Quản lý

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Luật GTĐB mới phải có sức sống trên 10 năm

08/05/2020, 20:02

Chiều nay (8/5), Bộ GTVT tổ chức họp ban soạn thảo, tổ biên tập để lấy ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Sẽ quản lý nhiều nội dung mới

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Luật GTĐB có vai trò quan trọng, tác động lớn đến đời sống xã hội. Do đó, lần sửa đổi này, Bộ GTVT sẽ thận trọng, lấy ý kiến nhiều Bộ, ngành, chuyên gia để sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi Luật đã được Bộ GTVT thực hiện hơn 1 năm, đã được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật cũng đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã có thông báo đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội. Tại kỳ họp vào tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Trong kỳ họp đầu năm 2021, nếu không có thay đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Để dự thảo đạt chất lượng, Bộ GTVT đã thành lập ban soạn thảo gồm 52 thành viên đến từ nhiều Bộ, ngành Trung ương và ban biên tập gồm 76 thành viên. Dự thảo Luật đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, hiệp hội, doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Bộ đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có ý nghĩa để hình thành Luật GTĐB mới.

"Thời gian qua, nhiều vấn đề mới xuất hiện như: ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính, các loại hình giao thông thông minh, các loại hình vận tải mới như Uber, Grab. Do đó, trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT sẽ lồng ghép các nội dung mới vào Luật. Đặc biệt, một số xu hướng mới như: giao thông thông minh, lái xe tự động, thậm chí taxi bay sẽ được đưa vào trong Luật, đảm bảo Luật có sức sống từ 10 năm trở lên", Bộ trưởng nói.

Báo cáo quá trình soạn thảo, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, qua thời gian thực hiện Luật GTĐB năm 2008 đã xuất hiện nhiều bất cập cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Dự thảo Luật GTĐB mới giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, tăng 61 điều so với Luật 2008.

Theo bà Nga, dự thảo Luật có những điểm mới như: bổ sung khái niệm phương tiện giao thông thông minh. Dự thảo cũng cập nhật các hành vi cấm như: tác hại rượu bia, sử dụng điện thoại di động, thắt dây an toàn, quay đầu xe trên đường cao tốc để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các nguyên tắc về khoảng cách, tốc độ, trách nhiệm của chủ phương tiện, các nội dung về báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông cũng được Luật hóa.

Đặc biệt, bà Nga cho biết, dự thảo Luật cũng làm rõ mối quan hệ biện chứng không tách rời giữa xây dựng hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông. Theo đó, tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến quản lý khai thác, bảo trì.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu thêm nhiều giải pháp huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông - Ảnh minh họa

Cầu thị tiếp thu mọi ý kiến để sửa đổi, hoàn thiện Luật GTĐB

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên tổ biên tập, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, với tinh thần cầu thị, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật GTĐB sửa đổi.

Lưu ý cần tập trung vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau, tập trung phân tích tìm ra phương án tốt nhất đưa vào dự thảo Luật, Bộ trưởng mong muốn thành viên ban soạn thảo tiếp tục đề xuất giải pháp quản lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn như: phương tiện mới, chính sách huy động vốn, cơ chế quản lý,... để quy định tại Luật. Đơn cử như taxi bay, nếu sau này đi vào thực tiễn cuộc sống đã được quy định tại Luật, khi đó Chính phủ sẽ có Nghị định hướng dẫn để cụ thể hóa.

Về một số nội dung chồng chéo trong quản lý giữa Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ trưởng yêu cầu điểm nào chung sẽ đưa vào Luật GTĐB. Nội dung nào riêng, sẽ cụ thể hóa theo quy định của lực lượng vũ trang.

Đối chính sách huy động nguồn nhân lực để phát triển hạ tầng, Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu quy định theo hướng bắt buộc phải thu phí với đường cao tốc dù đầu tư theo hình thức nào. Bài học từ cao tốc Sài Gòn - Trung Lương khi không thu phí, nhiều loại phương tiện kể cả xe máy cũng đi vào, trở thành đường bình thường, gây khó khăn trong quản lý.

"Cần nghiên cứu đưa vào Luật các vấn đề như: quản lý hành lang ATGT đường bộ, trong đó cần đặc biệt chú ý quản lý đường gom để đảm ATGT. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các định nghĩa, nhất là định nghĩa về các vấn đề mới xuất hiện như: các loại hình vận tải mới; xe đạp điện, xe máy điện... để có giải pháp quản lý đảm bảo an toàn", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến giao thông tĩnh, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện quy định hạ tầng đậu đỗ cho xe buýt; các điểm đậu đỗ xe kết nối giữa đường bộ và đường sắt để có hệ thống giao thông tĩnh đồng bộ với hệ thống giao thông chung.

Đối với ATGT, Bộ trưởng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trong dự thảo Luật.

"Nếu tai nạn xảy ra, do yếu tố chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến hậu quả thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan quan lý đường... cần có quy định cụ thể. Cần quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành đối với ATGT, không quy định chung chung", Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.