhưng danh nghĩa vẫn là tôn phò nhà Lê.

Với nhà Nguyễn, từ khi Nguyễn Kim chết, Nguyễn Uông - con cả của Nguyễn Kim đã bị Trịnh Kiểm ám hại. Trước tình thế nguy nan, Nguyễn Hoàng (con trai thứ Nguyễn Kim) đã cho người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được câu ẩn ý “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân” (nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được). Nhờ đó, năm 1568 Nguyễn Hoàng đã xin họ Trịnh vào trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi dần xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở phương Nam.

Trong bài thơ Cự Ngao Đới Sơn, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, ông viết: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”. Câu này Trạng Trình nói với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.

Đến khi lui về quê, ông đã dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học bên cạnh sông Tuyết (hay sông Hàn) ở quê nhà. Vì vậy, sau này, các môn sinh tôn ông là “Tuyết Giang phu tử”. Ngày nay, nhiều trường học được đặt theo tên ông nhằm tưởng nhớ đến bậc thầy vĩ đại.

Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1585, khi Trạng mất, gia đình và học trò theo di huấn mang thi thể xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm mà Trạng đã căn dặn. Ngày hôm sau, tại Trung Am có tổ chức lễ viếng Trạng linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai.

“Từ đó tới nay, mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm táng tại đâu vẫn luôn là một bí ẩn, ngôi mộ thật của Nhà tiên tri số một Việt Nam luôn được bao phủ bởi một màn sương huyền bí”, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.