Xã hội

Bộ Giáo dục công bố phương án thay thế điểm sàn

07/05/2014, 08:47

Ngày 6/5, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thay thế điểm sàn. Tuy nhiên, phương án này ngay lập tức đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía các trường cũng như các em học sinh.

Nhiều mức điểm sàn cộng với việc các trường tự chọn môn thi chính khiến thí sinh khá bị động
Nhiều mức điểm sàn cộng với việc các trường tự chọn môn thi chính khiến thí sinh khá bị động


Rắc rối... điểm sàn


Theo phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2014, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) công bố, dự kiến sẽ có nhiều mức điểm sàn cho kỳ thi ĐH, CĐ năm nay. Sau khi có kết quả của kỳ thi “3 chung”, căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi và các trường được tự lựa chọn mức điểm xét tuyển phù hợp. Các trường cũng được tự quyết định chọn môn thi chính của kỳ thi ĐH, CĐ này để nhân hệ số 2 khi xét tuyển vào từng ngành của trường. Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phân tích, những thay đổi này tạo sự tự chủ trong tuyển sinh cho các trường, giúp các trường bảo đảm chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục ĐH, giúp phân tầng nguồn tuyển, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục ĐH. 
 

"Việc Bộ GD&ĐT đưa ra 3 - 4 mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ; rồi loại trường, ngành không có (hoặc có) môn thi chính, nhân hệ số... là khá phức tạp, gây khó hiểu đối với cả phụ huynh và thí sinh”.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã 
Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi
(Hà Nội)

Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập cho rằng, quy định mới không có tính đột phá vì thực ra, các kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, tuy chỉ có một mức điểm sàn nhưng nhiều trường vẫn lấy điểm chuẩn xét tuyển cao hơn mức điểm sàn vì vậy, tự các trường đã phân cấp được “đẳng cấp” của trường mình. Không những vậy, việc Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều mức điểm sàn còn khiến các trường khó khăn hơn trong công tác xét tuyển, nếu đây là các mức điểm để nhận hồ sơ xét tuyển thì nhiều trường phải xét tuyển với số điểm thấp do số hồ sơ ảo khá lớn và mức điểm này có thể khác với mức điểm chuẩn trúng tuyển vào trường.

Còn theo ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT, quy định của Bộ không những không tạo sự đột phá mà còn khiến các trường thấy rối và phức tạp. Bộ dự kiến đưa ra 3- 4 mức điểm sàn, tức các mức điểm này là điểm điều kiện để nhận hồ sơ xét tuyển hay các khung điểm để tuyển sinh? Liệu các trường đã lấy ở mức điểm cao nhưng không tuyển đủ thí sinh có được lấy xuống mức điểm thấp hơn không?


Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, hầu hết các trường nhóm trên tự định ra điểm tuyển sinh cao hơn mức điểm sàn quốc gia. Ông Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, quy định mới về điểm xét tuyển của Bộ GD&ĐT hoàn toàn không ảnh hưởng tới phương án tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vì điểm chuẩn của trường bao giờ cũng cao hơn mức sàn này khá nhiều. Do vậy, trường cũng sẽ không cần thiết phải đưa ra việc xác định môn chính cho ngành nào.

Thí sinh chịu thiệt 


Trong phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép trước ngày 20/5 hàng năm, nếu thấy cần thiết, các trường tự quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường. Trong khi đó, từ giữa tháng 3 thí sinh đã phải đăng ký dự thi, nên nếu đến cuối tháng 5, thí sinh mới được biết thông tin về môn thi chính để nhân hệ số thì thí sinh sẽ bị thiệt thòi. 


Em Hoàng Nhật Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội băn khoăn: “Năm nay có quá nhiều thay đổi, từ thi riêng, thi chung, giờ lại còn phải theo dõi thêm môn nào, ngành nào nhân hệ số, thật rối rắm. Trong khi đó, hồ sơ thi ĐH chúng em đã hoàn thành, nếu đến ngày 20/5 các trường thay đổi việc chọn ngành nhân hệ số 2 thì sẽ thiệt vì không còn thời gian ôn tập môn chính”. 


PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho rằng, lẽ ra thông tin này phải được ghi rõ trong tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” phát hành từ tháng 3 cho thí sinh, phụ huynh hiểu, chủ động lựa chọn ngành nghề dự thi và tập trung ôn thi trọng điểm để có kết quả cao nhất.

Vũ Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.