Quản lý

Bộ trưởng Thăng: Hà Nội nên xã hội hoá bến xe, trạm đăng kiểm

15/04/2015, 13:36

Sáng 15/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì làm việc với Hà Nội về quản lý và phát triển giao thông vận tải.

IMG_2631
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng.

Có kế hoạch thu xếp vốn, GPMB cho các dự án giao thông

Khẳng định giao thông ở Hà Nội và TP.HCM là thực tế sinh động nhất để xây dựng thể chế chính sách về GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Hà Nội phối hợp với Bộ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển KTXH của thành phố. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Bộ để xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước về GTVT.

Bộ trưởng cũng đề nghị phía UBND TP.Hà Nội cần tiếp tục quan tâm công tác GPMB những dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn. “GPMB tốt sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và đặc biệt là không dẫn đến đội vốn” – Bộ trưởng nói.

“Hiện tại có 10 dự án đang triển khai tại Hà Nội. Sắp tới sẽ có thêm nhiều dự án nữa, trong đó có dự án VĐ3 đoạn Mai Dịch –  Nam Thăng Long, cầu Việt Trì – Ba Vì, nghiên cứu dự án đường nối cầu Nhật Tân với đường Thanh Niên (nghiên cứu đi ra phía ngoài hành lang thoát lũ)” – Bộ trưởng bổ sung.

Cũng từ đây, Bộ trưởng đề nghị TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 5 năm (2016 - 2020) để có kế hoạch thu xếp vốn, bố trí GPMB trên cơ sở quy hoạch, chiến lược đã được cập nhật.

Cần làm rất nhanh bãi đỗ xe ngầm

Liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng nhấn mạnh: Nếu không có giải pháp lâu dài sẽ dễ dẫn tới tình trạng tái ùn tắc như thời gian trước. “Hà Nội triển khai bãi đỗ xe ngầm quá chậm. Phải tạo cơ chế cho nhà đầu tư làm. Nếu không xử lý được giao thông tĩnh thì không đường sá nào có thể chịu nổi với tốc độ tăng trưởng xe như hiện nay. Cái này hoàn toàn có thể xã hội hoá mạnh mẽ được, cần làm rất nhanh” – Bộ trưởng nói.

Một vấn đề khác, theo Bộ trưởng dù chỉ là vấn đề nhỏ, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị nhưng vẫn chưa được khắc phục là việc quản lý điện chiếu sáng trên các tuyến đường. “Chiếu sáng ban đêm như trên Đại lộ Thăng Long quá lãng phí. Tôi đi nhiều nước, cả những nước giàu có như Australia, New Zealand thì đường từ sân bay về trung tâm thành phố cũng chả sáng như thế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cuối cùng, về hoạt động của các bến xe, trạm đăng kiểm trên địa bàn thành phố, Bộ trưởng gợi ý nên cổ phần hoá 100%. “Để tư nhân làm chất lượng sẽ tốt hơn, dịch vụ tốt hơn. Nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát. Các trung tâm đăng kiểm, các bến xe của Hà Nội nên mạnh dạn xã hội hoá 100%, rút hết vốn để tái đầu tư” – Bộ trưởng gợi ý.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện quản lý 91 tuyến buýt với 1.480 đầu xe; 563 tuyến vận tải hành khách cố định với hơn 4.000 xe; 10 bến xe khách liên tỉnh; 91 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với số lượng 17.629 xe và khoảng 20.000 lái xe taxi; 7.865 xe/3.506 doanh nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng; gần 200 bến thủy nội địa đang hoạt động. Trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Sở quản lý 49 cơ sở đào tạo, 16 trung tâm sát hạch.

Riêng tại Hà Nội, năm 2014 và Quý I/2015, Bộ GTVT đã hoàn thành các công trình lớn đưa vào sử dụng như đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; nhà ga T2; đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; cầu Vĩnh Thịnh; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của thủ đô.

Hiện Bộ GTVT đang đồng loạt triển khai các dự án lớn khác trên địa bàn Thủ đô như: hầm cơ giới Vành đai 3 - Khuất Duy Tiến; hầm cơ giới nút giao Trung Hòa; cầu vượt Vành đai 2,5 (Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám); cầu vượt nút giao thông Cầu Bây dự kiến hoàn thành trong năm 2015 và tuyến đường sắt số 2 đoạn Cát Linh – Hà Đông dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Sang năm 2016, dự kiến sẽ tiếp tục khởi công dự án đường trên cao (cầu cạn) Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long; cầu Ba Vì – Việt Trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.