Tài chính

Bứt phá cách nào giữa muôn trùng gian khó?

Dịch Covid-19 hoành hành đã đẩy nền kinh tế đất nước và thế giới vào tình thế khó khăn. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho nhiệm kỳ tới.

img

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nhìn lại giai đoạn 5 năm qua có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra. Nhất là từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành đã đẩy nền kinh tế đất nước và thế giới vào tình thế khó khăn.

Đây sẽ là thách thức rất lớn cho nhiệm kỳ tới, nếu không có những giải pháp đột phá sẽ rất khó để phát triển. Báo Giao thông trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh vấn đề này.

Bước ngoặt về hội nhập kinh tế

Nhìn lại có thể thấy, không có nhiệm kỳ nào lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó cụm từ “cách mạng 4.0” lại được nhắc nhiều đến thế... Trên thực tế, tinh thần này đã được vận dụng và thể hiện ra sao, thưa bà?

Việt Nam là một trong những nước nói nhiều nhất tới Cách mạng công nghiệp 4.0 và thể hiện tinh thần cố gắng lớn để bắt kịp, coi đó là giải pháp quan trọng cho tương lai. Tiếp đến, tinh thần về đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp… cũng được đưa ra mạnh mẽ với hàng loạt chính sách của Chính phủ.

Vấn đề tăng trưởng bao trùm mà nhiệm kỳ trước có nói tới nhưng ở nhiệm kỳ này, Thủ tướng luôn đưa ra thông điệp không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tinh thần này xuyên suốt, gần như các bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng đều nhắc đến. Nó tạo ra cho nền kinh tế giai đoạn này đường hướng mới, không chỉ tăng trưởng theo tốc độ hay bề rộng mà còn quan tâm tới chất lượng, hiệu quả và theo hướng phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho đông đảo người dân…

Với hàng loạt hiệp định quan trọng được ký kết trong nhiệm kỳ này, theo bà, điều đó sẽ mở ra những gì cho Việt Nam những năm tới?

Nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ đạt được những hiệp định thương mại cực kỳ quan trọng. Riêng CPTPP, Việt Nam là nước hăng hái tham gia, dù không có Mỹ.

Sau đó, EVFTA trải qua nhiều trắc trở cuối cùng cũng được thông qua và chính thức được thực hiện từ tháng 8/2020, cũng là một cột mốc vô cùng quan trọng, tạo lối thoát cho chúng ta và nhiều nước khác. Nhiệm kỳ này cũng đàm phán thành công RCEP, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên bang Nga và ba nước khác…

Có thể nói, thành quả không chỉ ở khía cạnh kinh tế bởi đây là những hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều mặt, để chúng ta có định hướng rõ hơn trong việc cải cách thể chế trong tương lai. Đó là bước quan trọng trong hội nhập của Việt Nam, tạo tiền đề tốt cho nhiều năm sau.

Chưa chuyển động nhiều trước “sức ép Covid-19”

img

Việt Nam là một trong những nước nói nhiều nhất tới Cách mạng công nghiệp 4.0 và thể hiện tinh thần cố gắng lớn để bắt kịp, coi đó là giải pháp quan trọng cho tương lai

Bà có cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng đã một lần nữa cho thấy rất rõ, sản xuất trong nước lâu nay quá phụ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc?

Trước đây chúng ta hay than phiền với nhau về tình trạng gia công nhưng nay tình trạng đó đã đến mức không thể chấp nhận được nữa rồi. Khi có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình trạng đó đã rõ nhưng người ta còn lưỡng lự. Nhưng khi xảy ra dịch Covid-19, không có phụ trợ thì không có nguyên liệu.

Bên cạnh đó, chúng ta đã tham gia các hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA, họ đòi hỏi về tỷ lệ nội địa hoặc nội khối hóa. Nếu không thay đổi mà tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, doanh nghiệp sẽ không có cửa tiếp nhận cơ hội rất lớn từ thị trường chiến lược.

Không những vậy, cả hai khối này đều cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Vậy sao không tận dụng? Nhật Bản hay Úc đều tuyên bố tìm kiếm những địa điểm mới để chuyển một phần chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong khi chúng ta là thành viên của CPTPP mà không tận dụng được thời cơ? Nếu tiếp tục làm gia công, hưởng lợi lớn không phải doanh nghiệp Việt Nam.

Khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có lẽ tất cả những người nghiên cứu kinh tế như tôi đều rất lo nó sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam. Nhưng cuối cùng, Việt Nam lại được coi là nước tận dụng thành công cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, dù chịu rủi ro phòng vệ thương mại và nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng mạnh.
Trong câu chuyện này, tôi chỉ tiếc, đây là cơ hội tốt để Việt Nam tăng lên phần sản xuất nội địa, tăng thu hút đầu tư khác hoặc tăng dòng sản phẩm trung gian để thay hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng cường hàng Made in Vietnam để xuất khẩu. Nhưng thời cơ tốt này mình đã không tận dụng được!
Chuyên gia Phạm Chi Lan


Trong bối cảnh buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại, bà đánh giá thế nào về sự chuyển động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước?

Chưa chuyển động nhiều! Khi dịch Covid-19 tác động, ví dụ Tập đoàn Dệt May Việt Nam kêu rằng, nhiều doanh nghiệp thành viên chỉ còn nguyên liệu sản xuất đủ 3 tháng. Ngồi than vãn mà không làm gì thì có vô lý không?

Nhưng năm nay, với câu chuyện chống tham nhũng và thời điểm trước đại hội, nhiều người co lại, không dám làm, không dám ra quyết định. Làm thì có sai, sai thì bị trừng trị nên họ co lại.

Tôi rất tiếc về tình trạng đó! Bởi đáng lẽ lúc này, trong điều kiện bình thường có thể sẽ có rất nhiều hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thay đổi. Nhưng năm nay - vào đúng lúc cần nhất, lại không thấy nhiều hành động quyết liệt về kinh tế.

Đến thời điểm này, bà đánh giá thế nào về mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, kiểu như “doanh nghiệp đầu đàn”, là trung gian kết nối các doanh nghiệp khác?

Thời gian qua, có một số doanh nghiệp đã tìm cách phát triển thành doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như VinGroup. Xuất phát từ bất động sản, họ tích tụ được vốn và đầu tư vào các lĩnh vực khác, nhất là công nghệ cao. Có lẽ không phải VinGroup thì không ai dám làm. Bởi trước đó, FPT hay CMC chủ yếu cũng chỉ làm công nghệ thông tin.

Tôi cho rằng, Chính phủ hỗ trợ được doanh nghiệp cái gì bằng chính sách hợp lý, không gây quá nhiều chi phí xã hội thì vẫn nên và có thể hỗ trợ nhưng cái chính là phải tạo thuận lợi cho họ. Bởi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài vẫn rất băn khoăn một số vấn đề như: Bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, can thiệp hành chính...

Ngoài vấn đề bà vừa đề cập, doanh nghiệp nội cần được hỗ trợ, tạo điều kiện những gì, nhất là những doanh nghiệp “đầu đàn” và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Thực tế Tổ Công tác của Thủ tướng hay Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI đã được giao rà soát các văn bản quy định về môi trường kinh doanh. Quá trình rà soát thì thấy rằng, cứ cắt bỏ được quy định này thì cơ quan quản lý lại “đẻ” ra quy định khác phức tạp hơn để kiểm soát.

Điều này cần phải được xử lý ngay, bởi bất công nhất là nó không nhằm vào doanh nghiệp nước ngoài mà lại nhằm vào doanh nghiệp trong nước. Hay một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, tự do hóa trao cho doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều, trong khi doanh nghiệp trong nước thì không, như vậy chẳng khác nào “trói tay” doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp phải được tạo thuận lợi trong làm ăn kinh doanh thì mới lớn mạnh được. Chứ nếu chỉ có vài ba doanh nghiệp như VinGroup sẽ không đủ sức dẫn dắt các doanh nghiệp khác. Vì rõ ràng làm được như VinGroup là khó khăn, vất vả nên có một số “đại gia” khác chưa dám làm.

Như Hòa Phát, Masan mới chuyển một phần sang nông nghiệp, có thị trường nội địa sẵn, vẫn là phần dễ, chưa mất nhiều công sức để có được thị trường. Nên cần phải có chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh, từ đó phát triển được lứa doanh nghiệp tầm trung phát triển một cách ổn định vững chắc.

Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn. Các cơ quan quản lý khi ban hành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm.

Các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá khả năng tuân thủ. Các quy định phải tạo thuận lợi theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Một điều nữa là thông tin phải công khai minh bạch. Đi kèm đó là cải cách doanh nghiệp Nhà nước, giảm bớt số lượng và thu hẹp lĩnh vực.

Có thể thấy khó khăn phía trước còn rất nhiều, theo bà, giải pháp đột phá sẽ là gì để chúng ta có thể vượt khó đi lên?

Không gì khác, đó là phải làm rất khẩn trương việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chuyển mạnh sang giai đoạn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là khối nội địa. Bởi nếu chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài mà không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nội thì đó là cách mang người nước ngoài vào “đánh” người Việt, làm cho nội lực không thể nào vượt lên được.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.