Kinh tế

Biểu giá điện mới như nào để hạn chế "nhảy tiền" vào mùa hè, nắng nóng?

19/08/2020, 18:10

Đó là ý kiến đóng góp của các chuyên gia về biểu giá điện mới sau khi Bộ Công thương đề xuất bỏ "điện một giá"...

img
Các chuyên gia cho rằng biểu giá bậc thang mới phải giúp hạn chế "nhảy tiền" thời điểm nắng nóng gay gắt và quản lý được phụ tải giờ cao điểm

“Không có phương án nào khác tốt hơn giá điện bậc thang"

Như Báo Giao thông đã thông tin, Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị chức năng của Bộ Công thương vừa đề xuất rút phương án điện một giá trong dự thảo biểu giá điện mới sau khi lấy ý kiến đóng góp từ chuyên gia, bộ ngành và người dân...

Cơ quan này cũng cho biết, sau khi rút phương án 2A và 2B (2 phương án cho phép khách hàng lựa chọn giữa biểu bậc thang và 1 giá), dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chỉ còn phương án 1 với cải tiến từ 6 bậc thang còn 5 bậc.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Bộ đã chủ động nghiên cứu đưa ra đề xuất phương án điện một giá, để cố gắng nhằm đáp ứng mục tiêu công khai, minh bạch, dễ tính toán và đảm bảo sự tin cậy.

Tuy nhiên, phương án này sau khi cân nhắc, tính toán và nhận sự góp ý thì “không thực sự phù hợp, không có điều kiện thực hiện khả thi sau này”.

"Phương án một giá điện được đưa ra trong đề xuất đang “đánh đồng giữa các đối tượng sử dụng điện, vi phạm nguyên tắc trong xây dựng biểu giá bán lẻ điện là đảm bảo tiết kiệm năng lượng.

Nếu áp dụng phương án một giá điện, chúng ta không chủ động được trong việc cân đối điện, đảm bảo đủ điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân. Đồng thời, không đảm bảo được sự quan tâm đối với các hộ chính sách, hộ nghèo - những đối tượng mà Nhà nước rất quan tâm", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Không có phương án nào khác tốt hơn giá điện bậc thang, nhưng từng bậc và giá từng bậc ra sao thì cần nghiên cứu đảm bảo hiệu quả, lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân". Vì vậy, Bộ Công thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực tiếp tục xin ý kiến phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Phải hạn chế “nhảy tiền” thời điểm nắng nóng gay gắt

Đa số các chuyên gia đều cho rằng, giá điện theo bậc thang là phù hợp nhất và cũng đúng với xu thế các nước lớn trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xây dựng hợp lý thì Bộ Công thương cần nghiên cứu theo các mục tiêu xây dựng biểu giá để đảm bảo tính công bằng.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) nhận xét: Biểu giá điện 5 bậc thang mà Bộ Công thương đưa ra có những điểm mới so với biểu giá điện hiện hành 6 bậc thang đó là ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ điện cao hơn.

Cụ thể, so với biểu giá hiện hành thì không còn bậc từ 0-50kWh mà ghép bậc 1, bậc 2 hiện hành thành bậc mới từ 0-100kWh, ghép bậc 4, bậc 5 cũ thành bậc 3 mới từ 201-400kWh và xây dựng thêm bậc từ 701kWh trở lên.

"Xét trên phương diện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì phương án biểu giá điện bậc thang 5 bậc đảm bảo cho khoảng 98,2% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí có những bậc giá còn giảm.

Tuy nhiên, cần điều chỉnh lại giá của các bậc thang để đảm bảo giá bình quân điện sinh hoạt hiện hành mức 2.018 đồng/kWh (ước tính với mức giá đề xuất, giá bình quân điện sinh hoạt hiện hành mức 2.058 đồng/kWh). Theo đó, cần điều chỉnh lại các bước nhảy của bậc không để khoảng cách quá rộng giữa bậc 2 và bậc 3 là 33%, trong khi bậc 4 và bậc 5 cần khuyến khích tiết kiệm lại chênh lệch chỉ có 8%. Giải quyết được vấn đề này sẽ hạn chế “nhảy tiền” trong những tháng hè, nhất là khi nắng nóng gay gắt buộc phải tiêu dùng nhiều điện", ông Thỏa nói.

Cần sớm lắp đặt công tơ 3 giá để quản lý phụ tải giờ cao điểm

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng cho rằng: Trong biểu giá bậc thang đề xuất, mức giá bậc 4 cũng chỉ tương đương với mức cao nhất (bậc 6) của biểu giá cũ. Chỉ có mức giá bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên mới bị áp giá cao với mục đích kiềm chế tiêu thụ nhiều điện năng.

Theo ông Sơn, phân tích phương án biểu giá bậc thang cho thấy, thiết kế phương án cho mức tới 700 kWh đều làm lợi cho người nghèo với giá điện trung bình thấp hơn chút ít, nhưng nếu sử dụng trên mức 700kWh/tháng thì người dân phải chi trả nhiều hơn rất nhiều so với biểu giá hiện nay.

Tuy nhiên, quan trọng là cần xác định rõ mục tiêu xây dựng là gì, từ đó lựa chọn nghiên cứu đối tượng từ dữ liệu người dùng để lập ra được các mốc thích hợp. Đơn cử như, khách hàng sinh hoạt ở khu vực phía Nam bị tác động bởi thời tiết nắng nóng quanh năm nên luôn phải chịu lượng điện tiêu thụ cao hơn các khu vực khác. Vậy, nhà chức trách đã tính đến lượng tiêu thụ của họ và đã đưa ra mức bậc thang phù hợp chưa?

"Điều tôi kỳ vọng là ban hành 1 cơ chế song song giữa điện bậc thang và việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường.

Điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý phụ tải trong giờ cao điểm. Dù đã có định hướng, chỉ đạo về lắp công tơ 3 giá cho các hộ gia đình nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Hy vọng, chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ban hành giá điện bậc thang và công tơ 3 giá", ông Sơn bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.