Quản lý

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nếu không đi tắt đón đầu, ngành GTVT sẽ lạc hậu

21/08/2019, 18:48

Bộ GTVT xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chủ động tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng 4.0.

img
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo cần đề ra những nhiệm vụ cụ thể, cấp thiết, có tính đột phá trong ứng dụng KHCN ở mỗi lĩnh vực GTVT để đạt hiệu quả cao

GTVT chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Chiều nay (21/8), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp xây dựng đề án “Nâng cao năng lực của ngành GTVT để chủ động tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện sớm đề án để ban hành ngay trong năm nay. Nội dung đề án cần tránh nặng về nghiên cứu, học thuật, mà cần nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

"Phải chọn những vấn đề căn bản, nền tảng, có tính đột phá và khả thi để trong 5 đến 10 năm nữa có được kết quả cụ thể, hiệu quả. Đề án xây dựng xong, sau khi ban hành, triển khai thực hiện phải tạo được sự chuyển biến cơ bản trong ứng dụng KHCN vào công tác quản lý ngành GTVT", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia xây dựng đề án cần đưa ra được khái toán kinh phí thực hiện đối với từng nhiệm vụ để xác định nguồn vốn, trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí. Ngoài ra, cần có giải pháp tìm nguồn vốn ngoài vốn ngân sách cấp cho đề án để đẩy mạnh ứng dụng KHCN.

“Từng lĩnh vực, từng đơn vị phải nêu rõ làm cái gì, phải có tính đột phá, ứng dụng cao và đưa ra khái toán kinh phí sát với thực tế, khả thi. Nếu không quyết tâm đi tắt đón đầu, ngành GTVT sẽ lạc hậu”, Bộ trưởng nói thêm.

Tập trung 7 giải pháp ứng dụng tiến bộ KHCN

Trước đó, Vụ trưởng Vụ KHCN Hoàng Hà cho biết, mục tiêu của đề án là nhằm định hướng cho các đơn vị thuộc ngành GTVT và các chủ thể liên quan đến hoạt động ngành chủ động nắm bắt xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên thế giới liên quan đến lĩnh vực GTVT; nâng cao năng lực để chủ động tiếp cận, tham gia và nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào công tác quản lý Nhà nước, phát triển sản xuất ở tất cả các lĩnh vực như: xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống KCHTGT, vận tải và logistics, công nghiệp GTVT, quản lý phương tiện và người lái, đảm bảo ATGT, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong GTVT, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đặc biệt, đề án sẽ thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KHCN của CMCN 4.0 như: Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (Cyber - Physicai systems), công nghệ Nano, tự động hóa… vào thực tế quản lý, sản xuất của ngành GTVT.

img
Ngành GTVT đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Ảnh: thu phí không dừng, một thành tựu CNTT trong lĩnh vực quản lý đường bộ

Dự thảo đề án tập trung vào 7 nội dung và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, điều hành sản xuất của ngành GTVT đáp ứng yêu cầu chủ động tiếp cận và tham gia CMCN 4.0; Tăng cường năng lực quản lý chất lượng xây dựng, bảo trì và phát triển hệ thống KCHTGT hiện đại; Nâng cao hiệu quả công tác điều hành tổ chức giao thông và ATGT; Tăng cường năng lực trong sản xuất, chế tạo sản phẩm, quản lý chất lượng các sản phẩm công nghiệp ngành GTVT; Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đổi mới cơ cấu ngành nghề, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực tiếp cận, tham gia CMCN 4.0 của ngành GTVT về lĩnh vực hợp tác thu hút đầu tư và thông tin truyền thông.

Trước mắt, giai đoạn 2019 - 2025, nhiệm vụ đặt ra là nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, lập kế hoạch và triển khai giai đoạn 1 hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa lớn và ứng dụng dùng chung, kết nối thống nhất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành GTVT, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.