Thị trường

Bộ trưởng Tài chính “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

10/12/2021, 19:08

Ngày 10/12, Bộ trưởng Tài chính làm việc với 6 địa phương, thúc tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công.

Tại buổi làm việc với 6 địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, đại diện các địa phương cho biết đặc thù kế hoạch đầu tư công phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn.

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với 6 địa phương về giải ngân vốn đầu tư công

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và giá cả vật liệu xây dựng tăng cao cùng các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong thực hiện thủ tục xin ý kiến tham gia của các nhà tài trợ đối với dự án dùng nguồn vốn nước ngoài... khiến cho tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Theo đó, số giải ngân vốn đến 30/11/2021 của 6 địa phương nói trên mới đạt 11.749,185 tỷ đồng, tương đương 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Trong đó, tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất đạt 59,1%, tỉnh An Giang thấp nhất trong 6 tỉnh khi chỉ đạt 33,8%.

Đáng chú ý, nguồn vốn ODA của 6 địa phương giải ngân mới chỉ đạt 23,7% kế hoạch, tương đương 722,031 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, một số địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết 31/12 của năm sau, nhưng có nên kéo dài hay không bởi sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, trong khi đất nước còn đang khó khăn và Chính phủ đang bàn về gói kích cầu kinh tế.

Bộ trưởng cho hay, nếu giải ngân đầu tư công lại đề nghị kéo dài thì không có ý nghĩa.

"Cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất thì mới tính đến kích cầu kinh tế", Bộ trưởng nói.

Đối với vấn đề giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng tới tiến độ các dự án, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các địa phương cần phải có báo cáo kịp thời, chi tiết về thời gian, giá của từng loại nguyên vật liệu tăng như thế nào, tăng trong bao lâu và đề xuất các giải pháp.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như thế mới giải quyết được vấn đề.

Ông Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để giải quyết sớm. Với các ý kiến ngoài thẩm quyền của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tổng hợp báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.