Hồ sơ tài liệu

Bí mật về sức mạnh tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên

02/07/2014, 16:15

Chưa rõ liệu Triều Tiên phóng tên lửa với hành động khiêu khích có phải là chủ ý của nước này trước chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc hay không?

Ngày 25/6/2014 vừa qua, Triều Tiên đã phóng ba quả tên lửa tầm ngắn, tên lửa được bắn đi từ thị trấn Wonsan ở phía đông Triều Tiên và bay khoảng 190 km trên vùng biển Nhật Bản. Đến ngày 29/6, hãng tin AFP trích lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên vừa phóng hai tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản khoảng 5h sáng từ bờ biển phía Đông của nước này” tuy nhiên, không cho biết rõ loại tên lửa Triều Tiên phóng ra. 

Theo phía Hàn Quốc, chưa rõ liệu Triều Tiên thử nghiệm các loại vũ khí mới hay phóng tên lửa có phải là hành động khiêu khích có chủ ý trước chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc. Điều này cũng làm dấy lên lời đồn đoán về việc Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4, một bước đi cần thiết trong tiến trình nước này chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa.

Cho đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân, lần lượt vào tháng 10/2006, tháng 5/2009, và gần đây nhất vào ngày 12/2/2013. Lượng plutonium còn lại sau 3 lần thử (khoảng 40kg) đủ để sản xuất 10 đầu đạn hạt nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ thì với vụ nổ ngày 12/2/2013, công suất từ 4 đến 15 kiloton, Triều Tiên đã thu nhỏ được vũ khí hạt nhân, nhờ đó, có khả năng lắp một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa Nodong với tầm bắn 1.280km, đủ bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản.

Nhưng đó là với tên lửa tầm trung. Còn với tên lửa đạn đạo tầm xa thì mọi việc hoàn toàn khác.

Cuối năm 2012, Triều Tiên phóng thành công tên lửa mang Unha-3 mang vệ tinh nhân tạo Kvanmenson-3 vào quỹ đạo quanh trái đất. Unha-3 chính là biến thể 3 tầng của tên lửa đạn đạo Tekhodong-2 mà nước này đã từng thử nghiệm. Theo các chuyên gia Mỹ, loại tên lửa này có tầng 1 là tên lửa DF-3 của Trung Quốc hoặc là một khối 4 động cơ kiểu  tên lửa Nodong, còn tầng 2 là tên lửa Nodong-1.

Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên

Lần thử nghiệm tên lửa ba tầng Tekhodong-1 đầu tiên được tiến hành vào tháng 8/1998 đã thất bại, mặc dù tầng 1 và tầng 2 của tên lửa hoạt động bình thường. Tên lửa này có chiều dài khoảng 24 đến 25m, trọng lượng phóng khoảng 22 tấn và đã bay được 1.600km.

Tầng 1 của tên lửa là Nodong-1; tầng 2 chính là động cơ của tên lửa phòng không Liên Xô SA-5 trong tổ hợp tên lửa phòng không S-200; tầng 3 cũng là tổ hợp tên lửa đã lạc hậu Tochkha của Liên Xô. Chương trình Tekhodong-1 chủ yếu mang tính khoa trương vì tầng 2 của tên lửa này không thích hợp cho việc mang vũ khí hạt nhân, sai số xác suất vòng tròn lên đến nhiều km, tầm bay tối đa của tên lửa chỉ trên 2.000 km.

Chương trình Tekhodong-2, lần thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào tháng 7/2006 cũng không thành công (tên lửa chỉ bay được 42 giây và chỉ bay được 10 km). Có rất ít thông tin về các đặc tính kỹ thuật của tên lửa này, ngay cả trọng lượng phóng cũng chỉ được đánh giá trong khoảng 60 đến 85 tấn (theo tính toán của Nga là 65 tấn).

Tuy nhiên, qua phân tích kết quả các lần phóng Tekhodong-2 sau này, các nhà khoa học đã xác định được các tham số kỹ – chiến thuật của tên lửa Unha-2 phóng tháng 12/2012: dài 30m; trọng lượng phóng hơn 80 tấn; tầng 1 của tên lửa vẫn là khối gồm 4 động cơ Nodong; tầng 2 có vẻ giống như tên lửa xuất xứ Liên Xô R-27 và tầng 3 có lẽ là Khvason- 5 hoặc Khvason-6.      

Tên lửa Tekhodong
Tên lửa Tekhodong

Như vậy, việc Triều Tiên nghiên cứu chế tạo tên lửa 2 tầng hoặc 3 tầng kiểu Tekhodong đã không còn là huyền thoại, và khả năng quốc gia này chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa là hoàn toàn có thể trong tương lai trung hạn.

Tuy nhiên, để chế tạo được tên lửa đạn đạo tầm xa thì rào cản kỹ thuật lớn nhất là vấn đề đảm bảo khả năng chịu nhiệt cho đầu tác chiến của tên lửa. Khác với các tên lửa tầm trung chỉ cần đạt độ cao tối đa không quá 300 km, các đầu tác chiến của tên lửa đạn đạo tầm xa phải đạt độ cao 1.000 km so với bề mặt của Trái đất ở đỉnh của quỹ đạo. Tốc độ của các đầu tác chiến khi đi vào tầng trên cùng của bầu khí quyển ở tuyến quỹ đạo cuối sẽ vào khoảng vài km/s.

Nếu không có lớp vỏ chịu nhiệt tốt bảo vệ thì khi nhiệt độ tăng cao do cọ xát với không khí, thân đầu tác chiến sẽ bị phá hủy. Hiện nay chưa có thông tin nào khẳng định là Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo lớp vỏ bảo vệ chịu nhiệt cho các đầu tên lửa. Ngoài ra, một tính năng quan trọng nữa của tổ hợp tên lửa là khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Trong trường hợp công tác chuẩn bị để đưa tổ hợp vào tác chiến kéo dài quá lâu thì xác suất bị phát hiện và bị đối phương tiêu diệt là rất cao, chính vì thế buộc phải hy sinh cự ly bắn tối đa để giảm thời gian chuẩn bị phóng tên lửa. Mặt khác, với sai số xác suất vòng tròn tới 2,5 km (hoặc hơn) thì hiệu suất công phá của đầu tác chiến không lớn. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương rất mạnh và tên lửa Triều Tiên hầu như không có cơ hội vượt qua được hệ thống phòng thủ đó.

Theo các chuyên gia Nga thì chương trình Tekhodong-2 của Triều Tiên đã thất bại, và hiện nước này chỉ có loại tên lửa Nodong và Skad của Nga với tầm bắn khoảng 1.500-2000 km. Như vậy, về mặt kỹ thuật thì khả năng xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ cũng như một cuộc chiến tranh hạt nhân như Triều Tiên thường tuyên bố là không thể xảy ra, ít nhất là trong tương lai trung hạn.

Thực ra, những lời tuyên bố hiếu chiến của Triều Tiên chỉ có lợi cho Mỹ trong việc tạo cớ để Mỹ phát triển các chương trình quân sự của mình ở khu vực  Châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ triển khai tại khu vực này là nhằm chống lại Nga và Trung Quốc chứ hoàn toàn không phải để đối phó với Triều Tiên.

Nguyên Phong

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.