Xã hội

Bộ trưởng GTVT lý giải sự cần thiết thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

11/11/2020, 15:39

Hôm nay (11/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

img
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Thu phí cao tốc để tái đầu tư

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên toàn quốc... Tuy nhiên, quá trình thi hành đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần được xem xét để thay thế.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi quy định về GTĐB gồm: Kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB. Tuy nhiên, các quy định về quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện, đăng ký phương tiện, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định trong dự án.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự thảo Luật gồm 6 chương, 102 điều. So với Luật GTĐB 2008, dự án đã bỏ 2 chương: Quy định về quy tắc GTĐB và về người điều khiển phương tiện tham gia đường bộ.

Bên cạnh đó, dự án có nhiều điểm mới. Cụ thể, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đưa vào dự thảo quy định thu phí trên tuyến đường cao tốc. Đường cao tốc hiện được làm song hành với các tuyến quốc lộ đã có. Trên các quốc lộ không tiến hành các dự án BOT để thu tiền. Việc thu phí trên tuyến đường cao tốc sẽ điều tiết được những phương tiện cần đi nhanh thì đi cao tốc, phương tiện đi chậm hơn đi quốc lộ, tránh hiện tượng tham gia giao thông hỗn hợp trên đường cao tốc, ảnh hưởng đến công năng khai thác.

"Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT, Bộ Tài chính xây dựng phương án. Vừa qua, Chính phủ đã họp nhiều phiên chuẩn bị báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án thu phí trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương để vừa quản lý vừa điều tiết giao thông vào đường cao tốc; đồng thời có nguồn vốn tái đầu tư", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Thể cho biết, theo quy hoạch, chúng ta có hơn 6,4 nghìn km đường cao tốc nhưng thực tế chỉ mới đầu tư xây dựng được 2 nghìn km. Khi các địa phương muốn thu hút đầu tư thì cần phải có đường cao tốc để kết nối.

"Theo nghiên cứu của Bộ GTVT, quy hoạch sắp tới có thể lên đến 10 nghìn km cao tốc. Với con số lớn như vậy, vốn ngân sách còn hạn hẹp nên Chính phủ có chủ trương đưa vào luật này một điều khoản thu phí trên đường cao tốc. Đây là dịch vụ chất lượng cao, nhân dân có thể lựa chọn đường cao tốc hoặc là quốc lộ", Bộ trưởng giải thích thêm .

Xe máy không đạt khí thải sẽ bị thu hồi

Đề cập đến quy định kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe máy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ảnh hưởng môi trường hiện nay là rất nghiêm trọng, nhất ở các đô thị lớn. Tác nhân gây ra ô nhiễm có rất nhiều, trong đó phương tiện giao thông.

“Hiện có trên 4 triệu xe ô tô định kỳ có kiểm định đang thực hiện tốt, tuy nhiên cả nước hiện có trên 60 triệu xe mô tô, đây là loại phương tiện được xem là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Cùng với Luật Khí thải, Chính phủ có chủ trương kiểm soát khí thải đối với xe mô tô để có giải pháp cải tiến công nghệ bảo vệ môi trường. Theo dự thảo Luật GTĐB, mô tô không đáp ứng yêu cầu môi trường sẽ bị thải loại, việc này thực hiện sẽ có lộ trình và theo từng đối tượng”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến quy định giấy phép hành nghề kinh doanh vận tải, Bộ trưởng cho biết, quy định này đã được đưa vào ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo Luật. Hiện giáo trình đào tạo, sát hạch và cấp GPLX có hai phần là kỹ năng lái xe và nghiệp vụ kinh doanh vận tải. Người học hiện nay đang phải học và thi cả hai nội dung này. Nhiều người chỉ học để lái phương tiện cá nhân, không có nhu cầu lái xe kinh doanh vận tải nhưng vẫn phải học môn nghiệp vụ kinh doanh vận tải.

Học hỏi kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc đang quản lý tốt hình thức này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, người có nhu cầu học lấy GPLX chỉ phải học một phần về kỹ năng lái trong hình và ngoài đường trường, biển báo mà không cần học môn nghiệp vụ kinh doanh vận tải. Những người muốn học lấy GPLX để lái xe kinh doanh vận tải (chỉ có 1,6/4 triệu phương tiện) mới phải học thêm phần nghiệp vụ kinh doanh vận tải.

“Anh chất hàng lên xe thế nào để đảm bảo an toàn, chấp hành quy định về vận tải thế nào, đi theo luồng tuyến thế nào phải học. Dự thảo Luật GTĐB quy định, nếu lái xe kinh doanh vận tải vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, tất cả phương tiện kinh doanh liên quan đến tính mạng con người phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi bổ sung quy định xe kinh doanh vận tải cũng phải lắp camera giám sát để giám sát toàn bộ hoạt động của xe, qua đó sẽ có giải pháp quản lý phù hợp khi xảy ra tai nạn, quản lý thời gian làm việc của lái xe.

Hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt đã có hiệu lực, sẽ tăng cường xử phạt "nguội" giao thông thông qua hệ thống camera giám sát, phát hiện để xử lý.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, thời gian qua đã xuất hiện loại xe ứng dụng công nghệ như Uber, Grab khiến cho Luật không theo kịp. Do vậy, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất Quốc hội giao cho Chính phủ quy định về loại hình kinh doanh vận tải. Khi có loại hình vận tải mới xuất hiện Chính phủ ban hành Nghị định quản lý ngay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.