Quản lý

Cận Tết lại lo đò ngang quá tải, lộn xộn

16/01/2018, 09:38

Lực lượng chức năng cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp để xóa các “điểm nóng” mất ATGT...

11

Lực lượng thanh tra kiểm tra công tác bảo đảm ATGT tại một lễ hội trên sông Hồng, địa phận Hà Nội

Canh chừng bến đò, rà soát tàu khách

Giữa tháng 1/2018, PV Báo Giao thông trực tiếp cùng lực lượng Thanh tra - an toàn đường thủy (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) có mặt tại nhiều bến đò ngang trên sông Hồng đoạn giáp Hà Nội - Hưng Yên, sông Lô đoạn giáp Phú Thọ - Vĩnh Phúc. Ghi nhận của PV, tại đây các phương tiện đều trang bị đủ các loại phao cứu sinh, phương tiện đăng ký, còn hạn đăng kiểm. Tuy nhiên, việc chấp hành trên còn mang nặng tính đối phó.

Ông Nguyễn Văn Chanh, chủ bến đò Đức Bác (sông Lô) cho biết, các điều kiện an toàn của bến đò đều thực hiện đủ, nhưng “khó” nhất là yêu cầu khách mặc áo phao, đeo dụng cụ nổi cứu sinh. “Có hành khách khi thấy lực lượng thanh tra, CSGT mới chấp hành, còn ngày thường có người nhất định không nhận phao vì sợ bẩn quần áo. Hoặc cầm xong thả luôn xuống sàn đò, có khi xảy ra căng thẳng giữa phụ đò với hành khách”, ông Chanh kể.

"Lễ hội trên sông nước dịp sau Tết rất đa dạng, có lễ hội diễn ra vài tiếng vào ban đêm, rạng sáng, có lễ hội diễn ra cả ngày với hàng nghìn người tham gia. Trước khi lễ hội diễn ra, lực lượng thanh tra chúng tôi phải đến vận động, “tham mưu” cho Ban tổ chức lễ hội. Khi lễ hội diễn ra thì tổ chức lực lượng, phương tiện đến cảnh giới, bảo đảm ATGT tại hiện trường”.

Ông Trần Văn Khiết
Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc

Đề cập thực tế trên, ông Trần Trọng Liên, Đội phó Đội Thanh tra - an toàn số 1 cho biết, quy định khách đi đò mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh đã có từ cách đây 5 năm, nhưng đến nay việc chấp hành chưa tốt. “Tháng nào thanh tra cũng phải thị sát mỗi bến đò ít nhất hai lần để yêu cầu lái đò, phụ đò vận động khách mặc áo phao. Còn những dịp cao điểm như Tết và lễ hội sau Tết sắp tới, chúng tôi sẽ có mặt nhiều hơn ở các bến trọng điểm để tác động đến ý thức của những người vận hành đò, hành khách”, ông Liên nói.

Tương tự, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 Trần Văn Khiết cho biết, phương tiện vận tải hàng hóa đường thủy dịp Tết thường nghỉ sớm và kéo dài nên việc đò ngang, hoạt động vận tải khách là trọng điểm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy dịp Tết. “Từ nay đến Tết Nguyên đán, tất cả các bến đò ngang thuộc phạm vi Đội phụ trách đều được tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết tự giác thực hiện các quy định về vận tải khách ngang sông. Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi chở quá tải, phương tiện không đủ điều kiện kỹ thuật an toàn, không trang bị đủ phao cứu sinh”, ông Khiết cho biết.

Về phía lực lượng cảng vụ, ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, đơn vị đã lập kế hoạch giám sát công tác bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng cảng vụ trực thuộc tại các khu vực trọng điểm như lòng hồ Hòa Bình, bến tàu khách du lịch trên sông Hồng tại Hà Nội và Hưng Yên.

Lập các đoàn kiểm tra, giám sát

Ngoài đò ngang, lực lượng Thanh tra đường thủy cũng đã lập kế hoạch chủ động bảo đảm ATGT đường thủy cho từng lễ hội trên sông nước diễn ra trên đường thủy trong dịp sau Tết Nguyên đán.

“Chúng tôi thống kê, lập danh sách thời gian diễn các lễ hội diễn ra trên sông nước, như rước nước, cấp nước, rước kiệu qua sông... và lên phương án cụ thể để bảo đảm ATGT tại hiện trường. Đồng thời, làm việc với chính quyền cơ sở, Ban tổ chức lễ hội tuân thủ các quy định về pháp luật giao thông đường thủy và coi trọng vấn đề ATGT”, ông Khiết nói và cho biết, trước kia nhiều lễ hội coi thường vấn đề an toàn, dẫn đến tình trạng chở quá tải, tùy tiện dùng phương tiện để chở người tại lễ hội và hoạt động lộn xộn.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục ĐTNĐ Việt Nam), Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, triển khai phương án bảo đảm trật tự ATGT đường thủy toàn quốc trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân sắp tới. Trong đó, các Chi cục đường thủy được giao chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Đường thủy và các cơ quan liên quan, Ban tổ chức lễ hội của các địa phương triển khai phương án đảm bảo ATGT cụ thể tại tất cả các lễ hội.

“Trong dịp Tết và lễ hội, Cục sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, nắm tình hình và giám sát công tác bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy tại các địa phương, tuyến đường thủy trọng điểm trên toàn quốc”, ông Thắng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.