Giao thông

Cần đánh giá tác động giao thông các dự án cao ốc, đô thị

25/04/2018, 10:50

Dù đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, song tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn nhức nhối...

37

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Một trong những giải pháp được Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông là đối với các dự án cao ốc và đô thị lớn, ngoài việc đánh giá tác động của môi trường, cần có đánh giá tác động đối với hệ thống giao thông liên quan.

Đầu tư hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh và đồng bộ

Ông Vũ Văn Viện cho biết: Đến nay, Hà Nội đã giải quyết được 17 trên tổng số 41 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, do nhiều lý do, Hà Nội lại phát sinh trở lại 13 điểm ùn tắc mới. Ngay trong quý I/2018, chúng tôi tập trung tối đa phân luồng và tổ chức lại giao thông tại 3 điểm ùn tắc giao thông thuộc diện nghiêm trọng nhất là cầu Tó, đường La Thành - Nguyễn Chí Thanh, đại lộ Thăng Long - vành đai 3 dưới thấp... Sau tổ chức lại, các điểm này đã bớt nhức nhối hơn.

Dù thành phố rất nỗ lực, nhưng vẫn phát sinh rất nhiều điểm ùn tắc mới. Đâu là lý do, thưa ông?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ùn tắc. Tuy nhiên, lớn nhất là do việc đầu tư hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khung chưa theo đúng quy hoạch. Việc đô thị hóa mạnh, gắn liền với việc phát triển dân cư và phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân, nhiều dự án được đầu tư xây dựng cũng tác động lớn tới hạ tầng giao thông. Tốc độ đô thị hóa nhanh hơn việc phát triển hạ tầng giao thông như hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến giao thông chưa đáp ứng được và gây nên ùn tắc.

Cùng đó, cũng phải thừa nhận, việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, loại hình và chất lượng. Bên cạnh đó, cũng phải kể tới ý thức người tham gia giao thông còn kém, tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, dừng đỗ không đúng quy định rất phổ biến.

38
Đường Trần Duy Hưng sau khi xén bớt dải phân cách đã giảm ùn tắc (Chụp lúc 17h ngày 18/4) - Ảnh: Tạ Tôn

Trước khi xây dựng các dự án phải đánh giá tác động giao thông

Hà Nội đã nhận diện được nguy cơ và nguyên nhân ùn tắc, vậy tới đây thành phố cần có giải pháp gì để phát triển hạ tầng, đồng thời quy hoạch đô thị gắn với giao thông?

Đối với các dự án xây dựng lớn, ngoài việc đánh giá tác động của môi trường, theo tôi cần có đánh giá tác động đối với hệ thống giao thông liên quan đến dự án. Ở bước thực hiện đầu tư, cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện đồng bộ các hạ tầng liên quan đến dự án. Chẳng hạn, phải tính đến cả hạ tầng xã hội như: Trường học, bệnh viện, khu buôn bán, trung tâm thương mại,…

Còn đối với các dự án hạ tấng giao thông, cũng phải tính toán xây dựng đồng bộ các hạ tầng theo quy hoạch liên quan, có ảnh hưởng đến dự án như: Hệ thống đường, bến, bãi đỗ xe, xây dựng hoàn chỉnh các kết nối giao thông,…

Tới đây, thành phố cũng tính đến việc tăng cường kết nối các khu đô thị với với các hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện có, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Ngay trong năm nay, mục tiêu của Hà Nội sẽ tập trung xóa sổ bao nhiêu điểm ùn tắc, thưa ông?

Để cải thiện tình hình ùn tắc giao thông, kéo giảm 10 điểm trong năm 2018, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, thành phố sẽ đầu tư lắp đặt thêm nhiều nút đèn tín hiệu giao thông hiện đại ở các nút giao, điểm giao thông thường xuyên ùn tắc.

Nếu thực hiện các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý chắc chắn sẽ cải thiện tình hình ùn tắc. Chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao thông phù hợp lưu lượng thực tế tại từng thời điểm. Bổ sung điều chỉnh các pha đèn, chu kỳ đèn phù hợp với lưu lượng; điều chỉnh lại hạ tầng khu vực nút; bổ sung điều chỉnh lại hệ thống sơn kẻ, biển báo phù hợp.

Cùng đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với các chủ đầu tư tổ chức giao thông hợp lý phục vụ thi công các công trình trọng điểm chuẩn bị triển khai trên địa bàn; rà soát công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án để điều chỉnh tổ chức giao thông, thu hẹp các hàng rào phục vụ thi công, tăng diện tích cho giao thông.

Các giải pháp điều chỉnh tổ chức giao thông một chiều, hai chiều trên các tuyến đường cũng được tính tới. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hạn chế một số phương tiện trên một số tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông.

Cảm ơn ông!

Thực hiện đồng bộ 6 giải pháp kéo giảm ùn tắc

Ông Vũ Văn Viện cho biết, về lâu dài Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 6 nhóm giải pháp của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện GTĐB nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Trong đó, nhóm 1, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch, kế hoạch của TP Hà Nội. Xây dựng các tuyến đường vành đai, xuyên tâm, đường đô thị; Nhóm 2, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả vận tải hành khách công cộng; Nhóm 3 tăng cường quản lý phương tiện GTĐB nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; Nhóm 4, rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị dựa trên định hướng phát triển của hệ thống  giao thông công cộng (TOD), bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối thuận lợi giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng; Nhóm 5, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông thông minh; Nhóm 6, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật GTĐB, xây dựng văn hóa giao thông kết hợp với đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.