Y tế

Bộ Y tế cho phép tiêm mũi 2 vaccine Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca

13/07/2021, 17:13

Ngành y tế sẽ ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca.

img

Lượng vaccine hạn chế, ngành y tế sẽ ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca

Bộ Y tế vừa quyết định phân bổ đợt 8 số lượng 745.000 liều vaccine Pfizer cho địa phương trên cả nước.

Tp. Hồ Chí Minh được chuyển gần 55 nghìn liều vaccine Pfizer

Theo quyết định phân bổ, hầu hết các tỉnh sẽ nhận được 5.850 liều Pfizer, riêng TP.HCM nhiều nhất với gần 55.000 liều, kế đó là Hà Nội 38.610 liều, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 25.740 liều, lực lượng quân đội 35.100 liều, lực lượng công an 43.290 liều.

7 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Kiên Giang sẽ nhận được 7.020 liều mỗi địa phương.

Ngoài ra còn có 21 bệnh viện, viện, trường đại học được phân bổ vaccine Pfizer, trong đó nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi đơn vị 15.210 liều, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi đơn vị 14.040 liều, Bệnh viện E 12.870 liều, Bệnh viện Thống Nhất và Đại học Y Hà Nội 11.700 liều, Viện Pasteur TP.HCM 10.530 liều, Bệnh viện Hữu Nghị 9.360 liều, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 8.190 liều.

Các bệnh viện khác như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Kiểm định vaccine quốc gia, Đại học Y dược Cần Thơ sẽ nhận từ 2.340 liều đến 5.850 liều vaccine mỗi đơn vị.

Bộ Y tế giao Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine tới các đơn vị theo danh sách phân bổ. Vaccine sau khi xuất khỏi kho lạnh, cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ, và phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.

Trường hợp không sử dụng hết vaccine hoặc có nhu cầu sử dụng thêm, các đơn vị phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM để chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.

Bộ Y tế cho phép trộn 2 vaccine Pfizer và Astrazenca

Trong quyết định phân bổ vaccine Pfizer này, Bộ Y tế đề cập đến việc “trường hợp lượng vaccine hạn chế ngành y tế sẽ ưu tiên sử dụng loại này để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng”.

Theo PGS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, một số nước tiến hành tiêm trộn như mũi 1 của AstraZeneca, mũi 2 của Pfizer với mong muốn tăng hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, cách thức này chưa có đánh giá của WHO.

Hiện, nhà sản xuất và WHO đều khuyến cáo tốt nhất tiêm cùng một loại vaccine đủ 2 liều. Trong trường hợp ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại vaccine khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo dõi sức khỏe sát sao. Các vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau, sau khi tiêm mũi 1 là 70%, mũi 2 là 80-90%. Vì vậy, mọi người không nên có tâm lý chờ đợi loại vaccine khác.

Mở rộng 16 đối tượng trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế, với việc tiếp cận các nguồn cung vaccine COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau, đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.

Mới đây Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7/2021- tháng 4/2022. Theo đó mở rộng ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng gồm, trong đó có cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);

Lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu ( hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)… ;

Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine cho Bộ Y tế...

Nhằm đảm bảo an toàn cho đợt tiêm chủng lớn này, Kế hoạch của Bộ Y tế quy định rõ việc tổ chức tiêm chủng (ngoài hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có có thể bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm chủng theo giờ đảm bảo giãn cách…).

Các sở điều trị sẽ tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, lưu ý các bệnh viện trung ương, tỉnh thành phố, bệnh viện và trung tâm y tế cập huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ cho các điểm tiêm. Đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.

Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố cũng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực (tối thiểu 5 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Bộ Y tế lập các tiểu ban về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; tiêm chủng; an toàn tiêm chủng… đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.