Xã hội

Bi hài mật phục, bắt quả tang "cái bang"

20/03/2015, 08:26

Lượng chức năng phải tổ chức mật phục, bắt quả tang, rồi gọi người làm chứng trước việc "cái bang" biến tướng

51
Người bán vé số trên đường Điện Biên Phủ

“Khoác áo” người bán vé số nhưng lại chìa tay xin tiền là một trong những biến tướng phổ biến, khiến cho cam kết “Quyết xử lý vấn nạn người ăn xin trước Tết Âm lịch” của ngành chức năng TP HCM sau ba tháng ra quân, trở nên xa vời.

Biến tướng

Những ngày sau Tết, trên đường phố TP HCM đã vắng bóng người ăn xin lang thang, vạ vật khắp các vỉa hè, các tụ điểm công cộng. Tuy nhiên, tại những ngã ba, ngã tư hay dọc theo một số tuyến phố, hàng ăn, quán cà phê... lại thấy xuất hiện nhiều người ăn mặc rách rưới, bồng theo con nhỏ hoặc bị tật nguyền, tay cầm xấp vé số chào mời... Khi chào mời mua vé số xong, các đối tượng này thường chèo kéo: “Làm ơn cho con ít tiền”.

Chiều ngày 18/3, trên đường Điện Biên Phủ, một người bồng con nhỏ và một người đàn ông ngoại ngũ tuần, hai chân bị cụt đến đầu gối buộc giẻ đều chọn ngã tư đường ngồi bán vé số. Nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đi đường đã dừng lại mua vé số hoặc cho tiền.

Bà Nguyễn Thị Bé, người bán hàng nước trên đường Điện Biên Phủ cho biết, những người đang bán vé số trước đây đều là ăn xin. Nay cơ quan chức năng xử lý ráo riết, họ chuyển sang bán vé số nhưng ăn xin vẫn mang lại thu nhập chính cho họ.

“Thử hỏi nhìn một người tật nguyền, hoặc nheo nhóc ôm con nhỏ ngồi rũ rượi giữa trưa nắng gắt, lại cầm tập vé số ế ẩm trên tay cất lời xin, thì ai không cho tiền?” -  Bà Bé nói.

Anh Nguyễn Tuấn Tú, người lái xe ôm trên đường Pasteur cho biết, tâm lý chung của mọi người là thấy người bán vé số khó khăn vẫn nỗ lực kiếm tiền, mọi người sẽ động lòng thương mà mua nhiều hơn, hoặc không mua vé số nhưng vẫn cho vài tờ tiền lẻ.

Xây dựng “chân rết” theo dõi ăn xin

Trước biến tướng tinh vi của đội ngũ ăn xin, bà Trần Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND phường 12, quận 10 cho biết, cứ một tháng bốn lần, phường tổ chức lực lượng, đưa xe đi đến các điểm chùa chiền, nhà thờ, công viên... đưa những người ăn xin, lang thang cơ nhỡ về trung tâm bảo trợ xã hội.

Để chống “ăn xin biến tướng”, phường xây dựng đội ngũ “chân rết” dày đặc, từ bảo vệ dân phố đến người dân, đặc biệt là đội ngũ lái xe ôm để quan sát, theo dõi những người ăn xin, lang thang, hễ phát hiện ăn xin xuất hiện hoặc biến tướng là gọi về “đường dây nóng” để phường đến đưa những người này về trung tâm. Từ đầu năm đến nay, phường 12, quận 10 đã rà soát đưa được 17 đối tượng ăn xin, lang thang về trung tâm bảo trợ xã hội.

Đà Nẵng giúp đỡ người ăn xin chuyển đổi nghề

Năm 2014, Đà Nẵng đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội 61 trường hợp lang thang xin ăn, 39 người tâm thần chuyển vào trung tâm điều dưỡng và đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý hai kẻ có hành vi lợi dụng, chăn dắt người khuyết tật để bán hàng rong kết hợp xin ăn, 143 người còn lại bị các cơ quan chức năng xử lý cảnh cáo, nhắc nhở và trả về địa phương.

Để có kết quả trên, Đà Nẵng đã triển khai kiểm soát, xử lý người lang thang, xin ăn, đặc biệt xin ăn biến tướng; “thưởng nóng” cho người dân cung cấp tin tố giác người lang thang, xin ăn; ngành chức năng tổ chức rà soát, phân loại, nắm danh sách đối tượng buôn bán hàng rong ở các địa phương để gặp gỡ, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ chuyển đổi việc làm phù hợp; thực hiện lồng ghép vào các chương trình, dự án để cho vay vốn, hỗ trợ các chính sách xã hội...

Nga Dương

Tuy nhiên, bà Ngọc cũng thừa nhận, việc xử lý người ăn xin, cơ nhỡ không dễ dàng, vì họ thường chọn những điểm giáp ranh giữa hai phường để hoạt động, thậm chí có người giả vờ câm điếc hay cố tình tỏ ra là người nước ngoài không hiểu tiếng Việt, không chịu hợp tác khi làm việc.

Ông Lê Tấn Đạt, Phó Chủ tịch phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, phường có công viên 23/9 tiếp giáp với hai bến xe buýt nên các đối tượng lang thang xin ăn thường xuyên tập trung. Ngày nào phường cũng đều có hai ca thay phiên nhau bao gồm công an và bảo vệ dân phố đi rà soát và khuyến khích đội ngũ “chân rết” quan sát tình hình, báo cáo về phường.

Từ tháng 5/2014 đến nay, phường Phạm Ngũ Lão đã gom được 74 người, trong đó có rất nhiều đối tượng vi phạm hình sự và các tệ nạn xã hội.

“Sau khi đưa những người lang thang về phường, phía y tế sẽ kiểm tra, nếu có đối tượng dương tính với ma túy, HIV sẽ được đưa vào Trung tâm Thanh thiếu niên 2 để giúp họ cắt cơn, giải độc và điều trị. Những người lang thang khác sẽ xác định nơi đăng ký thường trú để trả về địa phương hoặc đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội” - Ông Đạt cho biết.

Với những người ăn xin biến tướng, ông Đạt thừa nhận việc xử lý khó khăn hơn vì “họ đòi hỏi cán bộ phải đưa ra hình ảnh chứng minh họ xin tiền thì mới thuyết phục được họ và đưa về phường”, khiến nhiều khi lực lượng chức năng khi nhận được tin báo phải tổ chức mật phục, bắt quả tang, rồi gọi người làm chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.