Xã hội

Cần mở rộng việc thi tuyển lãnh đạo

05/05/2014, 07:39

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông về việc thi tuyển lãnh đạo.

Ông Nguyễn Đình Hương
Ông Nguyễn Đình Hương

Thi công khai không thiếu người tài ứng tuyển


Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến cuộc thi tuyển công khai chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN. Ông đánh giá thế nào về cuộc thi của Bộ GTVT?


Như tôi đã nói, cơ chế thi tuyển cán bộ của chúng ta đã có từ trước, nhưng việc áp dụng lại rất ít. Trước đây, cũng có một số địa phương, bộ, ngành áp dụng cơ chế này nhưng không phải cuộc thi tuyển cán bộ nào cũng có hiệu quả. Về cuộc thi tuyển công khai chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN do Bộ GTVT tổ chức, qua dư luận và truyền thông, tôi đánh giá rất cao hiệu quả của cuộc thi này bởi sự công phu từ khâu thông báo, tổ chức và giám sát thi. 
 

"Khi anh đã trúng tuyển thì phải hứa trong khoảng thời gian nửa nhiệm kỳ nếu không làm được thì phải xin từ chức. Chúng ta phải có văn hóa từ chức, không làm được thì nghỉ chứ không thể cứ làm mãi”.

 

Ông Nguyễn Đình Hương

Ngay từ khâu chủ trương, Bộ GTVT đã công khai để mọi người tham gia ứng tuyển vào danh sách thi tuyển, không loại trừ ứng viên là “lính mới” hay “lão làng”. Bộ GTVT đã đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng cho vị trí cần thi tuyển và đăng toàn bộ danh sách những ứng viên thi tuyển trước công chúng để xem sự phản ứng, ý kiến của dư luận về các ứng viên đó. Đặc biệt, ban tổ chức cho phép các nhà báo được tham dự, theo dõi, giám sát cuộc thi. 

Tôi cho rằng, cơ chế thi tuyển này tốt lắm, anh không làm được thì thôi, sau khỏi thắc mắc. Anh làm được thì anh đệ đơn ứng cử đi, không phân biệt ai cả, không con ông cháu cha, không có thân quen, không có móc ngoặc, không có chạy chức chạy quyền,... Tôi rất ủng hộ cách làm của Bộ GTVT. 

Có ý kiến cho rằng nên thí điểm nhiều để xây dựng một khung cơ chế tốt, sau đó mới nhân rộng việc thi tuyển lãnh đạo, ý kiến của ông ra sao?


Cơ chế này không nên dừng lại ở mức độ thí điểm của một bộ, ngành nào cả. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không qua thi tuyển. Thay vào đó, các chức vụ lãnh đạo đều phải tổ chức thi tuyển rồi mới tiến hành bổ nhiệm. 

Vậy khi nhân rộng cơ chế này, theo ông cần phải lưu ý những điểm gì?


Bất cứ một cơ quan, tổ chức nào khi tiến hành tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cũng phải dân chủ, công khai, minh bạch và phải tránh hết tiêu cực, như thế thi tuyển mới có chất lượng. Thi tuyển phải làm sao thu hút được càng nhiều người tham gia càng tốt. Những đề tài đưa ra thi tuyển phải hóc búa và cần thành lập những hội đồng giám khảo công tâm, khách quan. 


Một điểm lưu ý trong thi tuyển là khi anh đã trúng tuyển thì phải hứa trong khoảng thời gian nửa nhiệm kỳ nếu không làm được thì phải xin từ chức. Chúng ta phải có văn hóa từ chức, không làm được thì nghỉ chứ không thể cứ làm mãi. Chúng ta chưa có văn hóa từ chức, nhưng hiện nay có tiến bộ hơn là đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã làm việc này rồi, trong Trung ương cũng phải bỏ phiếu tín nhiệm, việc này cũng khiến nhiều lãnh đạo “vất vả” chứ không phải dễ dàng, phải làm như thế thì kinh tế, đất nước mới phát triển được. Chẳng phải nói đâu xa, vụ chìm phà ở Hàn Quốc mới đây, Thủ tướng nước này phải xin từ chức ngay, cái đó là một bài học cho Việt Nam, làm không được thì phải từ chức để người khác làm. 

Như ông nói, thi tuyển cán bộ càng thu hút được nhiều người thi càng tốt, nhưng có một thực tế hiện nay, ứng viên ít vì nhiều người không dám đăng ký thi tuyển vì sợ thi trượt sẽ “mất mặt” với cơ quan, tổ chức. Ông có ý kiến gì về việc này? 


Theo quan điểm của tôi, thi tuyển công khai thì sẽ không thiếu người tài ứng tuyển, chỉ có anh dốt thì mới lẩn trốn, những anh đấy có đi thi thì cũng chỉ ngồi ngậm bút thôi. Những người không đủ năng lực thì mới sợ thi tuyển, những anh giỏi thì người ta sợ gì chứ.
 

Ông Nguyễn Văn Huyện (ngoài cùng bên phải) đã trúng tuyển trong cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt NamẢnh: Phương Dung
Ông Nguyễn Văn Huyện (ngoài cùng bên phải) đã trúng tuyển trong cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam


“Tôi từng đề xuất cách chức nhiều bộ trưởng”


Là người làm công tác tổ chức nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ hiện nay ở Việt Nam?


Từ trước đến nay, trong công tác lựa chọn cán bộ lãnh đạo, ở ta có ba cơ chế: Bầu cử, bổ nhiệm và thi tuyển cán bộ. 


Trong ba cơ chế trên, bổ nhiệm cán bộ là cơ chế được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhưng cũng là cơ chế tồn tại nhiều tiêu cực, đây là điều khó tránh khỏi. Công tác bầu cử cũng chưa thể nói là toàn diện. Đơn cử, khi đưa danh sách ra làm gì có ai biết ai, danh sách đưa lên thì mọi người cứ thế bầu chứ có biết anh được bầu là ai? Nhiều người cũng chẳng biết năng lực, phẩm chất đạo đức anh đó thế nào. 


Trong các hình thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo chỉ có cơ chế thi tuyển là cơ chế tốt và tiến bộ nhất hiện nay. Tôi cho rằng, đây là một hình thức đổi mới trong công tác cán bộ và cần phải nhân rộng, bởi khi đã tổ chức thi tuyển thì mọi cái đều dân chủ, công khai, minh bạch nên loại bỏ được rất nhiều tiêu cực. Tuy nhiên, việc thi tuyển các chức danh quản lý Nhà nước trong bộ máy của chúng ta hiện nay đang làm rất ít. 

Được biết, trước đây khi còn đương chức ông từng đề xuất, đề bạt một cán bộ giữ chức bộ trưởng, nhưng sau đó chỉ một năm chính ông là người đề nghị cách chức vị bộ trưởng này. Ông có thể lý giải rõ hơn về sự việc?


Đúng là có chuyện này, nhưng tôi thấy cái đó là bình thường. Khi ấy tôi làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương thì có nghiên cứu đề xuất một đồng chí (tôi không tiện nêu đích danh) làm bộ trưởng. Lúc đó, tôi thấy đồng chí này có đủ các điều kiện để đảm đương vai trò của một bộ trưởng. Khi tôi giới thiệu thì Bộ Chính trị lúc đó cũng đồng ý. Tuy nhiên, một năm sau tôi phát hiện ra khi ông ấy lên chức, có quyền hành trong tay thì đã “chiếm” nguyên một căn biệt thự to uỵch ở Hà Nội. Tôi thấy như thế là tiêu cực và không xứng đáng với chức danh đó nữa nên tôi đề nghị miễn chức danh bộ trưởng với đồng chí này. Cũng xin nói thêm, khi còn đương chức tôi từng đề xuất cách chức nhiều bộ trưởng chứ không riêng gì một đồng chí như đã nói ở trên.

Vì sao ông phải làm vậy?


Vì sao ư? Bởi ở Việt Nam có một nhược điểm là cán bộ lãnh đạo không có văn hóa từ chức, cũng chẳng ai phải chịu trách nhiệm về phần mình khi xảy ra những sự việc nghiêm trọng, người làm được với người không làm được cũng giống nhau. Do đó, nếu không làm nghiêm khắc, quyết liệt trong công tác tổ chức cán bộ thì hậu quả sẽ khôn lường.

Phải chăng nếu chúng ta tiếp tục duy trì cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chỉ dựa trên những tiêu chí đánh giá, bình xét dễ dẫn tới những nhầm lẫn trong việc lựa chọn người tài, thưa ông?


Đúng vậy. Ai đánh giá ai? Lấy cơ sở nào để đánh giá? Việc đánh giá cũng rất phức tạp, cảm tình với nhau thì đánh giá một đằng mà ghét nhau thì đánh giá một nẻo. Anh làm tốt, quan hệ tốt thì thủ trưởng sẽ đánh giá khác, anh mà ăn ở không tốt, quan hệ kém để thủ trưởng ghét thì họ lại đánh giá một kiểu. Cái khó nhất trong công tác cán bộ hiện nay là việc đánh giá cán bộ, cho nên tôi thấy chỉ có thi tuyển là rõ nhất. 

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đình Quang 

(Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.