Xã hội

Cần một liên minh báo chí chống ăn cắp bản quyền

20/06/2021, 19:00

Hiện nay tình trạng các báo lấy lại thông tin của nhau, các trang thông tin, mạng xã hội ăn cắp bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến.

img

Nhiều trang tin tổng hợp lấy lại bài viết đăng tải trên Báo Giao thông và chia sẻ rộng rãi, thậm chí một số trang còn không hề dẫn nguồn

Điều này khiến cho tác giả và cơ quan báo chí giữ bản quyền tác phẩm chịu rất nhiều thiệt thòi, trong khi các đối tượng ăn cắp lại hưởng lợi rất lớn. Giải pháp nào để ngăn chặn?

“Biến bài báo bạn thành bài báo ta”

Dù đã có mối quan hệ thân thiết từ trước nhưng phải mất rất nhiều thời gian, công sức, PV Báo Giao thông mới có thể thực hiện được bài viết độc quyền về cuộc sống của cựu Đại tá công an Dương Tự Trọng sau khi mãn hạn tù.

Tuy nhiên, khi bài viết vừa được đăng, ngay lập tức hàng loạt trang mạng xã hội, trang tin tổng hợp và thậm chí cả trên 1 - 2 tờ báo chính thống đã đồng loạt lấy lại và chia sẻ rộng rãi. Đáng nói, khi lấy lại bài trên Báo Giao thông, các trang tin tổng hợp và mạng xã hội không hề dẫn nguồn, thậm chí tự ý chỉnh sửa một số nội dung và đăng tải như chính sản phẩm của họ làm ra.

Tương tự, nhà báo Đinh Mạnh Tú, đại diện TTXVN tại Hải Dương kể: “Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhóm phóng viên của chúng tôi lăn lộn mấy tháng trời ở vùng dịch. Tuy vậy, rất nhiều thông tin, hình ảnh của chúng tôi bị ăn cắp trắng trợn mà không hề có một lời xin phép, trích nguồn”.

Dù khá bức xúc nhưng tới nay anh Tú cũng chưa hề phát đơn kiện ai về hành vi xâm phạm bản quyền. Trường hợp như anh Tú cũng là tình trạng mà rất nhiều người làm báo, cơ quan báo chí gặp phải nhưng đều “cho qua”, vì nghĩ rằng đó là “việc nhỏ”. Song có lẽ cũng vì thế mà thực trạng vi phạm bản quyền báo chí suốt thời gian qua diễn ra ngày càng phổ biến và công khai.

Quá trình đi tác nghiệp tại nhiều nơi, chúng tôi từng khẽ thở dài khi nghe bạn đọc nói: “Tôi không đọc tờ báo anh đang công tác, bài báo đó tôi đọc trên Báo mới. Bài báo rất hay, phóng viên Báo mới dũng cảm điều tra, phanh phui vụ việc đó giỏi thật!”.

Thực tế, Báo mới, Newskydoor... chỉ là những trang tin tổng hợp đã rất thành công trong việc lấy lại thông tin bài từ các báo. Với thông tin được cập nhật thường xuyên từ rất nhiều tờ báo, những trang tin này thu hút được lượng người đọc đông đảo. Vô hình chung, nhiều độc giả mặc định coi đây là những tờ báo với thông tin đa dạng để cài đặt chế độ mở thường xuyên trên điện thoại, laptop.

Theo một chuyên gia báo chí - truyền thông, một tác phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân của nhà báo và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện vẫn có một thực trạng khá trớ trêu là cơ quan báo chí “mong muốn được ăn cắp bản quyền” để đổi lấy lượng view, lượt like, visit... cho bài báo.

Bởi khi bản thân tờ báo có lượng người đọc hạn chế, thì việc được các trang tin tổng hợp có lượng bạn đọc truy cập cao như Báo mới “vợt lại”, cũng là một giải pháp để có thêm view (lượt xem).

Tìm về giá trị cốt lõi

Trên thực tế, vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đã được đặt ra từ rất lâu. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Việc sao chép, đánh cắp bản quyền không chỉ diễn ra với mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, mà còn phổ biến với chính các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chống nạn ăn cắp bản quyền báo chí bằng cách nào?

Nguồn thu lớn nhất, quan trọng nhất, chính đáng nhất cho báo chí chính là từ giá trị thông tin do tác phẩm báo chí mang lại. Do đó, bản quyền tác phẩm báo chí là vấn đề sống còn đối với cơ quan báo chí. Tuy vậy, lâu nay, chúng ta có thể dễ dàng và gần như là buông lỏng vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc các cơ quan báo chí phối hợp với nhau để bảo vệ vấn đề bản quyền. Các cơ quan báo chí có thể phối hợp với nhau để cho nhau quyền sử dụng nhưng cái đó phải nằm trong quy chế phối hợp, quy định, thỏa thuận giữa các bên. Còn nếu tự ý lấy thông tin đăng lên mà không được phép, đấy là vi phạm. Việc này đòi hỏi phải có sự rà soát lại một cách tổng thể của các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, để từ đó có những quy định chặt chẽ hơn. Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhưng chúng ta cần phải có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về vấn đề này trong lĩnh vực báo chí.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam


Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng biên tập Báo Lao Động, thực trạng vi phạm bản quyền hiện nay đã ở mức báo động đỏ và sự liên minh liên kết để tạo ra sức mạnh tập thể nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí là không thể chần chừ.

Tuy vậy, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí cần phải làm theo nhiều giai đoạn và phải có các nghiên cứu rất tỉ mỉ, mang tính chiến lược, hệ thống và theo lộ trình phù hợp.

Theo ông Hiển, giai đoạn đầu, các cơ quan báo chí đồng lòng hướng đến việc bảo vệ bản quyền trước các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Theo đó, phải xây dựng quy định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google… khi sử dụng, khai thác thông tin của báo chí Việt Nam phải trả phí cho các cơ quan báo chí, đúng tiêu chí: Khai thác - trả tiền.

“Ở trong nước, phải chấm dứt việc các cơ quan báo chí tùy tiện sử dụng thông tin của các cơ quan báo chí khác khi không được cho phép. Hiện đã có quy định, cần xử phạt nghiêm với các cơ quan trích dẫn nguồn tin không xin phép. Làm sao có thể khiếu nại, đòi hỏi quyền lợi của mình khi chính mình không tuân thủ cuộc chơi?”, ông Hiển đề xuất.

Tổng biên tập Báo Lao động cũng nhấn mạnh, bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí phải có sự phối hợp cùng nhau vì mục tiêu chung. Các cơ quan báo chí không thể thắng trong chuyện này nếu chỉ làm một mình và hành động đơn lẻ.

Và khi làm tốt điều này, báo chí sẽ có vị trí, tiếng nói xứng đáng với vị thế vốn có và báo chí chơi cuộc chơi sòng phẳng, bình đẳng với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

“Từ sau sự kiện nước Úc buộc Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí sở tại, tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều ấy nếu chúng ta đồng lòng. Ngoài sự đồng lòng của cơ quan báo chí, cần sự ủng hộ từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sự liên kết giữa các bộ, ngành liên quan. Trước mắt, có thể xây dựng một liên minh kết nối các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, hình thành lượng bạn đọc trung thành. Từ đó, nói tiếng nói chung trong đấu tranh đòi quyền lợi về bản quyền đối với những nền tảng xuyên biên giới”, ông Hiển chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế đô thị cũng lo lắng trước thực tế suốt thời gian dài vừa qua, Báo Kinh tế đô thị cũng như nhiều cơ quan báo chí khác bị ăn cắp bản quyền rất nghiêm trọng.

“Về vi phạm bản quyền sẽ có 2 góc độ: Thứ nhất, đấu tranh bảo vệ bản quyền của các cơ quan cơ quan báo chí. Thứ hai, biến bản quyền của mình thành cơ hội để hợp tác, mà các đối tác cùng có lợi. Nếu chúng ta tôn trọng cuộc chơi, các đơn vị làm báo phải tôn trọng bản quyền của nhau, nếu như hỗ trợ nhau, lấy của nhau cần phải có sự đồng ý ngay trong nội bộ các báo. Hơn nữa, các đơn vị viễn thông trong nước, quốc tế cũng phải tôn trọng cuộc chơi bản quyền của báo chí”, ông Đức phân tích.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng nhấn mạnh, một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, gồm cả các chuyên gia pháp lý dành thời gian để xử lý việc này.

“Có thể tiến tới hình thành một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”, ông Lê Quang Tự Do nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.