Thế giới giao thông

Các hãng hàng không sẽ “hốt bạc” năm 2016

16/02/2016, 20:00

2016 dự kiến tiếp tục là một năm cực kì bận rộn của ngành hàng không thế giới.

3 Đối với ngành hàng không thế giới, lo
Đối với ngành hàng không thế giới, lợi nhuận năm 2015 được đánh giá là cao đến mức chưa bao giờ có tiền lệ

2016 dự kiến tiếp tục là một năm cực kì bận rộn của ngành hàng không thế giới với lượng khách vận chuyển ước tính sẽ lên tới 3,7 tỷ người. Lợi nhuận của ngành công nghiệp này sẽ đạt mức kỉ lục khi giá nhiên liệu xuống thấp.

Hốt bạc nhưng chưa chắc giảm giá vé

Năm 2015, đa số các hãng hàng không đã có một năm thực sự khởi sắc khi giá dầu xuống thấp đến mức kỉ lục. Tại Mỹ, từ tháng 7 đến tháng 9/2015, các hãng hàng không nội địa đã công bố lợi nhuận sau thuế lên tới 9,3 tỷ USD. Đối với ngành hàng không thế giới, lợi nhuận 2015 được đánh giá là cao đến mức chưa bao giờ có tiền lệ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chuyện đều hoàn hảo. Bởi trên thực tế, số km hành trình bình quân trên mỗi ghế bán được đã giảm so với trước đó, đặc biệt trên những tuyến đường dài có điểm đến ở châu Á và Nam Mĩ.

Với lợi nhuận lớn như vậy, liệu các hãng hàng không có chia sẻ bớt cho khách hàng thông qua việc giảm giá vé. Câu trả lời là không có gì chắc chắn về điều đó. Shukor Yusof - chuyên gia tư vấn hàng không làm việc tại Công ty Phân tích Endau tại Malaysia nhận xét: “Không có điều gì khích lệ các hãng hàng không giảm giá vé do giá dầu giảm cả. Bởi vì họ đang kiếm tiền rất tốt và nhu cầu đi lại bằng máy bay vẫn ngày một tăng”.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu thấp ở mức kỉ lục như hiện nay sẽ cho phép những hãng hàng không lớn như American hay Delta thoát khỏi áp lực tìm biện pháp giảm giá vé. Tính đến thời điểm này, chi phí bay trung bình cho một chặng bay khứ hồi (chưa tính thuế và các loại phí khác) là 375 USD, thấp hơn 61% so với năm 1995.  

Điều duy nhất hành khách được lợi là các hãng hàng không dự kiến sẽ tăng khoảng cách giữa các ghế, tạo điều kiện cho người ngồi duỗi chân thoải mái hơn mặc dù hành khách vẫn phải trả tiền để có được lựa chọn đó. Ngoài ra, chương trình khách hàng thân thiết của các hãng hàng không cũng thay đổi tiêu chí đánh giá trong năm 2016. Theo đó, khuynh hướng xét khách hàng thân thiết sẽ dựa trên mức độ bay thường xuyên và số tiền khách hàng chi ra để bay thay vì tính theo số dặm bay thông thường.

Năm 2015, một số hãng hàng không đã áp dụng chính sách khách hàng thân thiết. Năm 2016, American Airlines sẽ chính thức dùng chính sách này đối với hành khách bay với hãng. Trên website chính thức của hãng đã có công bố: “Bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2016, chương trình thưởng đối với khách hàng bay nhiều với American Airlines sẽ được tính dựa trên tổng giá trị tiền mua vé máy bay của hành khách”.

Nỗi ám ảnh an toàn hàng không ở Đông Nam Á

Theo các chuyên gia phân tích, những quan chức ngành hàng không ở Đông Nam Á có nhiều thứ để quan ngại về an toàn hàng không tại khu vực này đặc biệt sau khi báo cáo điều tra về chuyến bay QZ8501 của AirAsia cũng như sự tụt bậc trong bảng xếp hạng đánh giá an toàn của ngành hàng không Thái Lan.

Đứng trước những thực tế đó, mỗi quốc gia Đông Nam Á đều có đối sách cụ thể. Tại Indonesia, việc huấn luyện phi công được tăng cường. Các quan chức sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu tất cả những chiếc Airbus A320 - cùng loại với chuyến bay gặp nạn QZ8501 để tìm kiếm lỗi kĩ thuật được cho là góp phần gây ra vụ tai nạn hàng không giết chết 162 người ngày 28/12/2014. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng sẽ yêu cầu tất cả các hãng hàng không tăng thời gian huấn luyện phi công.

Yusof - chuyên gia tư vấn hàng không nói: “Tôi rất hài lòng khi thấy Indonesia tập trung hơn vào lĩnh vực an toàn hàng không và có thể sẽ yêu cầu Mỹ hoặc châu Âu hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng và đại tu hệ thống hàng không như giao thông đường hàng không, bảo dưỡng và cơ chế hoạt động của ngành này”. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một khung quy định về an toàn hàng không riêng trong khu vực Đông Nam Á bởi vì ngày càng có nhiều máy bay di chuyển qua các khu vực kiểm soát hàng không quốc gia.

Tại Thái Lan, sau khi bị đánh tụt hạng trong bảng đánh giá an toàn, một cuộc thay máu lớn đã diễn ra ở cấp quốc gia tập trung vào các quy định và quy trình an toàn, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 8/2016. Mọi chuyện bắt nguồn từ năm 2015 khi Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO “gắn cờ đỏ” cho hàng không Thái.

Ngay sau đó, một loạt quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cũng có động thái hạn chế đối với các chuyến bay của Thái Lan. Trong khi Singapore, Australia và Liên minh châu Âu yêu cầu những cuộc điều tra nghiêm ngặt đối với Thái Lan. Đỉnh điểm là Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) hạ bậc an toàn của ngành hàng không nước này.

Năm 2016 cũng là thời điểm các nước đều cố gắng ngăn chặn việc xuất hiện một MH370 tiếp theo. Năm 2014, khi MH370 mất tích, tất cả mọi người đều bàn về những hệ thống theo dõi máy bay khi vượt qua đại dương. Sau đó, ICAO đã hi vọng vào năm 2016, một hệ thống theo dõi máy bay thông qua vệ tinh sẽ ra đời.

Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể áp dụng trong vòng ít nhất 2 năm tới do các nhóm nghiên cứu đang xem xét những trường hợp phát sinh không theo ý muốn xảy ra xung quanh công nghệ theo dõi máy bay thông qua vệ tinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.