Đường bộ

Bộ trưởng GTVT: Bức tranh doanh nghiệp giao thông đã có nhiều màu sáng

13/10/2022, 12:42

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, sự nỗ lực vượt bậc thời gian qua đã giúp bức tranh doanh nghiệp ngành GTVT có nhiều gam màu sáng...

Nhiều tín hiệu tích cực

Sáng nay (13/10), nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp ngành GTVT. Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi gặp mặt

Cảm ơn sự chia sẻ, đồng hành và sát cánh của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, Bộ GTVT, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, hoạt động với mô hình công ty cổ phần với công ty mẹ và 10 công ty con trong bối cảnh nhu cầu đầu tư các dự án giao thông lớn, thời gian qua, người lao động TEDI đã làm việc với công suất 300%, không có ngày nghỉ.

“Không ít thời điểm, 21h nhiều phòng chuyên môn của TEDI còn chong đèn làm việc để đáp ứng tiến độ dự án. Tất cả đều xác định không chỉ là tiền bạc mà còn vì trách nhiệm chung với đất nước trong phát triển, hiện đại hóa hạ tầng”, ông Sơn nói và cho biết, với sự tin tưởng, tạo điều kiện của các cấp thẩm quyền năm 2022, doanh thu của TEDI dự kiến tăng 30% so với năm 2021.

Đánh giá cao nỗ lực của TEDI, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, hiện tại, đây vẫn là đơn vị đầu tàu trong lĩnh vực tư vấn thiết kế của ngành GTVT. “Với năng lực, uy tín được xây dựng, Bộ GTVT kỳ vọng 1 - 2 năm tới, TEDI sẽ trở thành một tập đoàn đảm đương khối lượng công việc nhiều hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng nói.

Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chúc mừng Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) đã “lên được mặt đất hít thở không khí”. Đặc biệt, trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp lao đao bởi dịch bệnh, VIMC vẫn ghi nhận mức lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng.

“Những con số thể hiện VIMC ngày càng khẳng định mình và ngày càng phát triển”, Bộ trưởng nói và nhận định, dư địa ngành hàng hải còn rất lớn, nhất là lĩnh vực vận tải đường biển. Song, lĩnh vực này hiện còn thiếu đầu mối, mạng lưới nên chưa thể vươn xa, tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hàng hóa quốc tế của đội tàu Việt Nam mới đạt khoảng 5 - 7% tổng nhu cầu.

“Bộ GTVT đã ban hành đề án phát triển vận tải biển Việt Nam cấp bộ và đang nghiên cứu tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cụ thể. Cục Hàng hải VN cần làm việc với các doanh nghiệp để cụ thể hóa đề án, kiến nghị các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho vận tải biển phát triển chân rết, từng bước lớn dần trong chuỗi logistics toàn cầu”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Trước đó, thông tin tại buổi gặp mặt, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIMC cho biết, 9 tháng năm 2022, VIMC tiếp tục duy trì phong độ, sản lượng vận tải biển đạt 19 triệu tấn hàng vận chuyển. Sản lượng hàng hóa thông qua 16 cảng thuộc VIMC đạt 94 triệu tấn. Tổng doanh thu khoảng trên 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 3.400 tỷ đồng.

Để doanh nghiệp hàng hải có động lực phát triển hơn nữa, lãnh đạo VIMC mong muốn tới đây, trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng cảng biển, những doanh nghiệp lớn như VIMC sẽ được ưu tiên triển khai các dự án lớn như cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), cảng Cần Giờ (TP.HCM); Đồng thời, các cấp có thẩm quyền có cơ chế hỗ trợ phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam như ưu tiên vận chuyển các mặt hàng có sản lượng lớn, có sự ưu đãi, hỗ trợ nhất định khi doanh nghiệp mở tuyến, đưa tàu vào các cảng địa phương.

Ở lĩnh vực hàng không, theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV), năm 2022 các chỉ số kinh doanh của ACV đều rất khả quan khi dưới sự chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, nhu cầu đi lại nội địa bùng nổ sau dịch bệnh, các chặng bay quốc tế dần được phục hồi.

Trong lĩnh vực đầu tư, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đang được thực hiện. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Long Thành do ACV làm chủ đầu tư tự tin hoàn thành vào năm 2025. Năm 2024, hoàn thành dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Về phía Tổng công ty Quản lý bay VN, Chủ tịch HĐTV Phạm Việt Dũng cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, hoạt động hàng không đã bắt đầu phục hồi. Riêng với Tổng công ty Quản lý bay, lợi nhuận ghi nhận 9 tháng qua đã gấp 500% so với cùng kỳ năm 2021 (lợi nhuận gần như chạm 0).

“Mặc dù vậy, số lượng chuyến bay điều hành vẫn chưa đạt được như mong muốn. Kế hoạch trước đó đề ra năm 2019, khoảng 1 triệu chuyến bay sẽ được điều hành, năm 2022 là 1,3 triệu chuyến, năm 2025 là 1,5 triệu chuyến. Song, 9 tháng năm 2022, số chuyến bay điều hành mới đạt khoảng 400.000 chuyến. Giá nhiên liệu tăng cao cũng tiếp tục tạo ra thách thức cho các đơn vị hàng không”, ông Dũng thông tin và mong muốn nhận được sự ủng hộ hơn nữa của Bộ GTVT để lĩnh vực hàng không có nhiều điểm sáng hơn.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các doanh nghiệp giao thông tại buổi gặp mặt

Tiếp tục cống hiến đưa ngành GTVT chuyển mình

Chúc mừng và ghi nhận sự cố gắng và đồng hành của tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm của các khối sản xuất, đem lại sự tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước.

Với vai trò quan trọng đó, ngày 13/10 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân.

“Riêng lĩnh vực GTVT, hiện, bên cạnh các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, một số doanh nghiệp thoái vốn nhà nước một phần, khối còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, dù hoạt động ở mô hình nào, lĩnh vực nào, thời gian qua, các doanh nghiệp giao thông đã nỗ lực chung tay, góp sức cùng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm.

Nỗ lực của các doanh nghiệp đã đưa bức tranh khối doanh nghiệp ngành GTVT hiện có màu sáng đã nhiều hơn màu tối”, Bộ trưởng nói và cho rằng, sự đóng góp đa dạng, năng động của các doanh nghiệp không chỉ giúp ngành GTVT hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn là một trong những ngành phục hồi nhanh nhất hậu Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực vận tải.

Đến hết tháng 9/2022, khối lượng vận chuyển hành khách tăng cao bình quân khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19), vận tải hàng không tăng 60% so với 9 tháng năm 2019.

“Nếu không có hoạt động vận tải thông thương hàng hóa sẽ không có phát triển kinh tế”, Bộ trưởng nói và kỳ vọng thời gian tới, các doanh nghiệp giao thông sẽ tiếp tục cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa, góp phần đưa kinh tế đất nước nói chung, ngành GTVT nói riêng chuyển mình, phát triển nhanh và bền vững.

“Một trong những vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước là quản lý, tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước chính là các doanh nghiệp”, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.