Xã hội

Dịch Covid-19: Lách luật, thuê xe đi chung nhiều nguy hiểm

13/04/2020, 14:00

Tình trạng thuê xe đi chung, lách "luật", trốn các chốt kiểm soát tiềm ẩn nhiều nguy cơ mùa dịch.

img
Tài xế Hoàng Thanh Tùng điều khiển xe BKS 30E-232.17 thừa nhận lấy xe 7 chỗ của công ty để vận chuyển khách có nhu cầu về Quảng Ninh

Để có thể di chuyển từ Quảng Ninh đi các tỉnh và ngược lại trong thời điểm tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, nhiều người đã “lách luật” bằng cách ghép khách, đi chung một chiếc xe.

“Tiền trao cháo múc” bất chấp dịch bệnh

8h ngày 30/3, tại chốt kiểm tra cầu Bạch Đằng, tổ liên ngành tiến hành dừng xe ô tô 7 chỗ BKS 30E-232.17 do anh Hoàng Thanh Tùng (SN 1987, trú tại Tân Triều, Hà Nội) điều khiển hướng Hà Nội - Quảng Ninh. Khi yêu cầu đo thân nhiệt và khai báo y tế, anh Tùng chống đối và không chấp hành.
Qua kiểm tra, phát hiện xe 7 chỗ trên thuộc Công ty TNHH và Dịch vụ vận tải Hoàng Phú được anh Tùng sử dụng để vận chuyển khách có nhu cầu về Quảng Ninh. Anh Tùng thừa nhận, do từ ngày 28/3 có lệnh cấm xe khách từ Hà Nội về Quảng Ninh, nên anh tự ý lấy xe công ty để chở học sinh, sinh viên về quê để kiếm tiền. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý anh Tùng về hành vi chống đối việc không chấp hành kiểm tra thân nhiệt, không xử lý vi phạm vận tải hành khách.

Ngày 6/4, anh Nguyễn Văn T. từ một bệnh viện ở Hà Nội trở về nhà ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Do thời điểm này, xe khách hay taxi đều tạm ngừng hoạt động theo quy định, nên anh T. đã vào nhóm “xe đi chung Hà Nội - Quảng Ninh và ngược lại” trên Facebook đăng status có nội dung: “Cần gấp một xe hoặc một ghế ghép từ Hà Nội về Bãi Cháy. Khung giờ từ 18h - 20h tối 6/4”.

Ít phút sau, anh T. lập tức nhận được hàng chục phản hồi nhận chuyến kèm theo số điện thoại để liên hệ.

Do mức giá bao trọn xe là 1,8 triệu đồng đi cao tốc khá cao, nên để vừa có xe về Quảng Ninh vừa tiết kiệm tiền, anh T. lựa chọn hình thức đi xe ghép của một tài xế xe 5 chỗ với giá 400 nghìn đồng/ghế. Sau khi chốt được “hợp đồng”, đúng hẹn, anh T. được chiếc xe đến đón, lúc này trong xe đã có 3 vị khách khác đi cùng chuyến.

Anh T. cho biết, khi chiếc xe đến chốt kiểm soát dịch bệnh tại cầu Bạch Đằng, tất cả mọi người đều phải vào khu vực kiểm tra sức khỏe và khai báo lộ trình di chuyển.

Anh cùng những người khác đều xuất trình được giấy giới thiệu hoặc giấy tờ xác minh lý do về Quảng Ninh nên đều được cho đi vào địa phận.

“May mắn họ không phát hiện chiếc xe dịch vụ chở khách vì chúng tôi đã thống nhất nhận là họ hàng của nhau và đi xe của gia đình”, anh T. tiết lộ.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dịch vụ “xe đi chung” xuất hiện từ nhiều năm nay. Các xe làm dịch vụ tìm khách, khách vào tìm xe và chốt giá trên các nhóm “xe một chiều”, “xe đi chung”, “xe tiện chuyến”… trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, ngành GTVT tạm cấm các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải như xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi... thì dịch vụ “xe đi chung” ngày càng bùng nổ.

“Dịch vụ đi xe chung, xe ghép lập ra để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, sao cho tiện lợi và thoải mái nhất. Ngoài ra, những người có xe riêng cũng sẽ “tiện chuyến” vớt vát một số khách để tiết kiệm được xăng dầu”, anh Đinh Văn Q., một thành viên của nhóm xe đi chung Quảng Ninh - Hà Nội nói và cho biết, mùa dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đi chung của người dân tăng cao.

Tuy nhiên, anh Q. cũng thừa nhận: “Nguy cơ nhiễm Covid-19 khi sử dụng dịch vụ xe đi chung khá cao vì bản thân tài xế không biết sức khỏe của hành khách như thế nào và lộ trình di chuyển trước đó của họ ra sao”.

Khó kiểm soát, cần xử lý nghiêm

img
Nhiều người có nhu cầu đi lại, đăng thông tin trên mạng để tìm xe đi chung

Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, tình trạng xe đi chung, đi ghép đã diễn ra từ lâu nhưng để kiểm soát và xử lý dứt điểm không dễ vì hoạt động của loại xe này khá tinh vi.

Theo ông Minh, đây là loại hình kinh doanh vận tải trái phép nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, cả lái xe và hành khách đều “đồng lòng” nói là anh em, họ hàng và đi xe của gia đình nên rất khó xử lý.

Để xử lý nghiêm thì cần phải có cảnh sát điều tra tham gia nhưng quá trình xác minh, xử lý cũng mất khá nhiều thời gian, ông Minh nói.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện (Sở GTVT Quảng Ninh) xác nhận tình trạng xe gia đình, cá nhân gom chở khách trên các trang mạng xã hội để “tăng gia sản xuất” đang bùng nổ khiến lực lượng chức năng “đau đầu” vì khó xử lý.

“Nghị định 10/2020 có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 với nhiều điểm mới siết chặt quản lý xe “dù”, bến “cóc”. Đây sẽ là căn cứ để lực lượng chức năng kiểm soát và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đang trong mùa dịch Covid-19 nên vẫn chưa triển khai được nhiệm vụ. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung xử lý đối với những loại xe “dù” này để sớm chấm dứt tình trạng trên”, ông Hùng nói và khuyến cáo hành khách tự ý tìm xe trên mạng xã hội để di chuyển có thể gặp phải tình huống mất mát, tai nạn, thậm chí bị cướp tài sản, hiếp dâm hay sát hại… bởi không biết tài xế là người ở đâu, thân nhân ra sao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.