Xã hội

Cách nào để sáp nhập bộ máy cấp huyện, xã tinh giản thực chất?

05/06/2019, 07:32

Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.

Theo đó, các quận huyện, phường xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Làm thế nào để việc giảm số lượng đơn vị hành chính đi đôi với việc tinh giản bộ máy được thực chất? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số ĐBQH xung quanh vấn đề này.

img
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân:
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Nguyên tắc là sau sắp xếp, số cơ quan không nhiều hơn hiện có và chia theo nhóm cơ quan thống nhất chung, cơ quan sắp xếp cho phù hợp, cơ quan thực hiện thí điểm và nhóm đặc thù. Khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa giao HĐND tỉnh quyết định. Lần này đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương. Đây là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp cho ý kiến.

Đến nay, có 4 tỉnh Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 15 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 185 phòng chuyên môn...

img
Đại biểu Phạm Văn Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó đoàn ĐBQH Đồng Tháp):
Cần chính sách thi tuyển theo vị trí việc làm

Tới nay, đa phần các địa phương đều đã có đề án hợp nhất sáp nhập các đơn vị hành chính không đáp ứng đủ 2 tiêu chí về quy mô dân số và diện tích. Tuy nhiên, thực tế đang phát sinh nhiều yếu tố vướng mắc về địa hình, đặc điểm dân tộc, quy mô dân số...

Nghị quyết của Quốc hội đặt ra mục tiêu giảm đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, chọn người có đức có tài, đủ tầm để cơ cấu lại bộ máy biên chế mới. Tất nhiên, lúc đầu chắc chắn sẽ khó khăn, con người mới, địa bàn rộng hơn… Tuy nhiên, khi đã bố trí đúng người đúng việc, tôi tin dần dần sẽ đi vào hoạt động nền nếp và hiệu quả.

Tuy nhiên, liên quan tới số người dôi dư, vấn đề sắp xếp thế nào cho hợp lý, chính sách chế độ ra sao? Hiện nay, tại các địa phương thuộc diện sáp nhập, các cán bộ công chức đang rất tâm tư, không biết ở hay đi. Do đó, công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ này là vấn đề hết sức quan trọng đối với cấp lãnh đạo ở địa phương hợp nhất để đạt mục tiêu đề ra.

Sáp nhập động chạm tới lợi ích của con người, dẫn tới những vấn đề tiêu cực về mặt nhận thức tư tưởng. Cấp lãnh đạo cần phải nhìn trước vấn đề, bố trí con người, công việc thật sự khách quan; thậm chí nếu có điều kiện thì nên thi tuyển các chức danh theo vị trí việc làm, chọn ra người có tài thực sự. Với hình thức thi tuyển, người trượt cũng tâm phục khẩu phục và chấp nhận kết quả công bằng khách quan.

img
ĐBQH Trương Minh Hoàng

ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau):
Bố trí đúng người, đúng việc

Đương nhiên khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính sẽ đụng chạm tới quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức sở tại. Đây là bài toán khó. Do đó, để việc sáp nhập được thuận lợi, địa phương cần lên phương án, lộ trình sắp xếp vị trí việc làm.

Việc bố trí công việc phù hợp với cán bộ thông thường dựa trên đánh giá năng lực nhưng riêng với chức danh lãnh đạo cần phải nghiên cứu cách thức cho phù hợp. Từ kinh nghiệm khu vực tư nhân, khi sáp nhập các phòng ban, cấp trưởng phòng sẽ bị chuyển làm phó phòng, còn một phó giám đốc sẽ được điều xuống làm trưởng phòng. Đây cũng là một cách làm hay có thể áp dụng vào việc bố trí chức danh lãnh đạo khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Sau khi sắp xếp, chủ tịch, bí thư sẽ là người chịu trách nhiệm sàng lọc xem ai giỏi, có năng lực để bố trí đúng vị trí việc làm. Thậm chí có thể có cán bộ giỏi nhưng đã thừa nên tính toán điều chuyển hợp lý.

Để có được sự đồng thuận, việc đánh giá chức trách nhiệm vụ cần công khai bằng cách giao đầu việc cụ thể, bình xét kết quả hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Tất nhiên lãnh đạo cần có tầm để kiểm soát bình xét có đúng thực chất hay chỉ hình thức để có phương án xử lý thích hợp.

img
ĐB Nguyễn Tiến Sinh

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Phó trưởng đoàn ĐBQH Hòa Bình):
Lo ngại tiêu cực trước nhiệm kỳ là có cơ sở

Cho tới nay, các địa phương đã tiến hành rà soát 2 tiêu chí dân số và diện tích đảm bảo việc định hướng sáp nhập ban đầu sao cho hiệu quả. Ngoài ra, cũng tiến hành xây dựng chính sách để khi sáp nhập đảm bảo sự phát triển nhưng phải ổn định, đồng thời tính tới các yếu tố về văn hóa, dân tộc, vùng miền… Đề án sáp nhập phải trả lời được các câu hỏi về tính hiệu quả, tác động đối với tổ chức bộ máy, an ninh trật tự sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó cần tính toán nguồn lực thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ thuộc diện tinh giản.

Trong đề án cũng đưa ra quy trình tổ chức sắp xếp bộ máy, làm tốt công tác tư tưởng để anh em vui vẻ phấn khởi thực hiện theo quyết định, coi đây là nhiệm vụ chính trị phải chấp hành. Vừa làm công tác tư tưởng vừa có chế độ chính sách tránh thiệt thòi, chẳng hạn trường hợp đủ năm đóng bảo hiểm thì vận động về hưu trước; người trẻ có năng lực xem xét chuyển vị trí; người chưa tới thời điểm hưởng hưu trí nhưng phải thực hiện quyết định cho thôi việc cũng cần được tạo điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm...

Đáng chú ý, lo ngại chuyện tiêu cực chạy chức trước nhiệm kỳ cũng không phải không có cơ sở. Do đó, địa phương cần thực hiện thận trọng tăng cường tính công khai minh bạch có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành để hạn chế tiêu cực.

Riêng đối với Hòa Bình, theo đề án đang dự thảo, bước đầu sẽ giảm hơn 50 xã và 2 huyện. Ngoài ra, còn khoảng 20 xã dù đạt cả 2 tiêu chí về dân số, diện tích nhưng tỉnh cũng đang vận động sáp nhập. Do đó, sẽ phải chấp nhận lượng lớn cán bộ rời khỏi vị trí công tác. Cụ thể, theo tính toán sơ bộ, sau khi sáp nhập sẽ giảm hơn 1.000 cán bộ cấp xã…

Nói là năm 2021 mới sáp nhập nhưng thực chất chúng ta chỉ còn năm 2019 để làm trước khi đại hội Đảng các cấp diễn ra từ đầu năm 2020. Do đó, phải quyết liệt triển khai mới có thể kịp tiến độ.

Theo nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021, đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Hiện có khoảng 16 quận, huyện và 631 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.