Đường bộ

Cần gì để thu phí đường bộ qua vệ tinh khả thi?

24/02/2023, 06:00

Hệ thống định vị qua vệ tinh mang lại nhiều lợi ích, ngoài việc thu phí còn phục vụ quản lý, điều tiết giao thông nhờ nắm bắt vị trí từng xe.

Công nghệ thu phí đường bộ qua vệ tinh là hình thức thu phí hiện đại, không cần barie đã được một số nước áp dụng. Vậy, với điều kiện của Việt Nam, công nghệ và hạ tầng cần phải đáp ứng thế nào để việc này khả thi?

Báo Giao thông trao đổi với ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ VN xung quanh vấn đề này. Ông Toàn cho biết:

Trên thế giới hiện có nhiều hệ thống định vị qua vệ tinh như: Hệ thống của các nước Nga, Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ.

Trong đó, nổi bật là hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System). Đây là hệ thống xác định vị trí dựa trên vị trí của các vệ tinh nhân tạo của Mỹ.

img

Ông Tô Nam Toàn

Hệ thống định vị qua vệ tinh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc thu phí giao thông, còn phục vụ quản lý, điều tiết giao thông nhờ nắm bắt được vị trí của từng xe.

Các số liệu chính xác về phương tiện, lưu lượng phương tiện sẽ phục vụ cho hữu ích để quy hoạch, thiết kế, quản trị giao thông.

Trong không gian hiện có 24 hệ thống vệ tinh, mỗi vệ tinh sẽ có tọa độ. Dưới mặt đất sẽ có thiết bị nhận tín hiệu kết nối với các vệ tinh. Để định vị chính xác một vị trí, thông thường thiết bị mặt đất phải nhận tín hiệu từ 3 - 5 vệ tinh.

Với lĩnh vực giao thông, công nghệ này khác với công nghệ thu phí tự động không dừng đang được triển khai hiện nay thế nào, thưa ông?

Có thể nói đơn giản thế này, dịch vụ thu phí tự động đường bộ ở Việt Nam được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới.

Hệ thống RFID gồm thiết bị đầu đọc RFID Reader trên các cổng long môn tại trạm thu phí và thẻ định danh RFID gắn trên đèn hoặc kính phương tiện.

Khi xe đi qua trạm, đầu đọc sẽ nhận biết xe thông qua thẻ định danh và trừ số tiền tương ứng.

Với công nghệ định vị phương tiện qua tín hiệu vệ tinh, thay vì đọc qua thẻ hay biển số xe như hiện nay, để thực hiện thu phí, mỗi phương tiện sẽ phải gắn một thiết bị GPS để định vị nhận tín hiệu vệ tinh.

Sau đó, tín hiệu này được truyền về trung tâm dữ liệu. Hình thức này cũng tương tự như thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe kinh doanh vận tải hiện nay, trong đó giám sát hành trình là một thiết bị định vị.

Xây dựng đề án đánh giá cụ thể ưu, nhược điểm

img

Công nghệ thu phí đường bộ qua vệ tinh đã được một số nước áp dụng, trong đó Đức là quốc gia đi đầu (Đồ họa quy trình thu phí đường bộ dựa trên vệ tinh của Đức). Đồ họa: Nguyễn Tường

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đường bộ VN nghiên cứu áp dụng công nghệ vệ tinh trong thu phí. Vậy, Cục Đường bộ VN đã và sẽ triển khai những gì để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng?

Tại buổi làm việc với Cục Đường bộ VN mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao đơn vị này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng.
Việc làm này mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thu phí giao thông, nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa: “Chúng ta đang đầu tư khối lượng lớn đường cao tốc. Việc đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng gây tốn kém. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có công nghệ mới, họ không cần xây dựng trạm, không có barie mà sử dụng công nghệ thu phí qua vệ tinh”.
Theo Bộ trưởng, thu phí qua vệ tinh sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn. Đây là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Khi không có barie thì giải pháp phục vụ thu phí cao tốc, thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.


Cục Đường bộ VN sẽ báo cáo Bộ GTVT xây dựng đề án nghiên cứu thu phí bằng công nghệ vệ tinh, trong đó sẽ có đánh giá các ưu nhược điểm của công nghệ.

Bên cạnh đó, một số quy định cũng cần thể chế hóa bằng việc sửa đổi các quy định pháp luật tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định về thu phí bằng công nghệ này.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thu phí qua vệ tinh và qua GPS sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn.

Đây là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Khi không có barie thì giải pháp thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.

Vậy, theo ông khi triển khai ở Việt Nam có gặp khó khăn gì, nhất là khi lưu lượng phương tiện trên cao tốc khác với xa trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường trong đô thị?

Việc thu phí qua vệ tinh trên quốc lộ hay cao tốc sẽ khả thi cao. Tuy nhiên, việc thu phí vào trung tâm thành phố sẽ gặp khó khăn hơn, do có nhiều nhà cao tầng nên tín hiệu vệ tinh sẽ kém hơn.

Hơn nữa, hiện Việt Nam chưa có vệ tinh riêng mà phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh của nước ngoài.

Bên cạnh đó, tín hiệu vệ tinh cũng chưa phân biệt được giữa đường trên cao và đường phía dưới.

Việc gắn thiết bị định vị trên xe cũng ảnh hưởng đến quyền riêng tư, quá trình di chuyển của chủ phương tiện dù ở vị trí nào đều được thiết bị định vị giám sát.

Công nghệ này phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như thời tiết xấu, bão từ… Do vậy, khi triển khai thu phí giao thông cũng bị ảnh hưởng, tín hiệu vệ tinh có thể không đọc được thiết bị định vị.

Khi đó, trường hợp chủ phương tiện tắt thiết bị hay cài thêm thiết bị để phá sóng sẽ rất khó phân biệt được giữa lỗi khách quan và lỗi chủ quan.

Theo tôi được biết, đến thời điểm hiện nay, chưa có nước nào sử dụng công nghệ này để triển khai trên toàn bộ phương tiện. Một số nước họ triển khai trên xe kinh doanh vận tải mà không triển khai trên xe cá nhân.

Cũng giống như tại Việt Nam bắt buộc xe kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý vậy.

Giá thành bộ thiết bị bao nhiêu?

img

Việc triển khai thu phí tự động không dừng cho thấy, khi đưa công nghệ mới vào cuộc sống thường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi áp dụng thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Tạ Hải

Như ông nói đây là công nghệ mới, vậy chi phí liệu có đắt hơn so với công nghệ thu phí không dừng hiện nay?

Kinh phí đầu tư ban đầu như phần mềm, máy chủ, hạ tầng công nghệ thông tin… giữa hai công nghệ gần tương đương nhau.

Tuy nhiên, khác với dán thẻ, phương tiện sẽ phải lắp bộ thiết bị nhận tín hiệu định vị. Giá bộ thiết bị định vị dao động khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Giá này tương đương với bộ thiết bị giám sát hành trình hiện nay.

Để khả thi, ngoài hạ tầng công nghệ, theo ông điều gì sẽ đóng vai trò quyết định?

Từ thực tiễn qua nhiều năm triển khai thu phí tự động không dừng cho thấy, khi đưa công nghệ mới vào cuộc sống thường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi áp dụng thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã đưa hình thức thu phí hiện đại, văn minh vào cuộc sống nhằm minh bạch hóa thu phí, tạo điều kiện thuận lợi trong di chuyển cho người dân.

Minh chứng rõ nét nhất là vào các dịp lễ, Tết đã không còn cảnh ùn tắc tại các trạm thu phí. Sự thành công của thu phí không dừng mang lại niềm tin lớn cho việc ứng dụng công nghệ mới trong giao thông.

Để ứng dụng thành công công nghệ thu phí bằng vệ tinh vào thực tiễn đồi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm lớn và sự đồng thuận của xã hội.

Trước mắt có thể triển khai thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng trong thực tiễn và khi triển khai cũng cần có lộ trình.

Cảm ơn ông!

Cần giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật

Theo một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thu phí giao thông, khi áp dụng công nghệ thu phí qua vệ tinh sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn để đầu tư hệ thống thu phí trên đường hay tại các cửa ngõ thành phố lớn để thu phí vào nội đô. Thiết bị định vị GPS sẽ được gắn trên xe, nhận tín hiệu từ vệ tinh và trả tiền qua phần mềm thu phí.

Bài toán công nghệ thu phí qua vệ tinh nằm trong tầm tay vì hiện nay Việt Nam đã kết nối với nhiều hệ thống GPS. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, để áp dụng thì cần nhiều thời gian để giải quyết các bài toán về kỹ thuật.

Hiện, Việt Nam có khoảng 5 triệu xe ô tô nên cần đầu tư hệ thống máy chủ đủ lớn để tiếp nhận dữ liệu online của số lượng xe này. Bên cạnh đó, cần có cơ chế bắt buộc toàn bộ các phương tiện là đối tượng thu phí lắp thiết bị định vị. Thực tế khi áp dụng cũng sẽ xuất hiện một tỷ lệ lỗi nhất định, cả khách quan và chủ quan.

“Thiết bị GPS có sai số lớn, thông thường sai số từ 5 - 10m, thậm chí 50m, nơi nào có 2 tuyến đường song song, hệ thống sẽ không định vị được chính xác tuyến đường phương tiện đang chạy. Tuy nhiên, yếu tố này có thể loại bỏ được bằng giải pháp kỹ thuật”, vị này cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia, trên thị trường, giá bộ thiết bị định vị vào khoảng gần 100 USD, chưa kể phí duy trì truyền dữ liệu hàng tháng. Đây là khoản kinh phí đầu tư khá lớn đối với chủ phương tiện mà cơ quan quản lý cần tính toán.

“Phải mất nhiều năm, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, miễn phí dán thẻ thu phí không dừng, thậm chí cưỡng chế chúng ta mới đạt được tỷ lệ người dùng trên 90%.

Thêm nữa, giá thành của thiết bị sẽ tỷ lệ thuận với độ chính xác, sai số càng nhỏ giá thành càng cao, có thể gây khó cho chủ phương tiện. Thiết bị lắp trên xe phải do cơ quan Nhà nước cung cấp, quản lý và kiểm định tính chính xác của thiết bị”, vị này nói thêm.

T.Duy

Nhiều nước đã áp dụng

Công nghệ thu phí qua vệ tinh được nhiều nước châu Âu áp dụng cách đây từ lâu. Còn một số nước châu Á như Singapore, Ấn Độ… đang xúc tiến thực hiện.

Đức là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ này. Từ năm 2005, xe tải lưu thông trên đường cao tốc liên bang Đức phải có thiết bị đầu đọc (OBU) chứa dữ liệu định danh và một thiết bị định vị để ghi lại vị trí, quãng đường phương tiện đi qua. Tiền phí sẽ được trừ ngay khi phương tiện chuyển từ đường thu phí sang đường bình thường và có thể thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc tín dụng…

Hiện nay, hệ thống thu phí này đang được áp dụng trên 12.500km đường cao tốc cùng với 1 số tuyến đường liên bang của Đức, áp dụng với xe tải trên 3,5 tấn.

Trong 2 năm đầu tiên áp dụng (2005 - 2006), hệ thống mang về doanh thu 5,943 tỷ euro và tăng lên đến 35 tỷ euro vào năm 2014. Tổng chi phí vận hành chỉ tương đương khoảng 10% doanh thu.

Ngoài Đức, còn có các quốc gia châu Âu khác cũng áp dụng như: Slovakia, Hungary, Bỉ, Nga, Cộng hòa Séc và Bulgaria…

Tại châu Á, Singapore - quốc gia đi đầu về thu phí đường bộ điện tử (cả trong nội đô và trên cao tốc) bằng công nghệ DSRC (truyền thông tầm gần chuyên dụng) cũng đã và đang chuyển sang thu phí bằng công nghệ dựa trên định vị vệ tinh, dự kiến thực hiện từ cuối năm nay.

T.Trang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.