Showbiz

Các cuộc thi nhan sắc có lỗ?

28/03/2016, 07:01

Tại sao dù không có lãi, các đơn vị vẫn lao vào xin được tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp?

Hoa hau Viet Nam 2014
Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên và hai á hậu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014

Nhiều đơn vị kêu lỗ không có tiền trả giải thưởng cho thí sinh, thế nhưng họ vẫn lao vào xin được tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Lý do thực sự phía sau sự thua lỗ ấy là gì?

Thi nhan sắc,“vàng thau lẫn lộn”

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2016, Bộ VH,TT&DL đã cấp phép hai cuộc thi cấp quốc gia là Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Biển Việt Nam, một cuộc thi mang tính chất quốc tế là Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu. Sắp tới đây, cuộc thi Hoa khôi Áo dài cũng rục rịch ra mắt. Ngoài ra, sẽ có hàng loạt cuộc thi người đẹp được “nổ” ra trên một số tỉnh, thành trong cả nước. Với quá nhiều cuộc thi được tổ chức trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, các nhà tổ chức bát nháo chụp giật, danh hiệu bị rẻ rúng không thương tiếc là điều dễ hiểu. Những người được chọn thậm chí còn dính vào scandal.

Trước đó, Trần Thị Ngọc Bích - một thí sinh tham gia cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam thẳng tay ném dải băng ghi nhận danh hiệu Người đẹp hình thể vào sọt rác. Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 - Triệu Thị Hà đòi trả vương miện. Phạm Hương sau khi đăng quang, đã bị tố phẫu thuật thẩm mỹ, mua bán giải, chảnh chọe và giả tạo. Ban tổ chức cuộc thi Người đẹp Du lịch Huế bị phạt 15 triệu đồng vì tự ý phong tặng các danh xưng hoa hậu, á hậu.

Nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người được mệnh danh là “cha đẻ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam” từng cho biết, việc tổ chức cuộc thi hoa hậu rất mệt, cả năm mất ăn mất ngủ lo đủ thứ, xong rồi chưa chắc đã yên.

“Có những khi đăng quang xong rồi, nhưng sau ba, bốn tháng, nhiều hoa hậu xảy ra chuyện, không ai biết được. Như việc hoa hậu Thùy Dung được chọn xong, tôi hy vọng cô ấy sẽ thi Hoa hậu Thế giới cũng phải top 3 hoặc 5, nhưng đùng cái xảy ra chuyện chưa tốt nghiệp cấp 3”, ông Nam dẫn chứng.

Đơn vị tổ chức lỗ, nhan sắc vẫn cứ ra lò

Nếu nhìn vào cục diện các cuộc thi sắc đẹp, nhiều ý kiến cho rằng, chúng đang bị thương mại hóa, nhiều nhóm lợi ích trục lợi từ các cuộc thi. Những nhan sắc bước ra khỏi cuộc thi sống vì lợi ích cá nhân, mang nhiều thị phi, không có nhiều hành động giúp đỡ cộng đồng như các tiêu chí được ban tổ chức đưa ra trước đó.

Từ xưa tới nay sắc đẹp như một kho báu, nó cũng là một của cải, một quyền lực. Đọc lại lịch sử thế giới có những nàng công chúa, người đẹp được đổi lấy vùng đất, hòn đảo, lâu đài, thì sắc đẹp bây giờ cũng thế thôi.

Chính vì thế, ai cũng thích đẹp, ai cũng cần đẹp. Đó là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, chuyện thương mại hóa đến đâu còn tùy vào từng trường hợp cụ thể, không nên vơ đũa cả nắm”.

Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ VH,TT&DL

Chỉ tính riêng năm 2015, có trên dưới 10 cuộc thi từ quốc gia cho đến cấp tỉnh, vùng miền được tổ chức. Nào là Hoa hậu Hoàn vũ 2015, Người đẹp Du lịch Huế, Hoa khôi Doanh nhân 2015, Nữ hoàng Trang sức Việt Nam 2015, Hoa khôi Sinh viên Hà Nội - iMiss Thăng Long, Người đẹp xứ Trà, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, Nữ hoàng cổ động... Đó là chưa kể, một số cuộc thi như: Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu người Việt toàn Thế giới đã bị Bộ VH,TT&DL từ chối cấp phép.

Điều gì khiến nhiều cuộc thi được nổ ra đến vậy, phải chăng những cuộc thi ấy mang lại lợi nhuận khủng cho các đơn vị tổ chức? Theo tiết lộ của ông Dương Xuân Nam, các cuộc thi hoa hậu Việt Nam mà báo Tiền Phong (thời ông làm Tổng biên tập -PV) tổ chức đều bị... lỗ. Ít thì hàng trăm triệu… nhiều có khi cả tỷ”, ông Nam cho hay.

Bà Thúy Nga, Tổng giám đốc công ty Elite Việt Nam cũng cho rằng, nếu tổ chức một cách nghiêm túc thì không thể nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ các cuộc thi hoa hậu, người mẫu ở Việt Nam, vì chi phí vô cùng lớn. “Gần như việc tài trợ chỉ dừng ở mức chi phí, ăn ở, đi lại cho thí sinh. Ví dụ, cuộc thi Hoa khôi Áo dài của chúng tôi sản xuất 76 tập, phát liên tục trên truyền hình. Chúng tôi lo ăn ở sinh hoạt cho thí sinh ròng rã 2, 3 tháng, rồi camera quay khắp mọi nơi thì làm sao có thể sinh lãi được? Ai làm rồi mới hiểu, không bao giờ kiếm tiền được từ hoa hậu đâu, khó lắm”, bà Thúy Nga cho hay.

Thế nhưng, dẫu không có lãi, các cuộc thi nhan sắc vẫn ngày càng phát triển. Giám đốc Elite thẳng thắn cho biết, mỗi doanh nghiệp tổ chức cuộc thi đều có những mục đích riêng. Ví dụ như báo Tiền Phong tổ chức Hoa hậu Việt Nam vì họ là tờ báo thuộc Trung ương Đoàn, mà đây là một hoạt động văn hóa của Đoàn thanh niên, định hướng cho thanh niên thì tôi nghĩ rất hợp lý. FLC có thể tổ chức để quảng bá sản phẩm của họ. Elite tổ chức cũng có thể mang tính PR cho tất cả các đơn vị.

Còn cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đưa ra câu trả lời mang tính cảm xúc cá nhân nhiều hơn. Ông Nam lý giải: Cả đời ông yêu cái đẹp, tôn vinh theo đuổi cái đẹp nên phải tổ chức đến cùng chứ không bỏ được.

Chúng tôi liên hệ với ông Minh Chánh, ông trùm các cuộc thi nhan sắc tại Mỹ, hỏi về doanh thu các cuộc thi mà ông đang nắm giữ. Ông Minh Chánh cho hay, tổ chức các cuộc thi sắc đẹp tốn kém thời gian, chi phí. Ông Chánh từng đứng ra tổ chức 5 cuộc thi sắc đẹp quy mô và bị lỗ hàng tỷ đồng. Ông đưa ra con số mình bị lỗ lên đến 1,5 triệu USD. “Chưa kể, nếu chương trình không thành công còn phải đền tiền cho các nhà tài trợ. Thế nhưng, dù rủi ro và thua lỗ, ông Chánh vẫn khăng khăng: Dù lỗ hàng tỷ đồng tôi không tiếc, vì đầu tư nghệ thuật là vô giá, hơn nữa nó còn là đứa con tinh thần của tôi”, ông Minh Chánh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.