Kinh tế

Bí kíp để kinh tế Việt Nam tự chủ

30/08/2014, 07:06

Trò chuyện với PV Báo Giao thông về chủ đề tự chủ kinh tế trong thế giới hội nhập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh sự vươn lên, nâng tầm của các doanh nghiệp Việt Nam...

TIN LIÊN QUAN

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


Việt Nam vẫn tự chủ về kinh tế 


Bà nhận định thế nào về sự tự chủ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?


Theo tôi, sự tự chủ kinh tế của một đất nước là ở các vấn đề hoạch định, đường hướng phát triển, chính sách vĩ mô, tất nhiên nó phải phù hợp với các cam kết quốc tế và hội nhập nữa. Hiện Việt Nam vẫn giữ được sự độc lập trong đường hướng, lập pháp, tư pháp, chính sách phát triển, tức nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự tự chủ. Trong toàn cầu hóa, không nước nào có thể làm trọn vẹn mọi thứ để cung cấp cho nền kinh tế, do đó việc phối hợp, liên kết với nước khác để cùng phát triển kinh tế là xu thế tất yếu.


Hiện Việt Nam cũng đáp ứng xu thế tất yếu này trong quá trình phát triển của mình, đa dạng hóa, đa phương hóa. Hiện Việt Nam buôn bán với hơn 200 nước trên thế giới, tiếp nhận đầu tư từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận viện trợ ODA từ 40 tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước...

Việt Nam không chỉ có quan hệ xuất, nhập khẩu với nhiều nước trên thế giới mà còn đang đầu tư ra ngoài với nhiều phương thức kinh doanh đa dạng. Nhiều sản phẩm Made in Vietnam nhưng đầu vào lại của nhiều nước như da giày, dệt may. Ngay cả những mặt hàng cơ bản hoàn tất ở Việt Nam nhưng đầu vào vẫn có nhân tố bên ngoài đóng góp như lúa gạo, thủy sản, gia cầm… 


Tuy nhiên, xét trên một số ngành hàng, lĩnh vực, dự án, thì thấy Việt Nam không còn ở ngưỡng phụ thuộc, lệ thuộc. 

Cụ thể sự lệ thuộc của Việt Nam ở một số ngành hàng, lĩnh vực, dự án là như thế nào?


Như hiện nay Việt Nam bị phụ thuộc với mức độ ngày càng nặng nề vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực cụ thể:  Thứ nhất, khoảng 90% dự án lớn và quan trọng ở Việt Nam đang rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, toàn là những dự án điện, giao thông, hóa chất... Các nhà thầu Trung Quốc có “ưu điểm” bỏ thầu giá rất thấp để trúng thầu; Rồi khi triển khai thì dây dưa, để đội giá dự án gấp rưỡi, gấp đôi, gấp ba, khiến giá Việt Nam phải trả cho nhà thầu Trung Quốc đắt hơn rất nhiều, chưa kể vốn bị ứ đọng, mất thời gian...

Những dự án do Trung Quốc làm tổng thầu thì doanh nghiệp Việt Nam đừng mong có cơ hội “chen chân”, bởi không chỉ đưa thiết bị, máy móc sang, họ còn đưa lao động, dù theo quy định, lao động giản đơn phải là lao động tại chỗ; Thậm chí họ còn mang đồ ăn, thức uống sang... Vì thế, phía Việt Nam cũng không thể học hỏi được kinh nghiệm gì chứ nói gì đến được chuyển giao công nghệ. 
 

"Cuối tháng 11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi, đưa tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, thứ hai mới đến giá cả. Đây là công cụ để các cơ quan xem xét chọn thầu về mọi mặt chứ không thể nhắm mắt chọn Trung Quốc chỉ vì giá rẻ và Nhà nước cũng đang điều chỉnh những dự luật về đầu tư công đòi hỏi tính minh bạch, trách nhiệm giải trình cao hơn...”.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Thứ hai, về nhập khẩu, đầu vào cho một loạt các ngành quan trọng: Dệt may, da giày, điện tử, hóa chất các loại, phôi thép cho ngành thép, thức ăn chăn nuôi, nông dược… của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc khiến giá trị gia tăng hàng xuất khẩu bị hạn chế.

Như dệt may Việt Nam đứng thứ hai thế giới, mỗi năm thu về 20 tỷ USD, nhưng lợi nhuận thu được rất ít từ hàng chục USD xuất khẩu của các mặt hàng này thôi, nói cách khác chỉ như xuất khẩu hộ Trung Quốc, trong khi lại chịu rủi ro rất cao nếu họ tăng giá, ép giá, chất lượng sản phẩm không đảm bảo...

Thứ ba, về xuất khẩu, một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như: Gạo, sắn, cao su, hoa quả tươi, khoáng sản thô...  và nếu phía Trung Quốc thay đổi kế hoạch nhập khẩu, lập tức hàng hóa Việt Nam ế ẩm, phải đổ bỏ.
 

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chậm tiến độ khiến tổng mức đầu tư bị đội lên cao
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chậm tiến độ khiến tổng mức đầu tư bị đội lên cao


Dễ dãi dung dưỡng thói quen xấu

Theo bà, vì sao nhiều ngành, lĩnh vực ở Việt Nam lại lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như vậy?


Lý do chính Việt Nam lệ thuộc trong cả xuất, nhập khẩu ở nhiều ngành nghề với Trung Quốc chính là sự dễ dãi. Phía Trung Quốc đang tạo thói quen xấu cho doanh nghiệp Việt Nam khi chấp nhận hàng Việt xuất khẩu sang rất dễ dãi, không đòi hỏi chất lượng, chuẩn mực. Doanh nghiệp Việt Nam quen xuất khẩu theo lối dễ dãi này rất nguy hiểm, vì khi Trung Quốc không nhập hàng nữa, hàng Việt muốn chuyển sang thị trường khác cũng khó, bởi khó đạt tiêu chuẩn tối thiểu mà các nước khác yêu cầu. 


Đối với hoạt động nhập khẩu cũng vậy, phía Trung Quốc nuôi dưỡng thói quen xấu dễ dãi cho doanh nghiệp Việt, khiến doanh nghiệp Việt chỉ quen mua ở Trung Quốc thôi vì hợp đồng đơn giản, thanh toán dễ dãi, tiền Việt Nam cũng được, nhân dân tệ cũng xong.

Giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc  thanh toán tiền mặt rất nhiều, điều này làm thất thu thuế, gia tăng buôn lậu hai chiều. Năm 2013, chênh lệch thương mại xuất nhập khẩu theo báo cáo hải quan hai nước chênh nhau tới 5 tỷ USD, phía Trung Quốc kê khai cao hơn Việt Nam, và thực tế số buôn lậu này có thể nhiều hơn vì hải quan Trung Quốc nhiều khi không thể nắm hết.

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để không bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, thưa bà?


Trước tiên, chúng ta đừng ham rẻ. Nếu nhập hàng từ Trung Quốc với giá rẻ, đương nhiên đi cùng giá rẻ là chất lượng thấp và khi đó, dù giá thành sản phẩm rẻ thì Việt Nam cũng không thể bán được hàng hóa cho ai ngoài Trung Quốc, đây là một vòng luẩn quẩn khiến doanh nghiệp Việt Nam mãi mãi ở tầm thấp, ngày càng lún sâu vào lệ thuộc. 


Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc là minh chứng cho câu nói “tiền nào của nấy” của tiền nhân. Trường hợp hai trạm biến áp vừa nổ ở Bắc Giang là một ví dụ, ta đã chọn mua thiết bị của Trung Quốc vì mức chào giá chỉ bằng 60% so với mức giá chào của Pháp, nhưng Pháp bảo hành 30 năm, Trung Quốc bảo hành hai năm và đúng hai năm khi hết hạn bảo hành thì trạm biến áp nổ. Như vậy trả 60 đồng cho 2 năm sử dụng có rẻ hơn trả 100 đồng cho 30 năm?

Doanh nghiệp Việt cũng cần chấp nhận trả giá cao hơn cho hàng chất lượng, có cung cách làm ăn đàng hoàng. Bởi khi Việt Nam đạt được tiêu chuẩn yêu cầu cao về chất lượng, thì khi có rủi ro, ta có thể dễ dàng tìm kiếm thị trường thay thế. 

Về phía chính sách, bà có đề xuất gì để giữ sự tự chủ cho nền kinh tế trong nước?


Theo tôi, chính sách hiện hành phải nâng hàng rào kỹ thuật đối với đầu vào để ngăn đầu vào xấu từ Trung Quốc, không để hàng kém chất lượng vào Việt  Nam; Đồng thời siết chặt chuẩn hàng hóa đầu ra, tăng cường thanh tra, giám sát. Ở giai đoạn đầu khi kêu gọi doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa lên, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp xem xét chọn thầu, có định hướng cho doanh nghiệp, hỗ trợ vốn... Ngoài ra, ta tiếp tục xúc tiến thương mại, mở mang thêm quan hệ kinh tế với các nước trên toàn thế giới. 

Xin cảm ơn bà!

An Na (Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.