Thời sự

Bộ Tư pháp sẽ thẩm định dự thảo Nghị định "cấm bán bia vỉa hè"

08/09/2014, 06:53

Không khả thi, không phù hợp với điều kiện, thói quen sinh hoạt của người Việt là những phản hồi của dư luận về Dự thảo Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia (Bộ Công thương chủ trì soạn thảo).

TIN LIÊN QUAN


 

Nhiều quán bia ở Hà Nội lấn chiếm vỉa hè
Nhiều quán bia ở Hà Nội lấn chiếm vỉa hè


Quy định “trên trời”


Dự thảo Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân có một loạt quy định “trên trời”, vì không thể thực hiện như: Cấm bán bia trên vỉa hè, không bán bia cho người dưới 18 tuổi, bán bia cho người có biểu hiện say, người đang có bệnh lý về lạm dụng rượu bia, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú... 

Với việc tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả do lạm dụng rượu, bia.

Gần như ngay lập tức, người dân liên tưởng đến những quy định “trời ơi” trước đó, chẳng hạn như thấp bé nhẹ cân, ngực lép không được đi xe máy, chỉ được bán thịt lợn trong vòng 8 tiếng kể từ khi giết mổ, quy định về sử dụng vòng hoa trong đám tang... Hay mới đây nhất là quy định cấm bán rượu bia sau 22h đêm. 

Nói về những quy định kể trên, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, một số nội dung của dự thảo liên quan đến vấn đề vi phạm và xử lý vi phạm cần xem xét thấu đáo, trong đó bao gồm cả quy định các hành vi vi phạm kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Cần cân nhắc hành vi ra sao để bảo đảm tính hiệu quả khi ban hành và áp dụng trong thực tế. Bởi ba hành vi này có mức độ khác nhau chứ không chỉ mô tả chung chung như dự thảo”, ông Sơn nói và cho biết, văn bản đang trong quá trình dự thảo nên cần có sự góp ý, cân nhắc. Trước khi trình lên cấp trên thì Bộ Tư pháp sẽ thẩm định, khi đó sẽ có ý kiến chính thức. 

Tư duy làm luật có vấn đề?


Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, bia là một loại nước giải khát có cồn, việc đề ra chính sách quản lý là đúng. Thế nhưng một số quy định của dự thảo lại không thực tế ở Việt Nam.

“Bảo cấm bán trên vỉa hè, nhưng liệu có cấm nổi không. Vỉa hè vẫn đầy người bán hàng rong, bán nước, trông giữ xe, rượu cũng bán đầy vỉa hè ra đấy thì sao, đã cấm được chưa. Hay như bảo cấm bán bia cho phụ nữ có thai, chẳng lẽ phải vạch bụng ra kiểm tra hay xem giấy khám thai. Còn cái người không biết rằng tôi đang mang thai mà cứ bán bia cho tôi thì người ấy phạm pháp à. Ai mà kiểm soát được”, ông Việt đặt câu hỏi. 


Theo Chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, vấn đề mà nhà chức trách cần giải quyết và quản lý là giáo dục, truyền thông để người dân hiểu, uống bao nhiêu, uống thế nào là không văn minh, không văn hóa, không tốt cho sức khỏe, chứ cứ đưa ra những quy định “trời ơi” thì kiểu gì cũng bị dân cười cho. Họ bảo, cán bộ công chức ăn cơm Nhà nước nhưng không có trình độ, ngồi đó vẽ ra tốn giấy mực, tốn công sức, gây mất thời gian, suy nghĩ của người dân.


Ông Đỗ Gia Phan, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng thì lấy ví dụ về việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng và cho rằng, một quy định “hợp lòng dân” như vậy mà còn không được thực hiện đến nơi đến chốn thì việc quy định cấm bán bia trên vỉa hè, cấm bán cho phụ nữ có thai, người say, người đang có bệnh lý về lạm dụng rượu bia... rất khó để triển khai. 


“Bất kỳ một quy định nào đưa ra cũng cần dựa trên tính thực tế, tham khảo ý kiến của người dân, doanh nghiệp vì đó là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách. Song lâu nay, nhiều văn bản quy định của Nhà nước ban hành đã bỏ qua yếu tố này. Do đó, đã rất nhiều quy định bị lãng quên hoặc mới thực thi đã... chết yểu”, ông Phan phân tích. 


Còn ông Hồ Hoàng Hà - Phó Chánh văn phòng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) thì nhận định, quy định pháp luật càng định lượng thì càng tốt. Chứ việc xác định một ông có biểu hiện say, người cho con bú là hoàn toàn định tính. “Các yếu tố định tính, trong xây dựng văn bản pháp luật là luôn phải kiêng dè, hạn chế. Trong câu chuyện này, có thể nói là tư duy xây dựng pháp luật có vấn đề, gây ra những phản ứng không tốt của xã hội. Đưa ra những quy phạm không phù hợp và nó sẽ không thực hiện được trên thực tế”, ông Hà cho biết.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.