Xã hội

Cần Thơ ứng phó thế nào với 4 đợt triều cường sắp tới?

04/11/2022, 22:22

Cần sử dụng hệ thống thông minh cảnh báo thời gian ngập, tuyến đường ngập; nghiên cứu điều chỉnh giờ học sinh đi học, cảnh báo giao thông…

Vẫn còn 4 đợt triều cường

Ngày 4/11, Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, đơn vị đang tổng hợp, thống kê lại các tuyến đường hư hỏng do ngập nước trên địa bàn.

img

Một khu vực bị ngập ở Cần Thơ.

Trên cơ sở đó, Sở sẽ có đề xuất sửa chữa, dặm vá cho phù hợp nhằm ứng phó với các đợt triều cường sắp tới.

Theo thống kê, trong đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua, chỉ tính riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều có 83 tuyến đường bị ngập. Trong đó, có nhiều tuyến đường ngập sâu từ 0,45-0,7m.

Đó là một số đoạn trên đường Mậu Thân, đoạn tại trung tâm thương mại Vincom Xuân Khánh, đoạn từ cầu Cồn Khương đến giao với đường Cách Mạng Tháng Tám.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhận định từ nay đến hết năm 2022 còn 4 đợt triều cường, gồm rằm tháng 10, đầu tháng 11, rằm tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch).

Mực nước cao nhất trong các đợt triều này ở mức báo động 2-3. Riêng đợt triều cường đầu tháng 11 âm lịch (khoảng ngày 25 đến 27/11) vẫn còn ở mức cao trên báo động 3 từ 10-15cm (tức đỉnh triều khoảng 2,1 - 2,15m).

Về các giải pháp, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông; tăng cường lực lượng phân luồng, khắc phục sự cố tại các điểm ngập sâu….

Còn ngành giáo dục sẽ phối hợp các địa phương tổ chức cho học sinh đi học an toàn, chủ động điều chỉnh thời gian học cho phù hợp hoặc nghỉ học trực tiếp chuyển sang trực tuyến…

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, ngoài ngập do triều cường, Cần Thơ còn đang đối mặt với tình trạng cứ mưa là ngập.

img

Người dân khai thông hệ thống thoát nước trước tình trạng ngập.

Trong đó, nguyên nhân căn cơ nhất là hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lưu lượng. Thời gian qua, thành phố đã có được Dự án Nâng cấp đô thị 1 và 2. Nhưng các dự án này chỉ giải quyết được bài toán ngập tại các con hẻm nhỏ.

Khi nước được đưa ra hệ thống thu gom chính (vốn không đảm bảo việc tải lượng nước) vẫn bị tắc nghẽn, và gây ngập. Hiện nay, thành phố đang triển khai Dự án Phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Trong đó, có việc đầu tư nâng cấp hơn 30 tuyến đường chính gắn với hệ thống thu gom nước. Khi những tuyến đường này hoàn thành kết hợp cải tạo cảnh quan, sẽ cơ bản giải quyết chuyện ngập của thành phố.

Cảnh báo thông minh, sống chung với... ngập

Mới đây, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp Tổ chức phi chính phủ Friderich Việt Nam (FNF) và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu".

img

Lực lượng công an giúp dân vượt qua triều cường.

Ông Nguyễn Thanh Tại, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng TP Cần Thơ), cho biết vừa qua do triều cường xảy ra cùng lúc với đỉnh lũ trên sông Mekong đã dẫn tới mực nước cao nhất đo được trên sông Hậu (2,27m) vượt qua cột mốc lịch sử năm 2019 là 2,25m, gây ngập nặng ở TP Cần Thơ.

Ông Tại cho rằng thực tế này dẫn tới công tác thực hiện đồ án quy hoạch phát triển đô thị cũng phải tính tới yếu tố cốt nền.

Ông Võ Minh Cảnh, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay vấn đề ngập lụt đô thị có nhiều nguyên nhân như triều cường, hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, mưa và đã xảy ra ngập có cả 3 nguyên nhân này.

Theo ông Cảnh, ngập ở Cần Thơ thường xảy ra vào mùa nước nổi (tháng 9, 10 và 11), thời gian ngập chỉ vài giờ, chứ không phải ngập suốt. Tổng cả năm thành phố ngập khoảng 40-50 giờ.

Vì vậy cần sử dụng hệ thống thông minh cảnh báo thời gian ngập, tuyến đường ngập. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh giờ học sinh đi học, cảnh báo giao thông… để giảm thiểu nhiều nhất các tác động từ ngập lụt đô thị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.