Y tế

“Biệt đội thiên thần” cứu bệnh nhân Covid-19 nơi cửa tử

26/08/2020, 11:46

Những y, bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP HCM) được ví như “biệt đội thiên thần”, họ đã cứu chữa thành công những trường hợp mắc Covid-19 tại Đà Nẵng.

img
20200818_123304.jpg

Hăng hái tham gia các đội phản ứng nhanh vào tâm dịch Đà Nẵng, những y, bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP HCM) được ví như “biệt đội thiên thần”, họ đã cứu chữa thành công những trường hợp mắc Covid-19 tưởng chừng không còn cửa sống.

Căng não tuyến đầu, mong manh sinh - tử

23h đêm, BS. Ngô Việt Anh (29 tuổi, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy) cùng điều dưỡng Lê Hữu Trạng đến từng phòng bệnh nhân 416, 742, 604… tại Khoa Hồi sức (BV Phổi Đà Nẵng) để trực tiếp kiểm tra. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, ai cũng giống nhau nếu không nhìn dòng chữ ghi tên trước và sau lưng áo. Y bác sĩ chăm chú cập nhật thông số chạy trên hệ thống ECMO (thiết bị trao đổi ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể), máy thở, lọc máu đang hoạt động liên tục.

Gần 1 tháng qua, cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân 416 - ông T.V.D (55 tuổi, quận Liên Chiểu, ca dương tính đầu tiên của Đà Nẵng ở giai đoạn 2 - NV) chưa lúc nào ngưng nghỉ. “Bệnh nhân bị viêm phổi và thăm khám, điều trị ở các BV Đà Nẵng. Đến ngày 24/7, kết quả PCR SARS-CoV-2 dương tính, lâm sàng diễn tiến nguy kịch, phải đặt nội khí quản, thở máy và tiến hành ECMO cấp cứu trong đêm”, BS. Việt Anh kể.

Với ca bệnh này, kinh nghiệm điều trị thành công ca bệnh 91 (phi công người Anh) được BS. Trần Thanh Linh (Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy), BS. Việt Anh và điều dưỡng Nguyễn Văn Hải (đội phản ứng nhanh số 1 - BV Chợ Rẫy, từ TP HCM ra chi viện tuyến đầu chống dịch Đà Nẵng) vận dụng tối đa.

“Đợt dịch này, Covid-19 tấn công vào các nhóm yếu thế, với các bệnh nền suy tim, suy thận mạn, đái tháo đường, viêm phổi và hầu hết trên dưới 60 tuổi. Bản thân bệnh nền của những bệnh nhân đã có tỷ lệ tử vong rất cao, nên khi nhiễm Covid-19 kèm thêm tổn thương phổi thì bệnh lý nền trở nên nặng hơn, khiến cuộc chiến cam go, cân não hơn rất nhiều”, BS. Việt Anh cho hay.

Mỗi ngày, khi kết thúc điều trị trực tiếp nơi phòng bệnh, ê-kíp bác sĩ lại cùng nhau trao đổi tại “buồng chỉ huy” Khoa cấp cứu, qua hệ thống camera giám sát liên tục. Theo BS. Linh, từ đầu tháng 8 đến nay, BV Phổi Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống ICU (đơn nguyên điều trị tích cực) hoàn chỉnh, cùng sự hỗ trợ của các bác sĩ Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… tạo thế trận vững chắc cho “trận đánh diệt dịch”.

Hàng loạt thiết bị y tế chuyên dụng, ECMO được tăng cường, nhưng với đặc thù từng ca bệnh, diễn biến bệnh nền và trong bối cảnh chưa có vaccine đặc trị, “quyết sách” của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đóng vai trò quyết định.

BS. Việt Anh cho hay: “Mọi diễn biến đều được cập nhật, chúng tôi thông báo và nhận chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và các cơ quan chuyên môn. Sức mạnh, ý chí tập thể được phát huy cao độ để đưa ra những phác đồ điều trị hiệu quả nhất, để giữ sinh mạng bệnh nhân trước mong manh sinh - tử”.

“Chưa thể trọn vẹn niềm vui”

img
Y bác sĩ chúc mừng bệnh nhân 582 được điều trị khỏi Covid-19

Ngày 4 tháng 8 năm 2020! Dòng trạng thái được BS. Việt Anh lưu lại trên điện thoại như một dấu mốc với bệnh nhân 582 khi có kết quả xét nghiệm âm tính đầu tiên. Niềm hi vọng được nhân lên, khi 4 đợt xét nghiệm tiếp theo đều cho kết quả tương tự. Sau 16 ngày điều trị, đến ngày 16/8, BV Phổi Đà Nẵng chính thức công bố bệnh nhân 582 “sạch” Covid-19, trở thành ca bệnh nền nặng đầu tiên được chữa khỏi Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng.

img
Nhà báo Nguyễn Xuân Huy, Trưởng VP đại diện Báo Giao thông tại miền Trung - Tây Nguyên trao 10 triệu đồng cùng 200 khẩu trang N95 từ Chương trình “Cùng Báo Giao thông chung tay chống Covid-19” cho BS. Lê Thành Phúc, Giám đốc BV Phổi Đà Nẵng nhằm hỗ trợ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Chương trình do Báo Giao thông phát động và trực tiếp hỗ trợ 130 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Báo Giao thông; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia với tổng số tiền, hiện vật khoảng 350 triệu đồng. Trong đó hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở cách ly hơn 150 triệu đồng, số còn lại trao 600 suất quà cho hộ nghèo, khó khăn tại các tỉnh, thành miền Trung do ảnh hưởng Covid-19.


Ngày hôm đó, dòng chữ viết trên bìa giấy của bệnh nhân 582 như thay lời tri ân các “thiên thần áo trắng” đã giúp mình vượt qua cửa tử, gây xúc động cho nhiều người. Ông cho hay, mình được y bác sĩ chăm sóc, yêu thương như “chính con của mình”.

BS. Việt Anh kể: “Ngày đầu nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương phổi và diễn tiến khá nhanh, suy giảm miễn dịch nên ê-kíp điều trị đã triển khai ECMO và đồng thời lọc máu. Lúc này, bệnh nhân có nhịp tim rất chậm, tình trạng tổn thương tim rõ ràng trên bệnh lý nền tăng huyết áp, suy tim, khiến việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc ECMO, máy thở…

Từng tham gia điều trị cho phi công người Anh, cho đến bệnh nhân 582, cả hai bệnh nhân đều tiên lượng nặng, nhưng bệnh nhân 582 cam go hơn, bởi tuổi cao, nhiều bệnh lý nền. Không ít thời điểm, công tác điều trị tưởng chừng vào ngõ cụt”.

Ngồi ghế đá bên hành lang BV Phổi Đà Nẵng sau ca làm việc quá tải, giọng BS. Việt Anh trầm lại: “Dịch bệnh còn phức tạp, căng thẳng. Lần này, Covid-19 tấn công vào nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng, khiến niềm vui từ ca bệnh 582 chưa thể trọn vẹn, khi đã có một số trường hợp tử vong. Anh em luôn dặn lòng phải nỗ lực, quyết tâm hết sức”.

Theo BS. Lê Thành Phúc, Giám đốc BV Phổi Đà Nẵng, đến ngày 18/8, đơn vị tiếp nhận và điều trị cho gần 90 bệnh nhân Covid-19, trong đó có gần 20 trường hợp phải vào ICU. Đáng kể, trong số này có 5 bệnh nhân nguy kịch, 3 ca rất nặng, tiên lượng xấu. Mọi người dốc hết sức để cứu sống nhiều nhất bệnh nhân có thể. Đến thời điểm này, có 14 ca bệnh Covid-19 tại BV Phổi Đà Nẵng được điều trị thành công.

Trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đúc rút ba bài học kinh nghiệm. Trong đó, không phải ngẫu nhiên, ông Sơn nhấn mạnh kinh nghiệm lớn nhất là không thể để tình trạng Covid-19 hoành hành trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang nằm viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như tiểu đường, suy thận.

Với nhóm này, Covid-19 dễ phát tán, đồng thời làm tăng gánh nặng điều trị cho bệnh nhân lẫn cho ngành y tế. Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng tài liệu hướng dẫn chăm sóc và điều trị Covid-19, đi sâu vào nhóm này. Thực tế, trên thế giới, khoảng 75% số ca Covid-19 tử vong có sẵn bệnh lý nền như: Tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, tai biến mạch não...

Gác việc nhà, xông pha chống dịch

Lập gia đình được 3 tháng, BS. Việt Anh tạm gác việc chăm lo tổ ấm mới để xông pha vào Đội Phản ứng nhanh, BV Chợ Rẫy trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân 91. Sau hành trình dài điều trị thành công cho bệnh nhân người Anh, tưởng chừng có chút thời gian nghỉ ngơi, anh lại tiếp tục đăng ký vào Đội Phản ứng nhanh số 1 lên đường ra Đà Nẵng khi ca bệnh 416 được phát hiện. Tranh thủ thời gian rảnh, anh chỉ kịp gọi video, thăm hỏi vài lời với vợ mới cưới, rồi lại bắt đầu vào kíp trực mới.

Theo BS. Trần Thanh Linh, đến nay đã có gần 10 đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy tăng cường ra Đà Nẵng, chi viện cho BV Phổi, BV Dã chiến Hòa Vang… “Mọi người luôn nỗ lực cao nhất, với quyết tâm đẩy lùi đại dịch để trở về”, BS. Linh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.