Đường sắt đô thị

Bỏ xe cá nhân đi tàu Cát Linh - Hà Đông hàng ngày, phòng Covid-19 thế nào?

15/11/2021, 06:53

Sau 1 tuần trải nghiệm, nhiều người thấy được những tiện ích mà tuyến đường sắt đô thị này đem lại, từ đó dự định thay đổi thói quen đi lại.

Khách đông vẫn phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt

Ngày 13/11, sau 1 tuần miễn phí, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các ga Cát Linh, Vành đai 3, Văn Quán, Yên Nghĩa... khách đi tàu tự giác tuân thủ quy định xếp hàng, khai báo y tế, nhận vé miễn phí (từ quầy bán vé).

Khách cũng quen với việc quẹt thẻ đi qua cổng soát vé tự động để lên tầng ke ga đợi tàu, nhét trả thẻ để đi ra.

img

Nhiều người đã thấy được những tiện ích mà tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đem lại. Ảnh: Tạ Hải

“Mấy ngày đầu, nhiều người hiếu kỳ muốn đứng qua vạch vàng để xem đường ray hoặc chụp ảnh. Giờ thi thoảng mới phải nhắc”, nữ nhân viên an toàn tại ga Vành đai 3 nói và cho biết, việc đứng ngoài vạch vàng để tránh bị hút gió khi tàu chạy, cũng như nguồn điện dùng để chạy tàu.

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, tại các ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt hành khách và yêu cầu khách khai báo y tế điện tử hoặc ghi giấy. 100% khách đi tàu, nhân viên nhà ga đều đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, nhiều thời điểm ở các ga, đặc biệt là ga đầu tuyến Cát Linh và Yên Nghĩa, thường xuyên tập trung vài trăm người đợi tàu, hầu hết các chuyến tàu đều có trên dưới 300 người… gây lo ngại về không đảm bảo quy định về phòng chống Covid-19.

Liên quan vấn đề trên, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hà Nội Metro cho biết, việc phòng chống Covid-19 trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT về phòng, chống dịch trong lĩnh vực GTVT.

“Mỗi đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có sức chở tối đa theo thiết kế là 960 người. Trong hai ngày đầu khai thác trùng vào ngày nghỉ, khách được đi tàu miễn phí nên đông đảo người dân đi tham quan, trải nghiệm đoàn tàu. Tuy vậy, lượng khách thực tế được chở trên tàu đều không vượt quá 50% nên không vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 hiện hành”, ông Trường cho biết, song cũng khuyến nghị người dân hạn chế đi tàu vào giờ cao điểm để phòng dịch.

Để phòng dịch Covid-19 tốt hơn, từ 8/11, Hà Nội Metro cũng phối hợp với lực lượng công an điều tiết, giãn sự tập trung đông người ở tầng 1 và tầng 2 các ga; bố trí các đường dẫn để hành khách đi, chờ đợi theo hàng. Tại các nhà ga cũng được bố trí phòng cách ly y tế tạm thời nhằm cách ly trường hợp hành khách có biểu hiện triệu chứng nhiễm dịch Covid-19 (như ho, sốt, khó thở...).

Chọn tàu điện thay xe máy

Em Lê Bích Thủy, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học KHXH và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Ngày khai trương, em đi cùng gia đình để trải nghiệm, hôm nay cùng bạn bè đi chơi, chụp ảnh kỷ niệm. Giờ đang học trực tuyến, sau này, khi đi học ở trường, em sẽ đi tàu điện thay cho xe máy, vì vé tháng cũng rẻ, lại đỡ bụi bặm, tắc đường”.

Tuyến đường sắt đô thị vận hành miễn phí trong 15 ngày đầu nên chưa phản ánh đúng số lượng khách sẽ đi. Song những người đi học, đi làm theo trục đường sắt Cát Linh - Hà Đông chắc chắn sẽ lựa chọn đi lại tuyến tàu này. Giờ đang dịch Covid-19 và hiện Hà Nội mới chỉ có tuyến tàu điện này, nên khi khai thác thương mại chưa thể kỳ vọng sẽ đạt lượng lớn hành khách.
GS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên trường Đại học GTVT

Một số bạn trẻ khác đang là sinh viên các trường như: Học viện Bưu chính viễn thông, Kiến trúc, Đại học Ngoại ngữ… cũng cho biết, giá vé 100.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên và tàu chạy từ sáng sớm đến khuya nên rất thuận tiện cho cả học chính và học thêm.

Vì thế, khi đi học trở lại, chắc chắn họ sẽ lựa chọn tàu Cát Linh - Hà Đông thay cho xe buýt, xe hai bánh.

Không chỉ sinh viên, anh Từ Phong (nhân viên một ngân hàng ở phố Hoàng Cầu) cho biết, cùng chi nhánh ngân hàng của anh có nhiều người ở Hà Đông, công việc chủ yếu ở văn phòng nên từ đầu tuần đến nay đều đi làm bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Tại các nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến nay, cùng với tổ chức quầy bán (thẻ) vé trực tiếp cho khách đi tàu, hệ thống máy bán vé tự động đã được cài đặt phần mềm bán vé (bằng song ngữ Việt - Anh), bảng điện tử tra cứu các thông tin về tuyến, giá vé, thời gian của chuyến tàu đầu tiên và chuyến cùng cùng trong ngày.

Tuy vậy, ghi nhận của PV, đến thời điểm này công tác bố trí bãi gửi xe dọc tuyến hiện vẫn chưa hoàn thiện.

Ngoài 2 điểm trông giữ xe tại ga đầu Cát Linh, ga cuối Yên Nghĩa, còn lại tại các điểm trông giữ xe khác đa phần là điểm tự phát do người dân trên tuyến tự ý lập ra làm điểm trông giữ và thu phí.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, mục đích mở tuyến đường sắt đô thị để góp phần hút hành khách chuyển từ phương tiện đường bộ sang đi tàu để tránh ùn tắc giao thông.

Do vậy, từ nay đến ngày 20/11 (hết thời hạn 15 ngày chạy miễn phí), cần tổ chức được các điểm trông giữ xe hai bánh cho khách đi tàu với giá thành hỗ trợ người dân.

TS. Phạm Văn Ký, Giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có những vị trí không thuận lợi để khách gửi xe. Do vậy, cần tổ chức các điểm trông giữ xe trong bán kính 500m cho khách đi tàu.

Tổ chức vé liên thông để hút khách

img

Có hơn 194.200 hành khách đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 1 tuần. Ảnh: Huy Lộc

Cũng theo TS. Phạm Văn Ký, các ga của đường sắt đô thị là cố định nên các tuyến xe buýt và vận tải công cộng khác phải kết nối tối đa để tạo thuận lợi và thu hút khách đi tàu.

GS. Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt VN cho rằng, nếu tổ chức được hình thức vé liên thông giữa tàu điện với các phương thức vận tải khác như: Buýt nhanh BRT, buýt thông thường cũng sẽ giúp tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thu hút khách ngay từ giai đoạn đầu khai thác thương mại.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Giảng viên Trường Đại học GTVT, hiện tại tàu điện Cát Linh - Hà Đông đang chạy miễn phí nên thu hút khách tham quan, người đi trải nghiệm.

Khi đi vào vận hành thương mại, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách đi tàu, từ đó mới có thể thu hút được nhiều người dân.

“Tôi công tác bên Trung Quốc cũng đều đi lại bằng phương tiện công cộng vì rất thuận tiện. Lên tàu trả tiền chỉ cần quét nhanh như quét mã QR, có chỗ để ăn uống, mua sắm. Xuống tàu có xe máy, xe đạp điện để thuê, được trợ giá 50%. Tàu điện thuận tiện tự khắc hành khách lựa chọn và từ bỏ xe cá nhân”, bà Thủy cho hay.

Đánh giá 1 tuần tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành, ông Đỗ Việt Hải - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, quá trình trải nghiệm, đi thử… hành khách đã bắt đầu quen và có nhu cầu sử dụng tuyến tàu điện đầu tiên của thành phố để đi học, đi làm.

Giao thông trên dọc tuyến đã cải thiện hơn, ùn tắc ở một số nút giao trọng điểm được giảm nhiệt.

Cũng theo ông Hải, quá trình tàu vận hành, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thường xuyên trong vai hành khách để cùng với các chuyên gia đầu ngành về GTVT đi khảo sát, kiểm tra để hoàn thiện những bất cập.

“Các điểm trông giữ xe hiện đã được giao cho các quận xây dựng, bố trí. Vị trí các điểm trông giữ xe thuộc quận nào gây bức xúc cho hành khách, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước thành phố”, ông Hải nói.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.