Thế giới giao thông

Biến trạm dừng nghỉ thành điểm du lịch, lợi nhuận tỷ đô

11/09/2022, 09:00

Tại Hàn Quốc, trạm dừng nghỉ trên cao tốc không chỉ là nơi dừng chân uống nước, nạp năng lượng cho hành trình dài.

Nhiều trạm tại nước này đã được phát triển đến mức trở thành điểm hấp dẫn du lịch.

Lợi nhuận lên tới hàng tỷ USD

Hàn Quốc bắt đầu xây dựng trạm dừng nghỉ đầu tiên mang tên “Khu Dịch vụ Chupungnyeong” từ năm 1971. Khi đó, đây chỉ là một khu dịch vụ nhỏ, bán mỳ và mực khô. Trong dịp lễ Tết, người dân về quê thường chọn đây làm nơi dừng chân, nghỉ tạm để ăn đồ mang từ nhà đi.

Nhưng bắt đầu từ những năm 2000, hoạt động xây dựng trạm dừng nghỉ đã phát triển nhanh chóng, cung cấp đa dạng dịch vụ, thậm chí còn được thiết kế theo nhiều chủ đề để thu hút khách du lịch.

img

Hình ảnh thiết kế một trạm dừng nghỉ thông minh có trạm sạc cho xe điện tại Hàn Quốc

Hiện tại, các trạm dừng nghỉ dọc đường cao tốc Hàn Quốc do Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) hoạch định và quản lý, đầu tư.

Các công ty tư nhân sẽ vận hành dịch vụ bên trong khu dừng nghỉ, còn Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc trực thuộc MOLIT sẽ quản lý các tòa nhà nằm trong khu vực, đánh giá mức độ vận hành của các công ty này. Các đơn vị tư nhân sẽ phải cải thiện môi trường khu dừng nghỉ để thu hút khách hàng và không bị đơn vị quản lý đánh giá thấp.

Dọc các tuyến đường cao tốc ở Hàn Quốc, thông thường có 3 loại trạm dừng nghỉ: Lớn nhất là những trung tâm dịch vụ đa chức năng, sau đó là trạm dừng nghỉ cơ bản và cuối cùng các trạm dừng nhỏ, chỉ đơn thuần cho phép lái xe dừng chân nghỉ ngơi khoảng 15 - 20 phút, hạn chế tình trạng mệt mỏi do lái xe quá lâu, giảm TNGT.

Xét về kinh tế, các khu dịch vụ quy mô lớn mang lại lợi nhuận khá cao. Theo thống kê gần đây nhất, cách đây 5 năm, 189 trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Hàn Quốc đã tạo ra 1.300 tỷ won (khoảng 1,1 tỷ USD) lợi nhuận.

Để làm được điều này, Hàn Quốc không chỉ kết hợp đưa các sản vật, đặc sản nổi tiếng của địa phương vào phục vụ hành khách, góp phần quảng bá cho chính địa phương mà còn cung cấp nhiều dịch vụ như khu mua sắm, khu vui chơi cho trẻ em, nơi ngủ nghỉ, nơi cắm trại, xông hơi… với thiết kế rất đa dạng, độc đáo.

Chẳng hạn như ở Trạm dừng nghỉ Dịch vụ sinh thái Deokpyeong - nơi được đánh giá mang về lợi nhuận cao nhất, từ một khu vực bị bỏ hoang, nơi đây được xây dựng thành khu dịch vụ hoành tráng theo chủ đề công viên bao gồm một khu vườn rộng lớn để hành khách hòa mình vào thiên nhiên.

Khi hành khách tới đây vào buổi tối, Deokpyeong sẽ sáng bừng với Công viên Ánh sáng được trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật ánh sáng, những bức tượng đa màu sắc, một sân chơi chủ đề vũ trụ cho trẻ, đường hầm ánh sáng dành cho các đôi uyên ương dạo chơi.

Bên cạnh đó, nơi đây còn có khoảng 30 cửa hàng quần áo (chiếm 40% trong tổng lợi nhuận).

Thu hút người trẻ tham gia kinh doanh

Để luôn có ý tưởng sáng tạo, Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc còn thu hút các nhân tài trẻ mở dịch vụ tại các cơ sở này.

Cách đây vài năm, Chi nhánh của Tổng công ty tại Gangwon đã tổ chức cuộc thi thu hút những người trẻ có đam mê kinh doanh, khoảng 20 - 35 tuổi, có ý tưởng sáng tạo tốt nhưng còn thiếu vốn để khởi nghiệp.

Khi được chọn, họ sẽ nhận được nhiều quyền lợi như được tài trợ toàn bộ chi phí thiết kế nội thất, giảm phí thuê mặt bằng, có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ quảng bá và có thể vận hành hoạt động kinh doanh tại đây lên tới 2 năm. Nếu kinh doanh có lãi, người trẻ sẽ có cơ hội ký hợp đồng thuê để chính thức mở cửa hàng bên trong trạm.

img

Bên trong trạm dừng nghỉ Dịch vụ sinh thái Deokpyeong có tới 30 cửa hàng quần áo

Anh Kim, 36 tuổi, là một trong những doanh nhân trẻ thế hệ đầu tiên tại các trạm dừng nghỉ, đang mở một cửa hàng thiết kế và bán búp bê gỗ Matryoshka của Nga ở trạm dừng nghỉ Hoengseong từ năm 2014.

Kim cho biết, mỗi tháng anh không chỉ thu về doanh số khoảng 5 - 6 triệu won mà còn được các cửa hàng đồ lưu niệm khác bên trong địa phương đặt hàng, mang về cơ hội mở rộng mạng lưới kinh doanh rất tốt.

“Nếu có được một cửa hàng tại trạm dừng nghỉ thì đây là cách rất dễ để quảng bá hàng hóa cũng như đánh giá phản ứng của thị trường”, anh nói.

Giảm mệt mỏi cho tài xế, nâng cao an toàn

Bên cạnh những khu dịch vụ quy mô lớn, từ năm 2011, Hàn Quốc còn xây dựng các trạm dừng nhỏ dọc đường cao tốc được gọi là “Nơi nghỉ chân cho tài xế mệt mỏi” đủ cho khoảng 10 - 15 xe dừng 1 lúc, với kinh phí trung bình chỉ khoảng 0,7 triệu USD, rẻ hơn từ 14 - 23 lần so với một trạm dừng chân đầy đủ dịch vụ (trung bình khoảng 16,1 triệu USD).

Ban đầu, khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ tại Hàn Quốc khá lớn khoảng 24 – 43km. Sau đó, khi có các trạm nhỏ, khoảng cách đã giảm xuống còn 12 – 22km.

img

Một công trình nghệ thuật bên trong công viên ánh sáng thuộc Trạm dừng nghỉ Dịch vụ sinh thái Deokpyeong

Theo nghiên cứu của Đại học Kentucky, Mỹ về hiệu quả của các trạm dừng nghỉ nhỏ tại Hàn Quốc đối với việc hạn chế tình trạng mệt mỏi của lái xe, kéo giảm TNGT, làm kinh nghiệm cho Mỹ, khi khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ tăng thêm 1km thì số vụ tai nạn cũng tăng.

Kết quả phân tích của MOLIT vào năm 2014 cho thấy, số người tử vong vì TNGT trên những đoạn cao tốc có trạm nhỏ đã giảm khoảng 36%, giảm từ 107 người trong năm 2013 xuống còn 68 người trong năm 2014.

Dựa trên kết quả này, MOLIT và Tổng Công ty Đường cao tốc Hàn Quốc đã tăng cường lắp đặt các trạm nhỏ, tính đến năm 2016 đã có tổng cộng 200 trạm loại này.

Ngoài đa dạng dịch vụ, MOLIT còn chủ trương đẩy mạnh xây dựng các trạm dừng nghỉ cơ bản nhưng kết hợp trạm sạc xe điện.

Năm 2019, Bộ này đã chủ trương đầu tư hơn 3 tỷ won (khoảng 2,5 triệu USD) cho mỗi trạm dừng nghỉ cơ bản. Khi hoàn thành, giới chức địa phương nơi quản lý mỗi đoạn đường trên tuyến cao tốc sẽ chịu trách nhiệm phát triển thêm các cơ sở bổ sung như khu vực quảng bá, các trung tâm văn hóa...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.